Tết này liệu có đủ đào, quất?
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng nhiều vườn trồng đào, quất tại miền Bắc đã bị mất trắng bởi sức tàn phá khủng khiếp của bão số 3 và mưa lũ sau bão. Vậy năm nay liệu có đủ đào, quất phục vụ người dân chơi Tết? Trả lời cho câu hỏi đó, chúng tôi đã khảo sát thực tế, tìm hiểu tại vùng trồng đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), vùng trồng quất cảnh ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) và vùng trồng quất Nam Phong (Nam Định).
Xót xa những khu vườn mất trắng
Tại một vườn đào gần chân cầu Nhật Tân, bên sông Hồng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh bà L.T.S đang chất những cành đào chết thành một đống to rồi châm lửa đốt. Bà S cho biết: “Tôi có 6-7 sào, thiệt hại khoảng 80%, còn chẳng là bao”. Bà S trồng chủ yếu giống đào bích, đặc tính thân cây thấp nên trong trận lũ vừa qua cây bị ngập qua ngọn, gốc úng thối và lá úa vàng, không thể cứu được.
Cũng giống như bà S, ông Chu Văn Tấn (53 tuổi, Nhật Tân) xót xa chia sẻ, ông có khoảng 2.000m2, với 600 gốc đào đủ loại, nhưng mất đến một nửa vườn, số còn lại cũng bị bão táp ngọn và mưa ngập gốc nên dù chưa hỏng hẳn cũng khó bán được. Đối với những gốc đào to, ông phải thuê người đào lên rồi cho người ta dùng xe kéo chở về làm củi. Đối với những hộ dân không có nhu cầu nấu bằng củi thì cứ trực tiếp đốt tại vườn như bà L.T.S. “Đắt làm quế, ế làm củi. Giờ củi còn chẳng xong vì không ai đun thì phải đốt, 12 giờ vẫn phải đứng ở đây đốt đào”. Nói đến đây hai hàng nước mắt bà S ứa ra.
Theo ghi nhận của phóng viên và những chia sẻ của người dân địa phương, các vườn đào từ phường Nhật Tân xuống đến phường Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) gần như đều bị thiệt hại. Lý giải cho tình trạng đào chết sau khi bị ngập nước, ông Tấn cho biết: “Năm 1997, nước lũ cũng lên ngập ngọn nhưng đào không chết, ngập 3 lần vẫn không chết. Nhưng năm nay nước rút thì cây bị bám đất, bám chất dầu mỡ gì rất kinh khủng nên cây không sống được. Ngày xưa nước rút ra là sạch luôn". Về hiện tượng này, ông Tấn cho rằng, do nước đổ về từ trên thượng nguồn nên có quặng, nước có chứa hóa chất chảy về làm hỏng cây, chứ nếu chỉ ngập nước thì cây đào không chết. Ông Tấn chia sẻ thêm, vườn của ông trồng nhiều đào phai, thân cây khỏe hơn bích đào nên làm thành đào huyền, trận lụt vừa rồi không bị ngập ngọn, vẫn còn cứu được. “Nếu nước ngập thêm 50cm nữa là cả vùng này mất trắng”, ông Tấn nói.
Nhiều hộ trồng đào ở Nhật Tân cho biết, với những cây chưa chết, nhưng bị nước lũ phá không còn bán được Tết này thì họ tiếp tục chăm sóc để dành cây cho năm sau.
Đối với quất ở huyện Văn Giang, toàn bộ vườn nằm ở vùng ngoài đê tả sông Hồng đều thiệt hại rất nhiều, thậm chí nhiều nhà mất trắng. Bà Nguyễn Thị Hường, chủ 3 sào trồng quất tại thôn Phù Thượng, xã Thắng Lợi cho hay: "Năm nay nước to quá, cả vườn quất bị chìm trong nước lũ. Trung bình mỗi nhà có khoảng 500-700 gốc, có nhà đến mấy nghìn gốc, đều mất sạch". Rồi bà Hường nghẹn ngào: “Của người ta cất ở trong nhà, của mình ở hết ngoài đồng, mưa lũ là mất hết”. Cũng may là còn có những vườn ở trong đê chỉ bị nước mưa gây ngập, nên không thiệt hại lớn.
Tại “thủ phủ” quất cảnh Nam Phong, phóng viên ghi nhận các vùng trồng quất không bị ngập sâu nên không thiệt hại nhiều. Tại thôn Vạn Diệp 1, phường Nam Phong, trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thủy cho biết, gia đình có 400 gốc quất, cây vẫn sống tốt. Sang tháng 10, tháng 11 âm lịch, bà Thủy sẽ bắt đầu mở bán.
Khi được hỏi về biện pháp phục hồi đối với những cây còn sống, bà Thủy chia sẻ: “Hôm bão số 3 quất dính mưa rồi nắng nên hơi héo, giờ đã xanh lại. Chúng tôi phải tưới thuốc để kích thích cho rễ mọc lên lại, bón thêm phân, thêm đạm thì sẽ đẹp ngay”.
Vẫn đủ đào, quất, nhưng giá sẽ cao hơn
Tại vùng đào Nhật Tân, bà Đỗ Thị Mai Lan, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Nhật Tân nhìn nhận rằng, số đào còn lại tại vùng Nhật Tân vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu người dân trong dịp Tết sắp tới.
Đối với vấn đề thời tiết, ông Chu Văn Tấn cho hay: “Dự báo từ nay đến Tết trời sẽ rét hơn năm ngoái. Nhưng không ảnh hưởng nhiều vì nếu người trồng có kinh nghiệm chăm sóc thì đào vẫn sẽ ra hoa bình thường”. Ngoài ra, ông Tấn dự đoán giá đào sẽ tăng khoảng 20-30% tức là cao hơn 100.000-200.000 đồng/cây so với năm ngoái. Người nông dân vùng quất Văn Giang và Nam Phong cũng khẳng định vẫn đủ quất để cung cấp cho thị trường, phục vụ Tết Nguyên đán 2025, nhưng giá sẽ cao hơn mọi năm vì nhiều nhà mất trắng.
Đồng thời, người dân tại các vùng trồng đào, quất đều có chung mong muốn được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn để sớm phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tet-nay-lieu-co-du-dao-quat-799469