Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt huyện Yên Lập được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

PTĐT - Bộ VHTT-DL vừa có quyết định số 2741/QÐ-BVHTTDL ngày 30/9/2020 về việc công nhận Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt huyện Yên Lập là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Người Dao ở Việt Nam có nhiều ngành Dao khác nhau, trong đó Phú Thọ có hai ngành Dao là Dao Tiền và dao Quần chẹt (hay còn gọi là Dao Nga Hoàng) sinh sống nhiều tại các bản vùng cao của các huyện miền núi Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập. Tết nhảy là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo của đồng bào dân tộc Dao, minh chứng cho sức mạnh trong quá trình lao động để chế ngự thiên nhiên; có ý nghĩa giáo dục lòng can đảm, đương đầu với khó khăn, thử thách của con người; chứa đựng niềm tin, hướng cộng đồng tới cái thiện, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Tết nhảy thường được tổ chức vào dịp cuối năm, sau khi đã thu hoạch xong mùa vụ, do một gia đình người Dao hoặc một dòng họ đăng cai và được cả bản tham dự với ý nghĩa tạ ơn tổ tiên, cầu chúc cho mùa màng tươi tốt và cuộc sống no đủ. Trước đây, tổ chức được một Tết nhảy rất tốn kém, phải làm trong ba năm liên tục; năm đầu tiên làm một ngày một đêm; năm thứ hai làm hai ngày hai đêm; năm thứ ba làm ba ngày ba đêm...

Cùng với các nghi thức cúng lễ, trong Tết nhảy, điệu múa rùa (bắt ba ba) là điệu nhảy xuyên suốt trong 3 ngày lễ. Các động tác diễn tả hành động bắt ba ba, đem mổ, băm, xào, nấu dâng cúng Bàn Vương, cầu Bàn Vương phù hộ độ trì cho gia chủ, bản làng được bình yên, mùa màng tươi tốt. Cùng với đó là các điệu nhảy mô phỏng hành động phát cây mở đường, đâm chém thú dữ, tự vệ khi kẻ thù tấn công… và điệu múa kiếm thể hiện nghi lễ tạ ơn tổ tiên và các vị thần đã bảo vệ cuộc sống cho dân làng. Kết thúc nghi lễ, thầy cúng mời rượu các vị thần và hóa tiền vàng mong các cụ phù hộ độ trì cho con cháu, xóa tai ương, bệnh tật, xua đuổi tà ma… chuẩn bị cho một năm lao động sản xuất mới với cuộc sống bình yên, hạnh phúc, "mưa thuận, gió hòa", muôn nhà khỏe mạnh.Tết nhảy mang đậm nét đẹp văn hóa, có ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với đồng bào nhóm Dao Quần Chẹt tại huyện Yên Lập và cộng đồng người Dao nói chung. Những năm gần đây, Tết nhảy của người Dao được các địa phương có đồng bào Dao trên địa bàn tỉnh bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời phát triển thành sản phẩm thế mạnh về du lịch.

ĐINH VŨ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202010/tet-nhay-cua-nguoi-dao-quan-chet-huyen-yen-lap-duoc-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-173296