Tết Thiếu nhi ở lưng đồi
Những đứa trẻ nơi bản nghèo nằm vắt vẻo trên lưng chừng núi vẫn thường ngày đầu trần, chân đất.
Nhưng vào ngày Tết thiếu nhi, chúng rạng rỡ trong từng ánh mắt, nụ cười khi đón nhận một cái Tết Thiếu nhi đầy ý nghĩa…
“Hoa nở” lưng đồi
Khi con gà trống ở đầu hè vừa cất tiếng gáy, anh Tráng A Tình, bản Háng Sua, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) cùng vợ lục đục dậy chuẩn bị bữa sáng. Hôm nay, lần đầu con và cháu anh được tham dự một chương trình Tết Thiếu nhi tổ chức ngay tại bản.
Mặc dù, nhà chỉ cách điểm trường tiểu học - địa điểm tổ chức chưa đầy 1 km, song anh bảo: “Bọn trẻ háo hức từ tối nên tôi cũng sốt ruột theo”. Trong lúc chị vợ đang tất bật mặc quần áo mới cho con, anh Tình qua nhà bên đón thêm đứa cháu mồ côi.
Trời mưa lất phất nên cả nhà tới nơi cũng là lúc áo anh Tình thấm ướt. Thấy đoàn xe chở hàng từ thiện người nào cũng ướt sũng, anh cùng các phụ huynh nhanh tay hỗ trợ bê và sắp xếp đồ. Vừa làm, anh Tình vừa phân trần: “Ở đây thiếu thốn nhiều lắm nên chỉ cái bánh, cái kẹo nhỏ thôi cũng đáng quý với bọn trẻ”.
Rồi anh kể, đáng thương nhất là cậu bé Tráng A Dũng, cháu ruột của anh. Dũng ngoan, học giỏi nhưng không may mồ côi cả cha lẫn mẹ từ sớm. Mặc dù hoàn cảnh đặc biệt, song cậu bé lại rất chịu khó đến trường nên được thầy cô quý mến.
“Khi nghe ở chương trình Tết Thiếu nhi cháu Dũng sẽ được tặng quà tôi đã rất mừng. Được nhận ba lô, đồ dùng học tập, mì tôm, bánh kẹo và cả tiền mặt nữa, cháu phấn khởi lắm. Gặp ai cháu cũng khoe. Dũng thiệt thòi từ bé nên những món quà như vậy cháu rất quý. Đó là nguồn động viên lớn để cháu tiếp tục phấn đấu”, anh Tình tâm sự.
Còn theo cách nói vui của cô cán bộ văn hóa xã Tìa Dình - Lầu Thu Hiền, thì “Hôm nay, hoa đã nở trên lưng đồi Háng Sua”. Hiền tâm sự, bản Háng Sua có 87 hộ đồng bào Mông sinh sống. Do nằm ở vị trí trên cao, khó khăn về nước nên mọi hoạt động sản xuất, canh tác của người dân gặp nhiều khó khăn.
“Cuộc sống thiếu thốn nên bà con ít dành sự quan tâm đến con em. Nếu nói là tổ chức Tết Thiếu nhi cho trẻ em thì ở đây chưa bao giờ và chưa nhà nào làm được. Cũng vì thế nên chương trình này đặc biệt ý nghĩa với bọn trẻ”, Hiền bộc bạch.
Cũng theo Hiền chia sẻ, đây là hoạt động từ thiện có tên gọi “Tết Thiếu nhi ở lưng đồi” do một nhóm bạn trẻ thực hiện. Chương trình dự kiến sẽ tổ chức các hoạt động vui chơi, liên hoan, tặng quà cho 86 trẻ đang theo học tại điểm trường Tiểu học và Mầm non ở Háng Sua.
“Tuy nhiên thực tế lại vượt ngoài mong đợi. Vì đã được nghỉ học nên trẻ em đủ các lứa tuổi trong bản kéo nhau tìm đến. Nhiều phụ huynh bỏ cả việc nương, cõng theo con nhỏ tới tham gia. Cả bản ai cũng vui mừng, phấn khởi. Nhất là trẻ em, đứa nào cũng háo hức cười tươi như hoa”, Hiền nói.
