Tết Nguyên đán và sự gắn kết

Nhiều năm nay, khi dòng quay thời gian càng gần đến tết thì mọi người lại bàn tán về việc có nên nghỉ dài ngày hay là bỏ Tết âm lịch đi, thay vào đó là đón Tết dương lịch như hầu hết các quốc gia khác.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một trong những lí do được nêu ra là có quá nhiều việc tiêu cực sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Đó là tình trạng các cửa hàng kinh doanh đồ ăn “chặt chém” khách; tình trạng nhồi nhét, thu giá vé “trên trời” của người đi xe khách; tinh thần làm việc rệu rã, nhiều người chỉ muốn chơi hết tháng Giêng mà không muốn làm; tình trạng nghỉ việc để đi chúc tết, đi lễ chùa vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Từ thực tế này, theo nhiều người, việc nghỉ tết quá dài chính là nguyên nhân khiến cho năng suất lao động của chúng ta thường thấp vào những tháng có kỳ nghỉ, đặc biệt là Tết Nguyên đán...

Tuy nhiên có một điều mọi người cố tình “tránh né” đó là yếu tố văn hóa. Tết là sum họp, là thời gian mà tất cả mọi người đều gác công việc lại để về nhà, về quê, đi thăm người thân, chúc tết ông bà. Cô em gái tôi, ngay từ đầu tháng 10 đã sốt xình xịch vì vé tàu, vé máy bay tăng theo ngày, theo tuần. Nhiều khi thấy vợ chồng con cái nó về quê tốn kém đủ đường, mẹ tôi còn nói: Thôi, ở trong đó ăn tết đi cũng được, vài ba năm về quê một lần, để tiền đó tiết kiệm mua cái nhà làm chỗ ra chỗ vào cho yên tâm.

- Không về nhà thì cả năm làm lụng chăm chỉ, khổ sở tiết kiệm để làm gì hả mẹ? Quanh năm chỉ gặp cháu qua điện thoại, ông bà không nhớ nhung gì à?

Nghe nó nói thế là mẹ tôi lại rơm rớm nước mắt, nhớ cháu, thương con: Mẹ gửi cho ít đồng mua vé máy bay nhé!

Quả thực nếu tết chỉ đơn thuần là những thói hư tật xấu, là những tai nạn giao thông, là liên tiếp các trường hợp say rượu phải nhập viện cấp cứu chắc chắn nhiều người đã mong muốn giảm số ngày nghỉ tết, thậm chí là bỏ tết. Mỗi người có cách gần tết khác nhau, có người cực đoan hùng hục từ sửa nhà, quét lại vôi ve, đến lau từng song sắt cửa sổ sạch tinh tươm. Có người lại coi tết là dịp vui chơi, thăm thú, nên họ mua cho cả gia đình trang phục áo dài, khăn đóng để mùng 1 đến chúc tết ông bà.

Tết là đoàn viên, là gắn kết các thành viên lại với nhau. Mới chỉ cách đây vài ngày, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán (Lunar New Year) là ngày nghỉ lễ hàng năm của Liên hợp quốc. Đây không chỉ là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa cổ truyền Á Đông mà còn mang tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm.

Đề cao văn hóa trong một thế giới chạy theo guồng quay kinh tế, một lần nữa nhắc nhớ mỗi người, mỗi quốc gia, dân tộc hãy giữ nét đẹp, bản sắc của mình. Với việc công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ đã khẳng định tết không chỉ là sự gắn kết của mỗi cá nhân, gia đình mà còn là sự hòa quyện, sự đoàn kết giữa các quốc gia.

BẢO ANH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cau-chuyen/tet-nguyen-dan-va-su-gan-ket/29813.htm