Tết tĩnh lặng giữa lòng Hội An

Tết về, dường như cái chân ai cũng muốn đi. Người thì thăm bà con cô bác; người thì đi xem hát bài chòi, hát bội, hát tuồng; người thì cà phê, vui thú…

Những tấm thiệp đặt khéo léo trong mỗi góc quán

Những tấm thiệp đặt khéo léo trong mỗi góc quán

Và giữa những hớn hở, tươi vui của năm mới, đôi khi chút tĩnh lặng giữa nơi thôn dã của chút bông cải vàng triền đê, của hoa xuyến chi dọc bờ ruộng làm người ta thấy yêu đời thêm chút nữa, yêu thêm bông mai vàng lúc xuân về, yêu thêm cả nụ cười trẻ thơ và đôi khi, yêu cả nụ cười tĩnh lặng của những cô bán trà vô ngôn.

"Cô gái Reaching out của tôi"

Enjoy the silence; Whisper please (Mời thưởng thức trà vô ngôn; Và xin thì thầm yên tĩnh).Phải đến lần thứ 2 bước vào quán, tôi mới nhận thấy những dòng chữ này được đặt tinh tế ở mỗi góc phòng. Có thể do bị mê hoặc bởi những cốc nước màu xanh đỏ hồng tím bởi màu của những chiếc ly, hay những viên đá cà phê li ti còn thơm mùi Robusta hoặc một chút đường phèn nấu, pha thêm chút nước quế, nước gừng, chút mật ong hay chút sữa, từng thức đựng trong từng hũ nhỏ và một cái chìa tay nhẹ nhàng, một nụ cười trìu mến, một đôi mắt biết nói.

"Cô gái Reaching Out của tôi"

"Cô gái Reaching Out của tôi"

Reaching out, một quán trà nhỏ nằm giữa lòng Hội An, ngay con đường Trần Phú, một trong những con đường đẹp nhất phố cổ Hội An giờ và cũng là con đường trung tâm với những ngôi nhà cổ mang kiến trúc Á Đông kinh điển. Từ năm 2004, khi Hội An bắt đầu thử nghiệm phố đi bộ và xe không động cơ vào mỗi dịp cuối tuần, đến nay, thành phố này đã mở rộng tuyến phố đi bộ không những trong phố cổ mà còn một số tuyến đường ngoại vi với tất cả các ngày trong tuần. Có lẽ cũng chính nhờ thế nhiều du khách dễ dàng lạc chân vào quán khi đang dạo bước phố cổ.

Những chiếc bàn gỗ mộc thông xinh xắn, với một khoảng sân với giếng cổ và cây khế rũ bóng, bên một tường rêu lăn tăn nắng, kia là một góc phòng nhỏ với bộ phản gỗ xinh xinh cho không gian gia đình với thế giới thú bông và những cuốn sách, Reaching out hút hồn khách đến với những thức trà thơm ngon và cà phê nguyên chất của mình.

Điều đặc biệt trong quán này là những nhân viên khiếm thính của quán, chẳng ai có thể sổ sàng để mọi người xung quanh thấy phiền khi mình gọi thức uống hay tính tiền, cũng chẳng nghĩ mình đợi lâu khi cà phê, trà được ủ kĩ, chẳng có ngột ngạt mà đơn giản đó là thanh thản, bình yên. Những chiếc bánh quy mới nướng ra lò, vài lát mứt gừng mùa đông hay chút mứt dừa để biết vị Tết Việt, bạn sẽ không phải đợi lâu nếu ngồi chút và quan sát, những nụ cười đằm thắm và đáng yêu trên môi của mỗi người.

Diệu kỳ của vô ngôn

Những cô gái vô ngôn với nụ cười điềm nhiên đi đến, họ sẽ nhận những mẫu giấy đã tick sẵn món thực khách gọi và sẽ xuất hiện trở lại nếu bạn cần thêm thứ gì, chỉ cần đưa một bảng gỗ nhỏ có dán miếng giấy ghi thứ gì bạn cần lên. Xong đâu đấy, tĩnh lặng chút để thấy cái diệu kỳ của vô ngôn: "Xin mời quý khách, đây là cam vắt của quý khách, quý khách có thể thêm chút nước gừng, được chưng lên cùng đường phèn, hoặc chút nước quế..."; "Đây là cà phê Arabica loại đặc biệt của quán, quý khách có thể thêm sữa đặc hoặc đường tùy sở thích"; "Mời quý khách, chúc quý khách có những giờ phút vui vẻ bên tách trà thơm và những đóa hoa đồng nội"…

Một góc nhỏ tĩnh lặng trong quán

Một góc nhỏ tĩnh lặng trong quán

Đúng rồi, những đóa hoa đồng nội, nụ cười của cô gái vẫn ở lại cùng đóa hoa đồng nội trên bàn, có thể là li ti tiểu quỳnh, là điểm xuyết xuyến chi, là đỏ rần bông cẩn, hay đơn giản chỉ là một nhánh hoa dại, hoa khế trong vườn... Trên mỗi bàn đều có những lọ hoa như thế.

Và có gì là lạ khi giữa không gian đó, ta bắt gặp cái ngộ giữa vô ngôn và hữu ngôn, giữa hòa nhập và lẩn tránh. Họ, những con người khiếm thính, có người không nói được, có người không nghe được, có người không nói không nghe, họ ở đây, nhờ một con người cũng như họ, một người đi trước, có một xưởng mỹ nghệ của người khiếm thính, sau này, vợ chồng ông mở rộng thêm quán để vườn hoa vô ngôn cùng nở rộ, đằm thắm.

Có lẽ không cần bàn thêm về người khởi xướng Reaching out bởi ông vẫn ở đó với biết bao lòng biết ơn. Của những con người mà bản thân họ, dù là người không thể nói hay nghe, sẽ có một sự mặc cảm, hoặc của những con người có thể nói có thể nghe nhưng có sự trốn tránh, không muốn trò chuyện cùng ai, hoặc cả những con người muốn tìm đến một cõi không nói không rằng bởi thực tại... Trong một chừng mực nào đó, họ mang trong mình một nỗi mặc cảm, ở một xã hội mà không dễ gì một người bình thường có thể tồn tại thì âu rằng, ai đã từng sống, từng thở đều có phần cảm được cùng họ.

Có người bạn từng bảo tôi rằng: "Tao ghé rồi, một lần lạc bước giữa mùa đông, lạ, ngạc nhiên, thán phục mi à. Đến nỗi ban đầu tao tưởng mình lạc lối nữa cơ, gọi tiếng Việt không ai trả lời, tiếng Anh không ai đáp, rồi cả một câu chào lỏm tiếng Ý mới học được... Đáp lại là cái im lặng tĩnh mịch, nụ cười kia của cô gái quấn khăn tay trên đầu với nếp vải đang thêu trên tay, beautiful of silence, tao thấy câu nói đó ngay bên cạnh cô gái".

Biết đâu đấy, Reaching out không phải của riêng những người khiếm thính.

Bông Cải

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/tet-tinh-lang-giua-long-hoi-an-2020012612115316.htm