Mang yêu thương ngược núi
Nhắc đến Tết Thiếu nhi ở lưng đồi, phụ huynh và học sinh ở Háng Sua không quên kể về cô gái người Mông - Vàng Thị Vừ (SN 1994). Vừ là người con của mảnh đất vùng cao Điện Biên Đông. Với nhiều nỗ lực, em đã vươn khỏi ngọn núi quê hương để theo học đại học tại Hà Nội.
Theo Vừ chia sẻ thì đây chỉ là một trong hàng loạt hoạt động từ thiện hướng về vùng cao mà em đã, đang thực hiện, nhằm hiện thực hóa ý tưởng “Giấc mơ vùng cao” của bản thân. Chương trình đầu tiên được Vừ khởi động từ năm 2015, khi em vừa bước chân vào học tại Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn.
“Từ sự thấu hiếu về cuộc sống, những khó khăn, thiếu thốn và khát khao của bản thân, em biết được điều gì sẽ cần thiết cho cuộc sống của trẻ em vùng cao. Từ đó, em xây dựng các chương trình từ thiện phù hợp với khả năng của mình”, Vừ bộc bạch.
Thông qua việc kêu gọi, vận động các nguồn hỗ trợ của các tổ chức cá nhân, tùy thuộc vào nguồn kinh phí có được, Vừ duy trì tổ chức mỗi năm từ 1 - 2 chương trình từ thiện. Địa điểm lựa chọn thường là bản vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc các huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà…
Với điểm dừng chân Háng Sua, Vừ đã lên kế hoạch từ 1 năm trước đó. Nhưng để bắt tay vào thực hiện thì chỉ trong vòng 1 tháng. Từ việc tìm hiểu đời sống dân cư để lên kế hoạch tặng quà cho phù hợp; khảo sát địa hình xây dựng phương án di chuyển đều được tính toán kỹ lưỡng.
“Tuy nhiên, đúng ngày tổ chức thì trời đổ mưa khiến toàn bộ kế hoạch di chuyển phải thay đổi. Vì bản cách trung tâm xã tới 10km, hoàn toàn là đường đất nên hàng hóa phải tăng bo bằng xe máy hết sức khó khăn”, Vừ kể.
Tuy nhiên, tinh thần đoàn kết ở vùng khó lại rất lớn. Chỉ sau khoảng vài chục phút huy động, gần 20 chiếc xe gắn máy nhanh chóng có mặt. 16 người, bao gồm: Cán bộ xã, giáo viên và cả phụ huynh tích cực tham gia hỗ trợ nhóm từ thiện của Vừ vận chuyển hàng vào điểm bản.
Vừa lo che chắn hàng cho khỏi ướt, lại vừa gồng mình điều khiển những chiếc xe trên con đường trơn trượt khiến ai nấy đều mệt. Thời gian dự kiến theo chương trình cũng chậm hơn kế hoạch chừng gần 1 giờ.
“May mắn là trời thương, mưa nhỏ nên chúng tôi vẫn đến nơi an toàn, không xảy ra bất cứ sự cố nào. Đặc biệt, khi nhìn sự háo hức của bà con và trẻ em ở đây, mọi vất vả dường như tan biến hết. Điều đọng lại trong tôi bây giờ chỉ là những nụ cười hạnh phúc!”, Vừ trải lòng.
“Đối tượng em hướng đến là các em nhỏ mầm non và tiểu học, THCS. Em hy vọng từ niềm vui nhỏ mình gửi trao sẽ góp nhặt thêm nhiều hơn nụ cười cho các em nhỏ. Từ đó, tạo thêm động lực để các em nuôi dưỡng những ước mơ lớn hơn”, Vừ tâm sự.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tet-thieu-nhi-o-lung-doi-post641228.html