Tết quê - Chuyện xóm và nhà tôi
Và một cái tết lại đến. Trong tôi không khỏi dâng lên nhiều cảm xúc. Nhớ lắm! Thương lắm!
Một mái nhà nhỏ nhưng thật ấm áp và đầy ắp tình thương yêu. Ở đó có bố, mẹ, anh, chị, em, và gần kề còn rất nhiều bà con, chòm xóm, bạn bè.
Thời bao cấp, cuộc sống khó khăn với phiếu 5 mét, dầu phân phối, muối xếp hàng, gạo cân, thóc yến, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, lam lũ quanh năm. Nhiều đêm còn phải đốt hột gấc để thay cho đèn vì hết dầu, nói đến cái tết thịnh soạn thì thật là xa xỉ.
Vài năm sau, nhà nước thay đổi cơ chế, lúc ấy người dân mới có cuộc sống đỡ hơn một chút. Nhà nào cũng nuôi được một vài con heo, mấy con gà, vịt để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhà nghèo thì bán gà, heo để mua sắm quần áo cho con, chi trả công nợ cuối năm. Nhà khá giả hơn thì để ăn bù vào ngày thường chỉ rau và mắm.
Nhà nào cũng trồng sẵn trong vườn vài bụi dong lá, cấy ít lúa nếp để dành. Nói là giết heo ăn tết nhưng thật ra mấy nhà mới chung nhau giết một con để chia mỗi người vài cân. Hai, ba nhà chung nhau một nồi bánh chưng, vì chẳng nhà nào có khả năng gói nhiều. Cứ đến khoảng từ 26 đến 29 tết là cả xóm lại nhộn nhịp. Kẻ cắt lá dong, người xay đậu, anh này đi bổ củi, chị nọ vặn nùn rơm, gọi nhau í ới.
Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Bố cắt cử cho chị cắt lá dong về, tôi lau rửa sạch sẽ, anh ngồi giã giò còn bố thì bó. Xong rồi, bố lại gói bánh chưng. Năm nào bố cũng gói một nồi thật to và đầy, vì bố gói cả cho nhà cậu, nhà dì. Mấy chị em tôi lại ngồi cạnh xem bố gói bánh. Nhưng cái chính là ngồi chờ bố gói cho mỗi đứa một cái bánh "cóc". Thường thì mọi nhà hay gói bánh ban ngày, luộc ban đêm. Mấy chị em lại thức trắng đêm để chờ đợi bánh "cóc" chín để còn lấy phần.
Mùa tết, ngoài quê tôi rất lạnh. Lạnh tới mức không thể động tay vào nước. Vì vậy, nhiều lúc chờ bánh chưng chín, chúng tôi phải lấy nồi nước đặt trên nùn rơm, chờ cho nóng lên rồi mới dám tắm.
Khi mấy bố con tôi ở nhà lo bánh trái thì mẹ lại đi mua sắm những thứ cần thiết cho gia đình như nước mắm, mì chính, hương nhang, tiền vàng, trầu cau, ngũ quả. Bố bảo, cả năm vất vả, thiếu thốn rồi. Bố bó một cái giò thủ thật to, một cái giò nạc, một cái giò lòng. Bố cũng không quên nấu món thịt đông quen thuộc. Bố bảo: “Thịt đông phải có dưa hành mới chuẩn vị ngày tết.” Vì vậy, năm nào mẹ cũng làm một liễn dưa hành đỏ au, trông thật thích mắt. Mùi vị món này chua chua, mặn mặn kích thích vị giác, làm cho ngày tết thêm đậm đà.
Cứ đến trưa 30 tết là nhà cúng tất niên. Bố hay dặn dò: Năm mới, không được thiếu thốn gì trong nhà, nhất là những thứ cần thiết như gạo, mắm, muối, dầu lửa, mì chính. Và khi đã cúng tất niên thì không được mượn ai thứ gì.
Chuyện ấy đã rất lâu rồi...
Nhưng trong tôi vẫn cảm thấy như mọi điều còn đang trước mắt. Cảm giác như đang được ăn bát cháo cám thơm ngon do chính tay bố nấu. Ăn bát su hào xào sốt cùng khoai tây, mẹ còn nêm thêm vài cọng thì là béo ngậy, dẫu không có thịt bò như bây giờ nhưng lại rất ngon, chúng tôi đứa nào đứa nấy bụng tròn căng vì no mà vẫn thèm, muốn ăn thêm.
Ôi! Nhớ lắm quê hương tôi, gia đình tôi, thân bằng quyến thuộc và bà con chòm xóm. Nhớ cả cành đào tươi thắm được bố trồng trước sân nhà. Nhớ những cái tết xưa ấm áp...
VŨ THỊ PHƯƠNG
Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau
(Theo ký ức của một người cô)
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-que-chuyen-xom-va-nha-toi-post724181.html