Tết này con sẽ về thăm ngoại

Khi những tia nắng yếu ớt cố gắng trút hết hơi tàn hắt lên những chùm hoa sim tím lung linh trong buổi chiều tà, tôi lại cố gắng men theo triền núi cheo leo để trở về trường sau buổi đi vận động học sinh đi học.

Dừng chân nghỉ ngơi trên một mỏm đá cao, bỗng dưng lòng tôi nôn nao nhớ về quê ngoại. Bởi hiện lên trước mắt tôi bây giờ là một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, hệt như quang cảnh quê ngoại tôi. Đâu đâu cũng ngút ngàn đồi núi cao. Những ngôi nhà mái ngói chon von, mờ ảo thấp thoáng trong màn sương lãng đãng. Từng đường nét của bức tranh luôn khắc sâu trong tâm trí tôi, để rồi ngay cả trong mơ cũng hiện lên một cách rõ nét. Vẻ đẹp thanh sơ, yên bình của thiên nhiên gọi tâm hồn tôi trở về với miền ký ức xa xôi…

 Đứng trên mỏm đá cao, lòng tôi nôn nao hướng về quê ngoại

Đứng trên mỏm đá cao, lòng tôi nôn nao hướng về quê ngoại

Tôi nhớ hồi tôi còn bé, cứ mỗi khi tết đến là mẹ tôi lại chở tôi trên chiếc xe đạp “huyền thoại” để về chúc tết ông bà ngoại. Mẹ tôi kể rằng, hồi lấy bố tôi nhà ngoại nghèo lắm. Gia sản chỉ có chiếc xe đạp là có giá trị nhất. Chiếc xe mà ông ngoại phải bán cả đàn trâu mới tậu được. Thế nên ông quý chiếc xe lắm và chỉ những lúc có việc thật sự quan trọng ông mới dùng đến nó. Đặc biệt, ông không bao giờ cho các thành viên trong gia đình mang nó để đi chở hàng.

Gia đình có năm anh, chị em. Mẹ tôi là con gái cả trong gia đình, lại lấy chồng xa nên ông thương lắm. Ông tặng cho mẹ chiếc xe làm của hồi môn và dặn dò mẹ phải giữ gìn nó thật cẩn thận. Ngày con gái lên xe hoa, ông lặng lẽ tiễn con gái ra đầu làng mà nước mắt rưng rưng, đến khi bóng đoàn rước dâu khuất dạng dần sau những lũy tre ông mới trở về nhà. Mẹ nuốt vào trong tim từng lời ông căn dặn. Chiếc xe đạp đối với mẹ không chỉ đơn thuần là phương tiện mà còn là sợi dây gắn kết tình cảm phụ tử chan chứa yêu thương. Và tết năm nào cũng vậy, những lối mòn quen thuộc lại in dấu vết xe đạp của mẹ tôi trên hành trình trở lại thăm quê.

 Khung cảnh phía sau nhà ngoại tôi

Khung cảnh phía sau nhà ngoại tôi

Đường lên nhà ngoại tôi lúc đó còn chưa được mở rộng và “bê tông hóa” như bây giờ, mà chỉ là đường đất nhỏ hẹp. Con đường vừa xa, vừa dốc khiến mẹ con tôi mồ hôi nhễ nhại. Đến những quãng dốc tức mẹ thì dắt xe, tôi thì hì hục phụ mẹ đẩy. Tuy mệt rã rời nhưng nghĩ đến nụ cười hiền từ của ngoại, cùng với việc chiếc túi mà tôi mang bên mình sẽ dày lên vì tiền lì xì của ông, bà ngoại cùng các dì, các cậu dành cho mà tôi bước đi phăm phăm, lòng đầy háo hức. Những khi xuống dốc, để đảm bảo an toàn vì sợ phanh xe không ăn, mẹ cũng xuống xe và dắt bộ. Tôi lon ton phía sau, vừa đi tôi vừa nhặt “hạt lạc đen” - thứ mà chỗ tôi chẳng bao giờ có. Quãng đường cách hơn hai chục cây số, nhưng với vận tốc của mẹ con tôi thì nó là cả một vấn đề. Hai mẹ con tạm biệt bố, ra cửa từ lúc sớm tinh mơ nhưng phải đến xế trưa mới đến nhà ngoại.

