Tết, nghĩ về một chữ: ĐỦ
Không gì sinh động bằng Tết. Muôn mặt đời sống xã hội bày ra trọn vẹn trong thời điểm này cả bi, hài, từ chuyện chuẩn bị, sắm sanh, làm ăn, về quê, thăm thú, chơi bời...của người người, nhà nhà.
Chợt nghĩ ngoài kia, bon chen, xô bồ có dành chỗ cho sự chậm lại, lắng chút đôi hồi xa xôi? Có nghĩ đến chữ đủ, chữ vừa phải, dẫu có là đơn sơ, đạm bạc...?
Trong từ điển Tiếng Việt, đủ hoặc đầy đủ theo nghĩa từ loại tính từ được hiểu là, có tất cả, không thiếu gì so với yêu cầu. Ví dụ như nhà có tiện nghi đầy đủ, hoặc mọi người đều đã có mặt đầy đủ chuẩn bị đón xuân...
Tuy nhiên, ngôn ngữ phát triển trong điều kiện xã hội phát triển. Cho nên trong thực tế, từ đủ dường như đã có nghĩa rộng hơn, bao quát hơn, tính chất và mức độ trong từng hoàn cảnh, điều kiện cũng khác, không đồng nghĩa hoàn toàn với nét nghĩa gốc ban đầu.
Một người có cuộc sống khó khăn, nhu cầu đủ sẽ khác với một đại gia, một tay chơi số má. Một người buôn gánh bán bưng chờ phiên chợ vãn đêm 30 Tết, đủ là bán được hàng, sớm về lo mâm cơm cúng gia tiên, đón giao thừa bên người thân gia đình. Đủ với người dư tiền có thể mua đứt một lão mai, đào cổ thụ chơi Tết tiền tỷ nhẹ như bỡn nhưng với nhiều người, đó là tầm xa không với tới, chỉ mong chậu cúc, chậu lan giản dị trưng bày. Tất nhiên không ít người có điều kiện nhưng phải tội chơi trội, chơi quá tay rồi nợ nần, túng bấn. Hay nhất, “đỉnh”nhất là người tài chính rủng rỉnh nhưng chọn cách tiêu tiền hợp lý, thông minh đáp ứng nhu cầu đủ của mình mà không bị chỉ trích "vung tiền qua cửa sổ"...
Giải thích muôn mặt cuộc sống và nhu cầu con người trong cuộc đời này, ông bà xưa đã tổng kết chí lý: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.
Người xưa đặt biệt nhấn mạnh vai trò giáo dục chi tiêu vừa đủ, vừa phải, hợp lý, tính trước nghĩ sau:
-Ăn cần, ở kiệm
-Ăn phải dành, có phải kiệm
-Ăn lấy chắc, mặc lấy bền
-Làm khi lành, để dành khi đau
...
Vừa đủ, hợp lý còn thể hiện trong trong hành xử, nhất là hành xử với những gì liên quan đến vật chất, tiền bạc. Điều cốt điều yếu ông bà xưa chỉ dạy để không phải đói rách, khổ sở là phải biết yêu lao động, quý của cải và chi tiêu hợp lý, thậm chí tằn tiện:
-Ở đây một hạt cơm rơi
Ngoài kia bao giọt mồ hôi thấm đồng
-Được mùa chớ phụ ngô khoai
Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng
Quý trọng công sức, của cải làm ra nên dân gian đánh giá rất cao con người lao động siêng năng, giỏi giang:
- Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thành thót như mưa ruộng cày...
Đối lập với anh chàng “phò mã tốt áo” rỗng tuếch, vô bổ:
-Hay quần, hay áo, hay hơi
Mà chẳng hay người là của bỏ đi
...
Xã hội khác, thời đại khác, nên nhu của con người ngày nay cũng khác. Thời đại với xu thế hội nhập toàn cầu, của nền công nghiệp 4.0, của khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo thống trị trong hiện tại và tương lai sẽ vô cùng khác với thời đại của phương thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Khi mà khối lượng vật chất, của cải xã hội làm ra nhiều lên gấp bội lần thì nhu cầu về vật chất của con người càng có điều kiện đáp ứng và hoàn toàn có thể đáp ứng trong một xã hội ưu việt, có chính sách an sinh xã hội tốt, nhất là chính sách phân phối lại hợp lý. Hiện tại, nó đặt ra thử thách nếu không có chính sách quản trị xã hội tốt thì rất dễ để đồng tiền thống trị xã hội, như lời của các lãnh đạo, chuyên gia uy tín cảnh báo.
Chúng ta vẫn còn một bộ phận nhỏ sống trong khó khăn, dù đang được đảm bảo không bỏ lại phía sau, còn nhìn chung đều có cuộc sống “dễ thở”, có tích lũy, sung túc, giàu có. Cái bẫy thu nhập của nước trung bình, chúng ta đang tính tới và sẽ có giải pháp phù hợp để nâng mức độ “đủ” của người dân cao thêm. Điều chúng ta đang lo, đó là độ lùi của văn hóa tinh thần so với văn hóa vật chất. Sau mấy chục năm đổi mới, chúng ta đã thấy văn hóa tinh thần đang không theo kịp tốc độ phát triển của văn hóa vật chất. Bây giờ thì không thể triết lý theo kiểu “ Có thực mới vực được đạo” nữa. Và trách nhiệm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, trọng tâm là xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa phải được đặt lên hàng đầu. Chỉ khi làm được điều đó thì thực thi chính sách phát triển cân đối, hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần xã hội mới được đảm bảo. Những giá trị cốt lõi của đạo đức dân tộc phải được “làm mới” với tinh hoa văn hóa nhân loại trong thời đại ngày nay. Yêu quê hương làng nước, tình cảm gia đình, anh em, đạo lý trọng nghĩa khinh tài, đói cho sạch rách cho thơm...Những giá trị đạo đức này phải được tưới tắm, thấm đẫm thường xuyên hồn người trước khi nói đến giá trị du nhập, cách tân, hiện đại. Có làm được như vậy thì mới không đau lòng nhắc lại lời một vị đại biểu từng phát biểu trên diễn đàn Quốc hội: Ước gì kinh tế phát triển như ngày nay mà đạo đức như ngày xưa!
Nó cũng giúp chúng ta hiểu thêm nét nghĩa của từ ĐỦ là như thế nào trong xã hội, trong mỗi người- đủ trong sự cân đối, hài hòa có chủ đích mà vẫn tự nhiên, như nhiên rạng rỡ.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12436/202001/tet-nghi-ve-mot-chu-du-5666654/