Tết ở 'làng góa bụa'…
Những cái tết buồn, chỉ đàn bà và trẻ nhỏ ở xã biển Ngư Lộc (huyện Hậu lộc) tự bao năm qua nay đã khác. Kinh tế xã biển đã phát triển hơn nhiều. Những đứa trẻ mất cha hôm nào nay đã trưởng thành và làm kinh tế giỏi.
Kể từ khi chồng mất, đến nay chị Hương cùng mẹ chồng vui hơn khi con cái trưởng thành, kinh tế gia đình cũng bớt phần khó khăn
Biển Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc) ngày se lạnh. Phía chân đê, những con tàu lớp lớp đương nép mình nằm bờ trong những ngày tết đến, xuân về. Trong không gian rộng ấy, vẫn là hình ảnh những người phụ nữ khắc khoải nhìn xa xăm hướng về phía cửa bể, lặng mình cùng những hồi ức về chồng, về con…
25 năm kể từ ngày biển cả nổi cơn thịnh nộ cướp đi gần 200 người đàn ông của làng biển. Tự bấy đến nay, vẫn không ít những người chồng, người con… vươn khơi không ngày trở lại. Thế nhưng, những cái tết buồn, chỉ đàn bà và trẻ nhỏ tự bao năm qua nay đã khác. Kinh tế xã biển đã phát triển hơn nhiều. Những đứa trẻ mất cha hôm nào nay đã trưởng thành và làm kinh tế giỏi. Trong đó, không ít người đã làm chủ các phương tiện tàu thuyền có công suất lớn, hiện đại và an toàn trong mỗi chuyến vươn khơi. Không ít những con em đi xuất khẩu lao động cho thu nhập cao…
Len mình vào những con ngõ nhỏ, tìm đến căn nhà của chị Tô Thị Hương (xã Ngư Lộc). Chồng chị Hương mất năm 2001, khi ấy 4 đứa con thơ vẫn đang tuổi ăn, tuổi lớn (trong đó có một người con bị khuyết tật nhẹ). Chị Hương bảo, khi chồng còn sống, anh là lao động chính trong nhà, chị chỉ ở nhà lo cho các con và làm thêm lặt vặt. Cuộc sống ấm êm cứ thế trôi đi, ai ngờ có một ngày, biển lộng đã cướp đi sinh mệnh của anh và 6 thuyền viên khác, để lại mình chị gánh cả gia đình trên vai.
Sau khi chồng qua đời, chị đã phải quăng mình đi làm đủ các nghề để mưu sinh, lo cho gia đình, con cái. Ai thuê gì chị làm nấy, từ bóc tôm, xẻ cá, thậm chí là vác đá lạnh thuê mỗi ngày. Dẫu mệt nhưng ngày nào chị cũng ra bể ngóng chồng, mong một phép màu kỳ diệu. “Tưởng chừng như nỗi đau, những khó khăn trời bể ấy tôi không thể vượt qua. Nhưng rồi, giờ đây nhìn những đứa con mỗi ngày một trưởng thành tôi thực sự đã có niềm vui, sự hạnh phúc” – chị Hương mỉm cười.
Hiện 3 đứa con thơ dại hôm nào nay đã trưởng thành đi xuất khẩu lao động Đài Loan với mức thu nhập cao. Xuân Tân Sửu năm nay, dù các con không về ăn tết cùng gia đình do dịch bệnh nhưng chị Hương hồ hởi khoe: “Các cháu đã gửi tiền về để mẹ lo tết cho tươm tất”. Chị Hương cũng vui hơn, khi những chuyến biển cuối năm ngư dân trúng quả đã giúp cho chị cũng như những người làm hậu cần nghề cá có được nhiều việc hơn, thu nhập đủ cho cái tết được no đầy.
Những chuyến biển cuối năm thắng quả giúp cho chị em phụ nữ có thêm nhiều việc để làm
Rời căn nhà nhỏ của chị Hương, đâu đó trong con ngõ nhỏ là những tụm 5, tụm 3 các bà, các chị ngồi bóc tôm. Theo chia sẻ của lãnh đạo xã này thì phần nhiều trong số các chị em trên đều là những người đàn bà góa chồng. Họ đa phần là ở vậy mà không đi tiếp bước nữa do phải chăm lo gia đình, con cái.
Chị Nguyễn Thị Cúc (xã Ngư Lộc) đã hơn 10 năm nay tết đã không có hình ảnh của người chồng. Chồng chị ra khơi và không trở lại vào năm 2008, bỏ lại chị cùng 2 con nhỏ (đứa thứ 2 khi ấy mới 4 tháng tuổi). Người phụ nữ mới ngoài 40 tuổi, song những nhọc nhằn, cái nắng, cái gió của biển khiến chị trở nên gầy hao, khắc khổ.
Chị Cúc cho biết: “Những ngày giáp tết công việc của tôi khá bận rộn vì tàu thuyền về nhiều, vì thế mà thu nhập cũng cao hơn ngày thương từ 2-3 lần. Tết đến không mong gì hơn ngoài sức khỏe và an lành, sang năm mới có nhiều việc để tôi có thể trang trải cuộc sống, lo cho các con”.
Cũng như nhiều phụ nữ góa chồng khác, gia đình chị năm nay cũng có cái tết đầy đủ, sum vầy hơn. Chị tự gói bánh chưng, nấu thịt đông, gói giò, mua đào, hoa chơi tết. Mùng 4 tết, chị Cúc vẫn giữ cành đào, cây quất và thắp hương cho gia tiên, bởi theo chị như vậy sẽ ấm nhà, chồng chị sẽ ở bên mẹ con chị lâu hơn.
“Giờ đang rảnh rỗi, chứ ra năm, ngoài tháng giêng, tàu thuyền mới ra khơi, khi ấy tôi cũng như những người phụ nữ khác ở đây lại tất bật với công việc thường ngày” – chị Cúc cười bảo.
Không còn những khó khăn, nhiều đứa trẻ vùng biển đang lớn lên trong sự no đủ
Ông Nguyễn Hải Năm – Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc đồng cảm cho biết, mỗi dịp tết đến xuân về, chính quyền xã cũng như các tổ chức đoàn thể, hội chữ thập đỏ lại tới thăm hỏi, động viên các gia đình. Ngoài việc hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ dân phát triển sản xuất, thì chính quyền xã cũng thường xuyên đấu mối với các tổ chức, doanh nghiệp đưa con em đi xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ cải hoán tàu thuyền, nâng công suất, cùng các trang bị các hệ thống cảnh báo thời tiết bão gió của Nhà Nước đã góp phần giảm đi đáng kể những tai nạn trên biển.
Rời xã biển không còn là nỗi lo, sự muộn phiền của người dân, lãnh đạo địa phương. Tết này nhiều gia đình đã ổn định về kinh tế, con cái thành đạt, nỗi đau mất mát hôm nào dần được trút bỏ.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tet-o-lang-goa-bua-/131714.htm