Tết này về miền Tây Nam bộ

Mấy bữa trước tôi gọi điện về cho tía báo năm nay sẽ về quê ăn tết, chắc mấy hôm rày tía vui lắm! Tôi tưởng tượng ra cảnh cả nhà ra cây cầu nhỏ gần nhà đón tôi như mấy năm về trước mà thấy chộn rộn trong lòng.

Năm đó, 28 Tết tôi về đến nhà, thấy nhà cửa đã dọn dẹp sạch sẽ. Mái hiên trước nhà đã được tía sửa gọn gàng. Cạnh hiên nhà, anh Hai đang chọc dừa cho má, tết về ở xứ dừa quê tôi nhất định phải có mứt dừa để chưng lên bàn thờ ông bà chứng minh lòng thành. Mùi mứt dừa thơm lừng hòa quyện khói bếp quê, nghe thân thương mà gần gũi.

Tôi theo má men theo hàng dừa nước bên nhà đốn những lá dừa non để gói bánh tét. Cây dừa nước quê tôi đâu đâu cũng có, dừa nước là cả tuổi thơ của tôi, lá dừa thì gói bánh tét, lợp nhà, lá dừa và thân dừa còn làm củi cho má nhóm bếp nấu cơm. Nhớ những buổi trưa nắng, mấy chị em tôi không ngủ, len lỏi vào những hàng dừa để tìm buồng dừa ngon nhất, trái dừa nước chẻ làm đôi nồng nàn thơm ngọt, là món quà quý giá mà tôi nhớ mãi khôn nguôi…

Những lá dừa nước được lau sạch, gạo nếp được trộn với đậu phộng và nước cốt dừa mùi thơm ngào ngạt. Năm nào cũng vậy, cứ chiều 28 Tết cả nhà tôi sẽ quây quần để gói bánh. Bà nội tôi bảo gói sớm để có bánh rước ông bà về ăn tết. Với người dân nghèo miền Tây quê tôi, thì ngày tết không thể thiếu nồi bánh tét, còn với tía thì bánh tét chính là tết. Tía phân công anh em tôi làm nhiều khâu, riêng khâu làm khung sẽ do tía đảm nhiệm, chị em chúng tôi thì gói và cột dây. Tía luôn nhắc gói cho tròn, cột dây sao cho đẹp… Cánh chị em chúng tôi vừa gói bánh, vừa chuyện trò rôm rả cả một góc sân nhà.

Chiều ngày cuối năm, nắng vàng như mơn man những luống hoa trước nhà, báo hiệu một mùa Xuân mới đang về. Anh Ba ra vườn lụi hụi đào lò để nấu bánh, nhìn những đòn bánh xanh mướt được đặt gọn gàng ngăn nắp vào trong chiếc nồi lớn trông thật đẹp mắt. Đêm 28 Tết mấy chị em chúng tôi ngồi quây quần bên nồi bánh, mùi bánh thơm bốc lên ngùn ngụt, đêm những ngày cuối năm ở quê tôi thật yên bình, chỉ nghe thấy tiếng cóc nhái kêu vẳng lại từ xa. Trời càng về khuya bụng càng đói, tôi kiếm mấy củ khoai lùi vào bếp lửa. Mùi bánh, mùi khoai, mùi lá dừa thơm nức mũi, ngửi thôi đã thấy thèm rồi. Bếp lửa ngày cuối năm thấy ấm áp lạ thường...

Sáng 29 Tết má gọi thằng Út dậy vớt bánh tét treo lên giàn cho ráo nước. Còn chị thì chuẩn bị nấu nướng. Tôi được má giao cho công việc đi chợ tết, chợ nổi quê tôi cũng giống như chợ nổi nhiều nơi khác ở đồng bằng sông nước miền Tây. Trời hãy còn sớm mà thuyền ghe đã tấp nập từ các nhánh đổ về, mang theo đủ loại nông sản, trái cây, tiếng xuồng máy hòa lẫn tiếng nói cười rôm rả làm cho sông quê ngày tết càng thêm náo nhiệt.

Trên bến người khuân, người vác, dưới sông thuyền ghe đã chật kín, chòng chành theo sóng nước. Người bán, kẻ mua nói cười rộn rã cả khúc sông. Những cây bẹo treo lủng lẳng trái cây, những thuyền ghe chở các loại hoa làm cho dòng sông rực rỡ sắc màu. Nắng vàng trải dài như tô điểm thêm cho những khóm hoa, chợ nổi Cửu Long vào tết như người con gái tuổi xuân thì đang ngóng trông mùa Xuân về…

 Sông nước miền Tây. Ảnh: VŨ THỊ NHUNG

Sông nước miền Tây. Ảnh: VŨ THỊ NHUNG

Tôi về tới nhà, mọi người đã sum vầy đầy đủ, bà nội và ba hạnh phúc nhìn con cháu vui mừng. Tết miền Tây quê tôi phải có mâm ngũ quả, cây nêu… Dưới bếp các chị đang làm món thịt kho tàu, hầm khổ qua. Cánh trẻ con nô đùa, nói cười ríu rít ngoài sân… Tết đã đến thật rồi!

Khi mâm cúng được dọn lên với đầy đủ các món truyền thống của vùng quê Nam bộ, tía và anh Ba thành kính thắp nén nhang mời ông bà về ăn tết với con cháu. Nhang tàn, mâm cúng được dọn xuống, gia đình tôi quây quần bên mâm cơm, chung vui ly rượu ngày cuối năm.

Đêm 30 ngoài trời tối om, tôi và má ngồi cắt bánh tét thành từng khoanh. Những đòn bánh thơm ngon tròn trịa, sản phẩm do chính bàn tay con cháu làm nên để tỏ lòng thành kính dâng lên ông bà, tổ tiên. Người dân quê tôi quan niệm thời khắc Giao thừa là thời khắc sơ khai, tinh túy và thiêng liêng nhất. Ba tôi châm nén nhang khấn vái gia tiên, sau lễ cúng giao thừa cả nhà cùng nhau uống ngụm trà thơm, thưởng thức mứt dừa. Bà nội kể cho chúng tôi nghe về những cái tết ngày xưa, về những câu chuyện cũ... nghe mà xúc động bồi hồi.

Sáng Mùng 1 Tết, bọn trẻ con xúng xính trong những bộ quần áo mới, tung tăng theo cha mẹ đi chúc tết ông bà. Mọi người dành cho nhau những lời chúc may mắn, bình an, tết ở quê nghèo mộc mạc nhưng chan chứa tình thương. Thương tía má vất vả cả năm, chắt chiu gìn giữ những giá trị truyền thống, giữ cho chúng tôi những cái Tết để nhớ để thương.

Bao năm rồi lấy chồng xa quê, tết này tôi lại được về đón tết với gia đình, được sà vào lòng má, được má kể cho nghe về những cái tết ngày xưa, những cái tết tôi vắng nhà. Tía má ơi! Tết này con sẽ về!

VŨ THỊ NHUNG

Huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-nay-ve-mien-tay-nam-bo-post724829.html