Tết năm ấy Người về Thác Huống
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi (25/1/1955), Bác Hồ đến thăm công trường đập Thác Huống (đập này năm 1952 bị máy bay Pháp ném bom phá hỏng, năm 1955 đang được sửa chữa lại).
Đập Thác Huống khi đó nằm xen giữa địa phận xã Gia Sàng (thị xã Thái Nguyên) với xã Đồng Liên (Phú Bình) và xã Huống Thượng (Đồng Hỷ). Đập được xây dựng trên 1 con thác lớn có tên là Ghềnh Chảo (khi ấy, thác Ghềnh Chảo thuộc xã Huống Thượng). Đập nằm trong công trình thủy nông Bích Động, được khởi công xây dựng từ năm 1922, đến tháng 6-1929 thì khánh thành. Tháng 6-1952, giặc Pháp đã cho nhiều tốp máy bay ném bom phá sập cầu, vỡ đập Thác Huống và một số điểm của công trình thủy nông Bích Động, khiến việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do không có nước canh tác.
Trước tình hình đó, năm 1954, Chính phủ đã huy động hàng vạn dân công đi khôi phục toàn bộ tuyến kênh dài hơn 52km cùng các kè, đập của công trình thủy nông Bích Động, trong đó có đập Thác Huống. Con đập này đã được nâng cao, mở rộng và là công trình thủy lợi quan trọng làm nhiệm vụ dâng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nước tưới cho các cánh đồng của 2 huyện Đồng Hỷ, Phú Bình và một số địa phương lân cận của tỉnh Bắc Giang.
Đến thăm công trường đập Thác Huống, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chúc Tết và động viên anh em bộ đội, công nhân, cán bộ, dân công ở lại ăn Tết tại công trường thật vui vẻ.
Bác đã tặng công trường một số huy hiệu để thưởng cho những người thi đua khá nhất và căn dặn: “…Phải thi đua làm nhanh, làm tốt và tiết kiệm để bà con nông dân chóng có đủ nước cấy, mức sản xuất được nâng cao thì đời sống mọi người sẽ được ấm no hơn... Phải thực hiện đoàn kết, phải coi trọng xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, chống lối làm ăn riêng lẻ; phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở”...
Đối với mỗi người dân Huống Thượng nói riêng và với bất cứ người con Thái Nguyên nào nói chung, được đón Bác về thăm là niềm vinh dự, tự hào và là động lực để mọi người cùng cố gắng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp như Bác từng căn dặn.