Tết thiêng Pò Hèn

Không dưới 10 lần tôi đặt chân đến Pò Hèn và cũng chưa lần nào vắng mưa. Mưa ở Pò Hèn không thành cơn, chỉ đủ ẩm người, đủ khó chịu, nhưng cũng đầy lưu luyến. Không hiểu sao lần này lên đỉnh thiêng vẫn có gió lạnh, có sương buổi sớm, vẫn có cả nước mắt quyện với khói hương… nhưng dường như, trời trong hơn, mây xanh hơn, nắng trong vắt, bình yên đến lạ. Và tình người cũng nồng đượm hơn. Với tôi, Pò Hèn thân thương hơn mỗi ngày. Tôi gọi đó là 'sự trở về'…

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn được tôn tạo, chỉnh trang, là điểm đến ý nghĩa giáo dục truyền thống, tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc cho thế hệ trẻ. Ảnh: Trường Giang

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn được tôn tạo, chỉnh trang, là điểm đến ý nghĩa giáo dục truyền thống, tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc cho thế hệ trẻ. Ảnh: Trường Giang

Nơi mùa Xuân bất tử…

Nếu ai đã từng đến mảnh đất Quảng Ninh, chắc hẳn đều biết đến địa danh Pò Hèn - nơi ghi dấu trận chiến đấu ác liệt bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979 và là nơi tưởng niệm 86 người con của đất nước đã anh dũng nằm xuống để giữ gìn mảnh đất biên cương Tổ quốc. Cựu chiến binh Hoàng Như Lý, nguyên trinh sát viên Đồn Biên phòng 209 Pò Hèn năm 1979 xúc động nhớ lại: “Năm 1979, vào 5 giờ sáng, toàn tuyến biên giới phía Bắc bắt đầu địch tấn công, trong đó có Đồn Pò Hèn. Buổi sáng của ngày hôm đó, cán bộ, chiến sĩ của Đồn Pò Hèn kiên cường chống trả quân xâm lược. Lực lượng của chúng ta có 60 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng đối đầu với lực lượng của địch trên dưới 3.000 người, quyết tâm giữ đồn…”.

Khu di tích lịch sử Pò Hèn xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái là nơi tôn vinh tưởng nhớ và tri ân cán bộ, chiến sĩ Đồn 209 Công an nhân dân vũ trang, nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn. Đây là nơi nhân viên thương nghiệp, những cán bộ, chiến sĩ Trung đội tự vệ lâm trường Hải Sơn đã hy sinh anh dũng trong trận chiến đấu chống quân xâm lược ngày 17/2/1979 để bảo vệ biên giới Đông Bắc Tổ quốc và những chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn hy sinh trong khi làm nhiệm vụ từ năm 1980 đến năm 1991.

Ở đây, cứ vào ngày 17/2 hàng năm, Đồn Biên phòng Pò Hèn đều làm lễ giỗ chung cho các liệt sĩ đã ngã xuống trong những ngày đầu của trận chiến bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Và không chỉ ngày 17/2, mà lễ, Tết, hay ngày rằm, mùng 1, những ngày kỷ niệm, ngày truyền thống và nhân dịp các sự kiện chính trị của địa phương, các hoạt động “Tri ân các anh hùng liệt sĩ” đều được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn tổ chức, tưởng niệm các lớp cha anh đã ngã xuống, để nhắc nhở mình không được phép quên lịch sử và tiếp tục sự nghiệp bảo vệ biên giới bình yên.

Thiếu tá Phùn Văn Dũng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pò Hèn chia sẻ: “Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thời gian qua, chúng tôi đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ Khu di tích lịch sử Pò Hèn. Đơn vị bố trí cán bộ, chiến sĩ trông coi tượng đài, dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan, đón tiếp các đoàn công tác lên thăm. Chúng tôi là thế hệ đi sau, cảm thấy vô cùng vinh dự, tự hào và tự hứa với lòng mình, sẽ luôn gìn giữ Khu di tích lịch sử này trở thành địa điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh”.

