Tết sum vầy bên nồi bánh chưng

Những ngày này, không khí Tết Nguyên đán đang ngập tràn trên từng đường làng, góc phố, nhiều gia đình ở Hà Nội đã bắt đầu nhộn nhịp nổi lửa luộc bánh chưng chào Xuân đang tới. Với nhiều người, bánh chưng không chỉ đơn thuần là món ăn, mà còn trở thành niềm vui, niềm hân hoan sum họp trong những ngày đầu năm mới.

Tục gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt, thể hiện nét đẹp của nền văn minh lúa nước. Mỗi khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên…

Hơn 10 năm nay, cứ khoảng 28 tháng Chạp Âm lịch, vợ chồng anh Đông, chị Thu (ở E5 Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội) lại tất bật với công việc gói bánh chưng. Bận rộn chiều cuối năm, tuy nhiên, năm nào hai vợ chồng chị Thu cũng đều dành thời gian để gói những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn dâng lên bàn thờ tổ tiên, biếu gia đình, người thân, bạn bè lối xóm…

Chị Thu khéo léo gói chiếc bánh chưng vuông vắn.

Chị Thu khéo léo gói chiếc bánh chưng vuông vắn.

Chị Thu chia sẻ: “Xã hội ngày càng phát triển, nhiều phong tục tập quán mai một dần. Chính vì vậy, vợ chồng tôi vẫn cố gắng gói bánh chưng mỗi dịp Tết Nguyên đán. Đây là nét đẹp truyền thống không thể thiếu của gia đình. Thời gian mọi người cùng ngồi bên bếp lửa quanh nồi bánh chưng nghi ngút khói thể hiện sự sum vầy, đoàn tụ. Đồng thời lũ trẻ cũng được kể những câu chuyện ý nghĩa về phong tục truyền thống của cha ông về những ngày Tết xưa”.

Không chỉ có gia đình chị Thu, nhiều nhà ở Hà Nội vẫn giữ truyền thống gói bánh chưng dịp Tết. Thậm chí, nhiều nhà trong khu phố, khu tập thể còn thường cùng nhau nấu chung một nồi bánh. Điển hình, tại ngách 6/75 Đặng Văn Ngữ, chiều 27 tháng Chạp Âm lịch, nhiều gia đình cũng đã quần tụ bên nhau để gói bánh, truyền lại nghề cho các thế hệ sau.

Mọi người góp tiền lại rồi phân công nhau từng việc, sau đó sẽ tập trung cùng làm, khi bánh chín thì chia ra mỗi nhà vài chiếc. Những dịp đó đã tạo không khí tươi vui, rộn ràng, háo hức và tăng tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm.

Với nhiều người, bánh chưng không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn trở thành niềm vui, niềm hân hoan sum họp trong những ngày đầu năm mới.

Với nhiều người, bánh chưng không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn trở thành niềm vui, niềm hân hoan sum họp trong những ngày đầu năm mới.

Chị Anh Thư (phường Phương Liên, quận Đống Đa) tâm sự: "Những ngày này, khi con cháu gia đình đã dần xum họp thì chúng tôi lại tổ chức gói bánh chưng. Với tâm niệm, bánh chưng là lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với tiên tổ, năm nào gia đình tôi cũng chuẩn bị thật kỹ lưỡng để có những chiếc bánh chưng xanh cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc".

Là một trong những người gói bánh chưng rất đẹp ở khu tập thể Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội), anh Lê Quảng Đà cho biết, gói bánh chưng thực chất không khó, nhưng để có được những chiếc bánh ngon, đẹp thì không phải chuyện đơn giản. Việc chọn lá dong, gạo nếp gói bánh phải kỹ, gạo phải là gạo nếp cái hoa vàng, loại gạo này đặc biệt ở chỗ ăn bánh để 4 - 7 ngày vẫn dẻo thơm; thịt lợn phải là thịt ba chỉ, có đủ cả mỡ, nạc giúp cho bánh vừa thơm vừa ngậy. Đậu xanh hạt phải mẩy khi đồ lên…

Gói bánh chưng không khó, nhưng để có được những chiếc bánh ngon, đẹp thì không phải chuyện đơn giản.

Gói bánh chưng không khó, nhưng để có được những chiếc bánh ngon, đẹp thì không phải chuyện đơn giản.

Gia đình bà Lê Thị Hương (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho đến nay cũng vẫn giữ được phong tục gói bánh chưng ngày Tết. Bà Hương cho biết, dù bận rộn nhiều công việc, nhưng năm nào mọi người trong gia đình bà vẫn dành thời gian chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh.

Ngoài việc gói cho gia đình, bà còn gói để đem biếu họ hàng. Dù không nhiều, nhưng khi nhận những chiếc bánh chưng tự tay gói, ai nấy đều trân trọng. Điều đó là niềm vui và là động lực khiến gia đình bà luôn duy trì nét đẹp gói bánh chưng ngày Tết.

Hiện nay, không ít người dân vẫn muốn lưu giữ lại ý nghĩa đẹp đẽ này, tạo không khí Tết cổ truyền cho gia đình, con cái.

Hiện nay, không ít người dân vẫn muốn lưu giữ lại ý nghĩa đẹp đẽ này, tạo không khí Tết cổ truyền cho gia đình, con cái.

“Gói bánh chưng dịp Tết là phong tục đẹp đã tồn tại qua nhiều đời ở nước ta, nhưng cũng dần mai một ở các thành phố lớn do điều kiện kinh tế, xã hội đổi khác. Thế nhưng, hiện nay, không ít người dân vẫn muốn lưu giữ lại ý nghĩa đẹp đẽ này, tạo không khí Tết cổ truyền cho gia đình, con cái", bà Hương cho biết.

Giữa tiết trời vào xuân, được sưởi ấp bằng bếp lửa hồng nghi ngút hơi khói của nồi bánh sôi sục, mọi người cùng ngồi bên nhau nhiều giờ đồng hồ để chờ những chiếc bánh đầu tiên nóng hổi khi vừa chín tới. Điều thú vị là mọi người trong gia đình được quây quần bên nồi bánh chưng với nhiều câu chuyện của cả một năm cũ cùng bao chuyện phiếm thường ngày.

Chiếc bánh chưng không chỉ nhắc nhở mỗi người về một món ăn mang đậm nét văn hóa của dân tộc, mà còn khiến cho mỗi chúng ta trân quý hơn một sản vật linh thiêng của ngày Tết. Mỗi khi nhớ đến bánh chưng người ta thường nghĩ ngay đến cái Tết và ngược lại. Nhịp sống hiện đại ngày nay tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn nhưng truyền thống văn hóa ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn rất cần trao truyền lại mãi cho mai sau.

K.Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tet-sum-vay-ben-noi-banh-chung-165974.html