Tết Nguyên tiêu ở Hội An trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Sáng ngày 5-2, UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu 'Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia' – Lễ hội Tết Nguyên tiêu ở Hội An. Cùng với đó là rất nhiều hoạt động đặc sắc của Lễ hội Tết Nguyên tiêu truyền thống được chính quyền và người dân Hội An tổ chức chào mừng sự kiện này.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định số 147/QĐ-BVHTTDL (ngày 2-2-2023) đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên Tiêu ở Hội An”, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Nhằm chào đón danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể, từ sáng sớm các tuyến đường tại Khu phố cổ, người dân trong trang phục chỉnh tề cùng cờ phướn đứng chào đón đoàn rước lễ.
Tết Nguyên tiêu truyền thống năm nay tại TP Hội An được tổ chức tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố, trong đó nhiều hoạt động chính diễn ra trong hai ngày 5 và 6-2 (ngày 15, 16 tháng Giêng) tại khu vực Khu phố cổ Hội An, các hội quán, đình.
Tết Nguyên tiêu (tết Thượng nguyên) là một trong những lễ hội quan trọng có từ lâu đời của cộng đồng cư dân Hội An. Lễ tết này mang những giá trị văn hóa và có những nét đặc trưng riêng so với nhiều nơi ở Việt Nam và châu Á. Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới, “Nguyên” là thứ nhất, “Tiêu” là đêm.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết giá trị đặc trưng của Tết Nguyên Tiêu ở Hội An là kết quả của quá trình giao thoa văn hóa giữa các nền văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa tại đô thị thương cảng quốc tế Hội An.
Vì thế, Tết Nguyên tiêu ở Hội An bao đời nay không chỉ riêng cộng đồng người Việt mà cả cộng đồng người Hoa cùng tổ chức các nghi thức tế lễ, các sinh hoạt vui chơi giải trí cộng đồng trong dịp này, tạo thành một lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng đặc trưng của cộng đồng cư dân Hội An.
Qua thời gian, các tập tục, lễ nghi trong Tết Nguyên tiêu ở Hội An tiếp tục được vun đắp, tô bồi những giá trị mới nhưng vẫn còn bảo tồn, gìn giữ được những yếu tố cơ bản, riêng có.
Cho đến hiện nay, đây là một trong những lễ hội truyền thống, tập tục lớn đầu năm của Hội An luôn được cộng đồng cư dân phố Hội nâng niu gìn giữ, phát huy trở thành một mỹ tục, một tập quán tốt đẹp và là “phần hồn” không thể tách rời của khu đô thị di sản, góp phần tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An.
“Việc phục hồi và phát triển các hoạt động lễ hội, trong đó có Tết Nguyên tiêu vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân, vừa đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng nên các giềng mối quan hệ xã hội tốt đẹp, đặc biệt là tính cố kết cộng đồng của cư dân Hội An”, ông Lanh cho biết.
Ngày 6-2, tại các Hội quán Quảng Triệu, Triều Châu, Phúc Kiến sẽ tổ chức cúng Nguyên tiêu, giỗ tổ Tiền hiền theo lễ tục truyền thống; Lễ Nguyên Tiêu tại đình Sơn Phong, Tụy tiên đường Minh Hương và đình Hội An.
Riêng tại Chùa Ông, Chùa Bà và Chùa Cầu sẽ tổ chức Lễ Nguyên Tiêu kéo dài liên tục trong hai ngày. Đây là những di tích tín ngưỡng quan trọng trong không gian lễ hội Nguyên tiêu tại Khu phố cổ Hội An, thu hút nhiều du khách và bà con xa gần đến tham quan, dâng hương, cầu phước, cầu tài lộc. Vì vậy, thời gian mở cửa phục vụ viếng hương và các nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của du khách và bà con nhân dân trong dịp Lễ Nguyên tiêu sẽ kéo dài, trong đó, riêng ngày 6-2, thời gian mở cửa bắt đầu từ lúc 3:00 giờ sáng đến 17:00 giờ chiều.
Để phục vụ nhân dân, du khách trong và ngoài nước đến dự hội tết Nguyên Tiêu thêm đa sắc, Hội An tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như Diễn xướng tuồng, trò chơi bài chòi, viết thư pháp và vẽ mặt nạ gốm; một số trò chơi dân gian; các hoạt động “Đêm phố cổ” và “Đêm thơ Nguyên tiêu” tại sân đình Cẩm Phô.
Dịp này, tại nhiều di tích tín ngưỡng, các hội quán, các đình làng, chùa chiền, nhiều gia đình ở Hội An tổ chức cúng tế long trọng, cầu an và trang hoàng nhà cửa, phố phường rực rỡ cờ hoa, đèn lồng đầy màu sắc.
Đây cũng là một dịp lễ hội lớn thu hút người dân và du khách đến để được trải nghiệm nét đẹp văn hóa độc đáo của Hội An. Từ đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, từng bước phát triển loại hình du lịch tâm linh, tạo nên sức hấp dẫn của di sản thế giới Hội An.