Năm 2010, Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn đã được Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh khởi công tôn tạo nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là công trình được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa của các tập thể, đơn vị, cá nhân, gia đình thân nhân các liệt sĩ trên mọi miền đất nước với tấm lòng tri ân sâu sắc. Đài tưởng niệm với kiến trúc hiện đại, cùng hai nhà bia và nhà lưu niệm, với nét kiến trúc cổ kính, trong không gian linh thiêng, sâu lắng đã minh chứng cho khí phách hào hùng của các chiến sĩ Biên phòng và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trên mảnh đất phên dậu vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Điểm nổi bật của công trình này là Đài tưởng niệm cao 16m bằng chất liệu bê tông cốt thép ốp đá trắng, ở hai bên phía trước có hai nhà bia. Trong đó, đặt hai tấm bia đá xanh khắc ghi tên 86 liệt sĩ đã hy sinh tại nơi này, từ ngày đầu tiên diễn ra chiến tranh biên giới cho đến nay. Tấm bia thứ nhất ghi tên 45 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tại đồn sáng ngày 17/2/1979, còn tấm bia thứ hai ghi tên 13 chiến sĩ hy sinh trong các giai đoạn từ ngày 15/2/1980 và người hy sinh cuối cùng tại biên giới Pò Hèn ngày 25/6/1991, cùng 28 liệt sĩ (gồm nữ liệt sĩ duy nhất: Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 công nhân lâm trường cùng hy sinh ngày 17/2/1979).

Tháng 3/2014, Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, gồm cụm đài tưởng niệm, nhà bia, nhà lưu niệm truyền thống được xây dựng trên nền của Đồn 209 Công an nhân dân vũ trang năm xưa và toàn bộ cảnh quan nơi đây. Vào ngày 20/9/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định chính thức xếp hạng di tích này trở thành Khu di tích lịch sử quốc gia. Đây là “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục truyền thống, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc. Hàng năm, rất nhiều đoàn cựu chiến binh và du khách mọi miền của đất nước thành kính dâng hoa, thắp hương để cùng tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở mảnh đất này.

Đến nay, Đồn Biên phòng Pò Hèn đã tổ chức đón tiếp và giới thiệu truyền thống lịch sử Đài tưởng niệm Pò Hèn cho 2.278 đoàn với hơn 21.100 lượt khách. Điều đó càng minh chứng rõ một điều, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn là di tích lịch sử tiêu biểu trên mảnh đất biên cương trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, không chỉ riêng của tỉnh Quảng Ninh, mà còn của BĐBP, cũng là một trong 4 công trình văn hóa mang dấu ấn truyền thống của BĐBP cả nước.

Và đúng dịp 22/12 vừa qua, tại nơi linh thiêng này, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương vui mừng đón nhận Lễ công bố xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Pò Hèn. Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là các cháu học sinh học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở của xã Hải Sơn, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”.

Xuân mới trên “thung lũng mưa”

Hôm chúng tôi đến, Pò Hèn đang lất phất mưa là thế mà bỗng rực sắc Xuân. Nắng bừng lên gieo từng hạt nhảy múa trên những thân cây. Cả con đường vào xóm họ Đặng thênh thang tươi mới, xóm khoác lên mình những bức tranh màu sắc, tươi vui.

Ông Phùn Phú Quyền, nguyên Chủ tịch UBND xã Hải Sơn cho biết: “Cuộc sống đồng bào dân tộc Dao nơi đây đã thay đổi rất nhiều. Từ chỗ chỉ có vài chục hộ dân ở thôn Vàng Khay (cũ), đường chưa có, được BĐBP “cầm tay chỉ việc”, dạy cách trồng lúa nước, cách làm chuồng nuôi lợn, gà hay chăm sóc trâu bò, bà con nay đã biết làm ăn kinh tế, thóc lúa về đầy bồ, đồng bào đã có gạo ăn quanh năm. Tết đến, nhà nào không mổ lợn cũng có vài ba con gà, ngan đen, trà hoa Vàng, cặp bánh chưng xanh, cả thôn mấy ngày Tết thơm nồng hương rượu chưng cất. Dần dần, tiếng lành đồn xa, người dân nhiều nơi cũng đến đây định cư, thôn Pò Hèn ngày càng đông vui. Các tập tục lạc hậu trong văn hóa đời sống cũng vì thế dần được đẩy lùi”.

