Tết Mường Thanh 2023 - Gọi xuân Tây Bắc về
Ngày 12/3 hàng năm được Tập đoàn Mường Thanh ấn định là ngày Tết Mường Thanh, rất nhiều hoạt động thú vị mang âm hưởng núi rừng Tây Bắc được diễn ra trong giai đoạn này.
Tết Mường Thanh – cái Tết riêng của người nhà Mường với những hình ảnh mang đậm màu sắc văn hóa Tây Bắc, những hình ảnh đó như mạch nước nguồn đã thấm sâu tạo nên nét riêng thuần Việt của thương hiệu Mường Thanh suốt 30 năm hình thành và phát triển.
Lấy chủ đề “Gọi xuân Tây Bắc về”, tết Mường Thanh 2023 diễn ra khi cả trời Tây Bắc rợp sắc hoa ban, tiết trời đã không còn cái lạnh giá buốt của mùa đông mà đang giao hòa giữa Xuân và Hạ. Tháng 3 cũng là lúc bà con dân tộc bắt đầu vào mùa vụ mới trên những thửa ruộng bậc thang, trong những thung lũng trắng trời hoa ban, hoa mận. Tạo nên một bức tranh vô cùng sinh động và tươi vui.
Hòa cùng Lễ hội Hoa Ban của người Thái, Tết Mường Thanh giống như một thông điệp, một ước muốn của Tập đoàn Mường Thanh về một năm mùa màng bội thu, làm ăn phát tài phát lộc, mong một năm được các vị thần linh trong trời đất phù hộ để có sức khỏe và bình an tới toàn thể Quý khách hàng cùng hàng nghìn cán bộ nhân viên trong Tập đoàn.
Ngày Tết cũng là lời nhắc nhớ cho mỗi người nhà Mường mang trên mình sứ mệnh bảo tồn và phát huy nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc, phải luôn nhớ về nguồn cội, về những gì đáng được trân trọng và nâng niu không chỉ của riêng Tập đoàn Mường Thanh mà cả văn hóa Việt.
Tết Mường Thanh vui và đầm ấm như chính tên gọi mộc mạc của nó. Vào những ngày này, trên toàn bộ hệ thống 60 khách sạn từ vùng núi biên cương đến hải đảo xa xôi và nước bạn Lào, dù là trong tiết trời giá lạnh phương Bắc hay nắng vàng của phương Nam, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp một không khí Lễ hội với những hình ảnh đặc trưng thể hiện cá tính riêng của đồng bào dân tộc vùng núi cao Tây Bắc mỗi khi xuân tới như:
Nhảy sạp, múa Xòe Hoa, trò chơi ném còn, trang trí hoa ban, khăn thổ cẩm…thưởng thức hương vị ẩm thực vùng cao như: Xôi ngũ sắc, thịt trâu gác bếp, Pa Pỉnh Tộp (Cá suối nướng), thịt lợn bản…buổi tối tại một số nơi còn có lễ hội đốt lửa trại, tái hiện cuộc sống vui tươi và chan hòa tình đoàn kết gắn bó của người dân tộc Thái nói chung và người trong Tập đoàn Mường Thanh nói riêng.
Chị Nguyễn Thu Hiền một cán bộ của Tập đoàn đã từng được tham gia nhiều cái Tết Mường Thanh chia sẻ cảm xúc: “Tết Mường Thanh đã trở thành ngày truyền thống của chúng tôi, vào ngày này dù ai đi xa cũng đều bồi hồi nhớ về, như tưởng nhớ nguồn cội gốc gác nơi đã cho mình có được một cuộc sống tốt đẹp, cho mình ngôi nhà thứ hai đầy tình yêu chân thành, đoàn kết và sự biết ơn”.
Có nét đặc trưng rất riêng khiến cho Tết Mường Thanh luôn mang vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển và pha chút lãng mạn đó chính là câu chuyện truyền thuyết về loài hoa được mệnh danh là đại sứ của núi rừng Tây Bắc – Hoa Ban. Câu truyện đã lưu truyền hàng trăm năm nay, tuy là một chuyện tình buồn về sự chia ly của nàng Ban và chàng Khum, nhưng trong sâu thẳm lại tiềm tàng một sức mạnh của tình yêu, của sự phản kháng đấu tranh vì lẽ phải, chống lại áp bức và bất công, hướng con người đến những điều tốt lành.
Chính vì thế, đối với Tết Mường Thanh du khách không khỏi ngạc nhiên khi luôn bắt gặp hương sắc của Hoa Ban luôn suốt hiện như một nhân tố chính điểm tô trong những sảnh khách sạn, trong nhiều món ăn dân tộc, hay thậm chí trong nhiều thiết kế nhận diện thương hiệu của Mường Thanh. Đây cũng là một nét đẹp về văn hóa gắn liền với đời sống con người mà Tập đoàn Mường Thanh muốn lưu giữ bên cạnh vẻ đẹp say đắm của núi rừng Tây Bắc cùng những hoạt động sôi nổi khác của lễ hội.
Một mùa Tết Mường Thanh đang về như hối thúc mỗi người Mường Thanh trở về đoàn tụ cũng như mang đến cho du khách những nét đẹp văn hóa riêng vùng Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tet-muong-thanh-2023-goi-xuan-tay-bac-ve.html