Tết quê - Hồn cốt cổ truyền Việt Nam

Theo thời gian, Tết Nguyên đán hiện vẫn giữ được giá trị cốt lõi trong văn hóa Việt ngàn đời, đó là sự sum vầy, đoàn viên. Ở nông thôn, cách đón Tết của người dân không tưng bừng, nhộn nhịp như thành thị nhưng vẫn đẹp theo cách riêng biệt. Trong không khí trong lành của miền quê, sự thong thả chậm rãi của người chơi xuân, cùng những trò chơi dân gian giản dị. Tất cả đều đem lại một cảm xúc sảng khoái, thư thái trong ngày đầu năm mới.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, chợ quê thường đông đúc hơn. Trăm kẻ bán, vạn người mua với đủ loại hàng hóa.

Song, nét bình dị của chợ quê vẫn không thể lẫn đâu được.

Chợ hoa Tết giản dị, mộc mạc với các loại cúc, hồng hay những cành đào nhỏ khoe sắc dưới nắng xuân.

Nhiều gia đình vẫn duy trì nếp quây quần gói bánh chưng, ngồi bên bếp lửa đỏ, cùng nhìn lại một năm đã qua.

Đây các cháu xem ngày xưa đều gói bánh chưng kiểu này. Bên kia bác ấy gói bánh chưng vuông. Bánh chưng là để thờ.

Nhiều nơi, mọi người vẫn giữ thói quen sinh hoạt và tinh thần cố kết cộng đồng của người Việt. Nhiều nhà trong làng cùng mổ lợn, góp gạo gói bánh chung,… tạo nên không khí ấm áp, gắn kết xóm làng vào những ngày cuối năm.

Mâm cơm cúng tất niên luôn đầy đủ những món ăn quen thuộc như thịt gà, bánh chưng, giò lụa, chả quế, thịt đông, dưa hành,… để dâng lên ông bà tổ tiên, tiễn năm cũ và đón năm mới.

Điều đặc biệt nhất mà ở thành thị không có, đó là hội làng. Mỗi làng đều mang màu sắc riêng biệt, làm không khí Tết rộn ràng hơn bao giờ hết, khiến ai đi xa cũng phải nhớ về.

Dù đón Tết ở nông thôn hay thành thị, thì Tết Nguyên đán luôn có ý nghĩa đặc biệt với mỗi người dân Việt Nam; mang theo những giá trị, triết lý nhân văn cao đẹp mà cha ông đã sáng tạo, vun đắp, gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hà Giang - Sỹ Cường

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tet-que-hon-cot-co-truyen-viet-nam-210268.htm