Có thể nói, bằng sự đồng lòng, chung sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng, chính quyền và nhân dân, hơn 70% tuyến đường đất liên thôn, xóm đã được bê tông hóa sạch đẹp. Năm 2018, xã Hải Sơn đã đạt 19/19 tiêu chí, 49/49 chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới. Hiện, Đảng ủy, UBND xã chọn hướng tổ chức sản xuất kinh tế nông - lâm nghiệp với phát triển dịch vụ - du lịch, các vùng tập trung, chuyên canh, hướng tới sản xuất hàng hóa lớn và bền vững, chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi - cây trồng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Vành đai trắng Pò Hèn” những năm 1990 nay đã vươn lên với sức sống mãnh liệt. Ấy là nhờ một phần đóng góp không nhỏ của những chiến sĩ mang quân hàm xanh. Ðịa bàn Ðồn Biên phòng Pò Hèn quản lý có gần 1.700 hộ dân sinh sống, trong đó, hơn 90% là người dân tộc ít người. Năm 2000, Ðồn Biên phòng Pò Hèn triển khai mô hình thí điểm “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”. Từ thành công của mô hình này, phong trào đã được nhân rộng ra tất cả các đồn Biên phòng khác trên toàn quốc.

Việc tổ chức ký kết nghĩa cụm bản dân cư giữa hai thôn Pò Hèn (Móng Cái) và Thán Sản (Trung Quốc) thành công thể hiện sự khéo léo, nhuần nhị trong công tác ngoại giao biên giới, ngoại giao nhân dân của Ðồn Biên phòng Pò Hèn cũng như lãnh đạo, nhân dân xã Hải Sơn. Bà con đã trở thành những “cột mốc” vô hình, là cánh tay nối dài của BĐBP, góp phần giữ gìn sự bình yên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Trung tá Đàm Quang Đô, nhân viên phiên dịch, người có thâm niên trên 10 năm công tác ở Đồn Biên phòng Pò Hèn tự hào vì được cống hiến tuổi xuân ở mảnh đất truyền thống lịch sử. Anh Đô bảo, từ chiến sĩ mới nhập ngũ đến chỉ huy bao năm tuổi quân đều thuộc lòng trang sử hào hùng của đơn vị. Tuy vất vả, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ đều thấy ấm áp và tự hào khi chứng kiến sự hy sinh của đồng đội mình luôn được mọi người tri ân, biết ơn và trân trọng.

“Chúng tôi đã chăm sóc, hương khói cho đồng đội như thói quen thấm sâu vào máu, huyết quản. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trước khi chuyển đi, chuyển đến, đều đến đây thắp nén hương kính viếng, báo cáo với đồng đội của mình, những công việc đã và sẽ làm thay cho lời hứa: Dù ở trong bất kỳ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phần nào đền đáp sự hy sinh to lớn của các anh chị” - Trung tá Đô xúc động chia sẻ.

Một mùa Xuân mới lại về. Như thường lệ, khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn tập trung trước Đài tưởng niệm, thành kính làm lễ dâng hương, mời vong linh các anh, các chị về quây quần bên mâm cơm tất niên, đón chào một năm thắng lợi mới, giữ bình yên toàn vẹn lãnh thổ trên khu vực biên giới.

Tết ở Pò Hèn được gọi là “Tết thiêng”, bởi không chỉ có hoa đào, có bánh chưng, có lời chúc rộn ràng, mà còn cả sự lắng đọng lòng mình trước không gian thiêng liêng của mảnh đất lịch sử. Từ mùa Xuân bất tử năm nào, chúng ta khắc ghi để giữ vững những mùa Xuân tươi đẹp mãi về sau.

Thu Hòa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tet-thieng-po-hen-post458321.html