Tết Trung thu còn được gọi là gì?

Trong ngày Tết Trung thu, theo phong tục người Việt, tất cả thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên.

Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh Trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm Trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông Trăng, phá cỗ...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm Trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu Trăng Thu màu vàng, năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ. Nếu Trăng Thu màu xanh hay lục, năm đó sẽ có thiên tai. Còn nếu Trăng Thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

Người Việt Nam sử dụng nhiều tên gọi khác nhau để chỉ Tết Trung Thu, mỗi tên đều gắn với những ý nghĩa biểu tượng khác nhau.

Rằm tháng Tám

Đây là cách sử dụng ngày để làm tên gọi của tết, tết diễn ra vào ngày Rằm của tháng Tám Âm lịch.

Tết Trung thu

Đây là tên gọi phổ biến nhất, bởi thời gian diễn ra tết vào giữa mùa Thu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tết trông Trăng

Đây là một trong những cái tên đầu tiên của Tết Trung Thu có nguồn gốc xa xưa từ Trung Quốc. Ngày nay, tên gọi này ít được sử dụng, chủ yếu tại các vùng nông thôn Việt Nam - nơi ngắm Trăng là hoạt động chính trong ngày Rằm tháng Tám. Lúc này ánh Trăng sẽ tròn và sáng nhất trong năm nên các gia đình thường tề tựu ngồi bên nhau ngoài sân vừa ngắm Trăng, vừa trò chuyện.

Tết Thiếu nhi

Người Việt quan niệm đây là ngày tết dành cho thiếu nhi, là dịp để trẻ em được thỏa sức vui chơi và tham gia các hoạt động đặc trưng của ngày lễ. Hình ảnh trẻ em cười rộn ràng vui đùa cùng nối nhau thành từng hàng để đi rước đèn dưới ánh Trăng tròn trở thành một hoạt động không thể thiếu trong ngày này. Ngoài ra, các em nhỏ còn tụ họp lại bên nhau chơi những trò chơi dân gian như: lò cò, ô ăn quan,…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tết Đoàn viên

Đây là tên gọi được sử dụng phổ biến nhất sau Tết Trung thu. Tên này được đặt dựa trên hoạt động nội hàm của ngày lễ, dịp này các thành viên trong gia đình đang làm ở bất kỳ đâu cũng sẽ quay về nhà ông bà, cha mẹ để cảm nhận không khí hạnh phúc sum vầy của ngày Tết Trung thu bên mâm cỗ nhiều bánh trái và tiếng cười rộn rã của trẻ nhỏ.

Tết Hoa đăng

Tết Hoa đăng được xuất phát từ Trung Quốc, thả hoa đăng là một trong những hoạt động thường trong ngày Tết Trung thu. Thời điểm này, không chỉ người dân trang trí trước nhà bằng những lồng đèn rực rỡ mà còn thả những chiếc lồng đèn hoa đăng thả trên dòng nước. Bên trong những chiếc lồng đèn hoa đăng là những lời ước nguyện cầu mong của người dân cùng với ngọn nến thắp sáng thả trôi theo dòng nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngoài việc thả đèn dưới dòng nước, ở một số nơi còn gửi ước nguyện vào những chiếc đèn rồi thả lên không trung theo ánh Trăng tròn cầu mong một năm an lành, thịnh vượng đến với gia đình. Ở Việt Nam, chỉ có một số ít nơi gọi cái tên này.

Năm 2024, Tết Trung thu - Rằm tháng Tám rơi vào thứ Ba, ngày 17/9/2024 dương lịch.

PV (Tổng hợp)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tet-trung-thu-con-duoc-goi-la-gi.html