Tết Trung thu, cùng trẻ em nghèo 'phá cỗ trông trăng' trên đảo
Nhìn những nụ cuời trong trẻo, ngây thơ lớn lên cùng nắng gió biển đảo được ăn bánh trung thu, rước đèn ông sao, xem múa lân, sau đó là sự vui mừng khi được phá cỗ, tất cả mọi người không giấu nổi sự xúc động.
Ngồi trên chiếc cano, vượt qua nhiều đợt sóng trên vùng biển thuộc Vịnh Vân Phong, chúng tôi đã đến được đảo Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đúng dịp Tết Trung thu. Những đứa trẻ Điệp Sơn vốn chỉ biết Tết Trung thu qua những câu chuyện kể thì 5 năm gần đây đã có những mùa Trung thu rộn tiếng cười.
Duy trì những mùa Trung thu cho trẻ nghèo trên đảo Điệp Sơn
Đón chúng tôi là vợ chồng anh Trịnh Minh Đại Anh và chị Đào Thị Long, người dân nơi đây thường gọi họ là vợ chồng "Chúa đảo". Công sức của họ đã "phù phép" Điệp Sơn từ một nơi đìu hiu thành nơi sự sống dần được hồi sinh và trở thành điểm đến hấp dẫn tại Khánh Hòa. Và cũng gần 5 năm, họ đã bỏ công sức để duy trì những mùa trung thu ý nghĩa cho những đứa trẻ nơi đây.
Mặc dù chương trình chiều tối mới bắt đầu, thế nhưng vì sự háo hức xen lẫn cả niềm vui, hơn 100 em nhỏ trên thôn Điệp Sơn đã có mặt từ rất sớm để được tận hưởng không khí rộn ràng, vui tươi chờ "trông trăng" trên đảo. Cách đó không xa, các tình nguyện viên đang tất bật trang trí đèn ông sao, chuẩn bị mâm cỗ, xếp những phần quà ngay ngắn.
Đưa chúng tôi dạo quanh trong thôn, vợ chồng chị Long cho biết, trẻ em ở đây vẫn còn nhiều thiệt thòi. Đối với chúng, câu chuyện Tết Trung thu được cầm lồng đèn, tay ôm cái bánh và xem múa lân luôn là điều mong chờ của biết bao tuổi thơ nghèo. Điều đó chỉ hiện diện qua sách vở, hoặc qua từng câu chuyện của nhiều du khách kể lại cho chúng nghe khi ghé đến đây.
Mong muốn biến ước mơ của trẻ em trên đảo thành sự thật, từ năm 2019, vợ chồng chị đã tự bỏ tiền túi tổ chức Trung thu cho chúng.
Nhớ kỉ niệm đầu tiên tổ chức, vì không đủ kinh phí, chị Long được một người bạn thân thiết cho mượn thẻ tín dụng để mua sắm quần áo, bánh kẹo, lồng đèn giấy… tại siêu thị. Không chỉ thế, vợ chồng chị còn kêu gọi các đoàn lân sư rồng ra đảo biểu diễn cho các cháu xem.
"Với địa bàn là ở đảo, gia đình các cháu hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, cái ăn, cái mặc chưa đủ đầy thì nói gì đến chuyện mua quà Trung thu cho con. Thấu hiểu điều đó, chúng tôi duy trì hoạt động này để các cháu có có thêm niềm tin yêu, hy vọng vào những điều tốt đẹp. Hôm nay, chúng tôi thuê 2 lân, 2 rồng để biểu diễn cho các cháu xem. Ngoài ra, còn có tiệc tối dành cho các cháu và người dân trên đảo cùng thưởng thức", chị Long chia sẻ.
Thêm một mùa trăng diệu kỳ
Đúng 16h00, từng chiếc lồng đèn nhiều sắc màu lần lượt được trao cho các em nhỏ. Cầm trên tay chiếc lồng đèn dễ thương, các em thích thú theo dõi những những màn múa lân đặc sắc. Tiếng cười nói, tiếng hát của các em vang vọng khắp nơi.
Khoác lên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng để tham gia đêm hội Trung thu với các bạn, khuôn mặt bé Trần Thị Bích Ngọc (sinh năm 2018) rạng ngời: "Hôm nay con vui lắm ạ! Con được ăn bánh nướng, bánh dẻo, xem múa lân đẹp lắm".
Đứng cạnh đó, em Trần Minh Huy (sinh năm 2012) cũng không giấu được sự vui mừng, hạnh phúc khi được rước đèn, phá cỗ: "Từ hôm được thông báo sẽ được tham dự chương trình Trung thu, em hồi hộp và mong đến sớm ngày hôm nay để nhận quà. Em cảm ơn cô chú và mọi người đã quan tâm đến trẻ em vùng đảo chúng em".
Theo ông Nguyễn Ngọc Mẫn - Trưởng thôn Điệp Sơn, có 90 hộ dân sống trên đảo đều là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Người dân tại đây chủ yếu mưu sinh bằng việc bẫy tôm, mực…Trên đảo có một trường mầm non và một trường tiểu học với tổng số các cháu theo học tại hai trường là 57 cháu.
Cuộc sống nơi đây rất vất vả, vẫn chưa có lưới điện quốc gia. Trên đảo chỉ được phát điện khoảng 3 tiếng (từ 18h00 đến 21h00) mỗi ngày nên bà con vẫn chưa có thêm điều kiện để phát triển kinh tế thoát nghèo, còn những đứa trẻ thì không có điện để học bài, tiếp cận với thế giới văn minh được nhiều hơn.
"Các cháu chủ yếu là con hộ nghèo và cận nghèo nên việc đủ ăn, đủ mặc và được cắp sách đến trường là may mắn rồi. Bởi thế, dịp Tết Trung thu mà được tặng chiếc bánh thôi cũng đủ làm các cháu hạnh phúc. Vợ chồng chị Long đã có sự động viên, chia sẻ kịp thời, góp phần sưởi ấm tâm hồn trẻ thơ. Tiếp nối điều đó, vợ chồng tôi cũng đã chuẩn bị thêm những phần quà nhỏ cho các cháu", ông Mẫn nói.
Nhìn những nụ cuời trong trẻo, ngây thơ khi được ăn bánh trung thu, rước đèn ông sao, xem múa lân. Sau đó là sự vui mừng khi được phá cỗ, tất cả mọi người không giấu nổi sự xúc động. Lớn lên cùng nắng gió biển đảo, những đứa trẻ này chắn sẽ rất tự hào về tình yêu với biển đảo quê hương, với Tổ quốc nơi đầu sóng. Những mầm xanh vẫn đang lớn dần giữa lòng biển nhờ chính vào sự quan tâm của những người như vợ chồng "Chúa đảo" và cộng đồng.