Mới nghe thấy tiếng xe đầu ngõ là ông tôi đã ló đầu ra, với vẻ mặt tươi cười, ông nói lớn như thể để thông báo cho cả xóm biết: “A, con gái rượu của tôi về thăm bố rồi”. Bà ngoại lật đật chạy ra đón lấy quà tết từ tay mẹ tôi và dắt tay tôi vào nhà. Gọi là quà tết cho sang chứ thật ra chỉ có một con gà mẹ nhốt trong lồng từ hôm ba mươi với vài chiếc bánh chưng. Tôi cũng vội khoe bà là tôi cũng có quà cho bà. Tôi giở chiếc túi vải mẹ khâu ra cho tôi, trong đó có bao nhiêu là hạt màu đen, cứng ngắc. Tôi tưởng cả nhà sẽ khen tôi, ai dè mọi người được một phen cười ngất. Vì hóa ra cái mà tôi gọi là “hạt lạc đen” kia lại là phân dê đã khô tự bao giờ. Tôi ngượng đỏ chín mặt, chỉ ước lúc đó có một cái lỗ nẻ để tôi độn thổ cho xong. Ông ngoại cười khà khà bào chữa cho tôi: “Cái con bé này, được cái chịu khó giống mẹ nó lại biết thương ông nên nó lấy phân đến để ông bón hoa lan đây mà”. Mặt tôi dãn ra, nguôi ngoai hẳn khi nghe ông nói vậy.

Cả năm cứ phải đến dịp tết gia đình mới được quây quần bên nhau. Ông đi gọi các dì, các cậu và họ hàng ở gần đến để làm bữa cơm họp mặt. Tuy chẳng có mâm cao, cỗ đầy nhưng bữa ăn có đông đủ mọi thành viên trong gia đình khiến ai cũng cảm nhận được không khí vui vẻ và đầm ấm. Mọi người say sưa kể cho nhau nghe những công việc trong năm, gói lại những nỗi buồn, mở ra những niềm vui, những kế hoạch, dự định sẽ làm trong năm mới…

Cho đến bây giờ, dù đã trải qua bao nhiêu cái tết nhưng tôi không thể nào quên được cái cảm giác lâng lâng khi ngồi trong lòng mẹ nghe những câu chuyện của đại gia đình. Giờ ông ngoại tôi đã như làn khói bay về với tổ tiên, gia đình chỉ có mình bà ngoại lặng lẽ ra vào. Nắng mưa dãi dầu của cuộc đời mạ bạc cả chiếc áo len đã sờn theo năm tháng. Bao nhiêu nhọc nhằn, trầm luân vất vả để nuôi đàn con khôn lớn cũng không đè nặng tâm can bà bằng nỗi cô đơn khi tuổi già mà phải sống một mình cô quạnh. Ngày nào bà cũng ngóng tết, bởi chỉ có tết bà mới được quây quần bên con cháu.

Quy luật nhân gian thật là ảo diệu: sống trong những ngày đông lạnh giá thì người ta ao ước được đắm mình trong giọt nắng ấm áp ngày hè. Khi tâm hồn chơi vơi, trống vắng thì người ta lại thèm được sống trong khoảnh khắc sum vầy, ấm cúng. Đối với tôi, quy luật đó cũng không ngoại lệ. Lúc này đây, khi một mình chênh chao giữa con đèo hoang vắng, nỗi khát khao được sống trong không khí đoàn tụ gia đình lại trào dâng. Sương phủ xuống mỗi lúc một dày, tạo thành màng mỏng trùm lên vòm lá. Mặt trời nuối tiếc tìm chốn nghỉ ngơi. Tôi rảo bước thật nhanh về trường kẻo tối và tự hứa với lòng mình: “Ngoại ơi, chắc chắn tết này con sẽ lại trở về thăm ngoại!”

MÔNG THỊ TRINH

Huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-nay-con-se-ve-tham-ngoai-post724008.html