Tết về Long An dự lễ hội
Nhắc đến tết, không thể không nhắc đến các lễ hội. Đến Long An vào những ngày đầu xuân mới, các bạn sẽ được dự nhiều lễ hội thể hiện nét văn hóa tâm linh gắn với tín ngưỡng dân gian. Đây còn là sản phẩm du lịch 'níu chân' du khách.
Dù ai buôn bán bộn bề
Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu.
Có lẽ, người con Tầm Vu (huyện Châu Thành) nào cũng thuộc nằm lòng câu ca dao trên. Cứ đến ngày 15, 16 tháng Giêng, người dân thị trấn Tầm Vu lại nô nức đón cái tết thứ 2 của quê hương - Lễ hội Làm Chay.
Làm Chay tưởng nhớ tiền hiền
Có công khai khẩn, hậu hiền khai cơ
Đó là ý nghĩa mà Lễ hội Làm Chay hướng đến với các hoạt động: Thỉnh rước ông Tiêu (Tiêu diện Đại sĩ), thỉnh chư Phật, thỉnh thầy, cúng tế liệt sĩ, chiêu u, cúng chẩn tế cô hồn, xô giàn, đốt ông Tiêu,... Hàng năm, Lễ hội Làm Chay thu hút hàng ngàn lượt khách về dự. Sở dĩ, Lễ hội Làm Chay thu hút nhiều người bởi đây là dịp để người dân địa phương, người làm ăn xa xứ được về với nguồn cội, thắp nén hương tưởng nhớ tiền nhân, còn khách thập phương được hiểu thêm về vùng đất Long An giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Bà Trần Thị Hoa - người dân thị trấn Tầm Vu, cho biết: “Lễ hội Làm Chay là lễ hội lớn của quê hương. Do đó, dù có đi đâu, mọi người cũng cố gắng về bên gia đình và dự lễ hội”.
Sau Lễ hội Làm Chay, người dân xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước tất bật tổ chức lễ hội cầu an tại đình Vạn Phước và Lễ húy kỵ Đức nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Được biết, Đức nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại là nhạc quan tài hoa của triều đình nhà Nguyễn. Trên bước đường Nam tiến, ông dừng chân tại Chợ Đào, xã Mỹ Lệ. Tại đây, ông cải biên những bản nhạc cung đình và truyền dạy cho người dân địa phương. Nhằm ghi nhớ công ơn của Nhạc sư Nguyễn Quang Đại, lễ húy kỵ hàng năm còn kết hợp tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ. Về đình Vạn Phước trong những ngày đầu xuân để được hòa vào vùng quê yên bình, đắm mình trong không gian văn hóa đặc sắc của nghệ thuật đờn ca tài tử - Di sản văn hóa “độc nhất vô nhị” của nhân loại.
Không ai bảo ai, cứ đến ngày 18 - 21 tháng Giêng, người dân xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc lại tề tựu về miếu bà Ngũ hành Long Thượng cùng chung tay, góp sức để lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp. Phó Hội Trưởng ban Hội hương miếu bà Long Thượng - Nguyễn Văn Công chia sẻ: “Miếu bà Ngũ hành Long Thượng ra đời trong công cuộc khai hoang lập làng của cư dân địa phương, nơi thờ 5 yếu tố vật chất: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Lễ hội diễn ra với mục đích cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đến dự lễ hội, du khách được chiêm ngưỡng nhiều nghi thức cúng miếu trang nghiêm: Lễ khai môn thượng kỳ, lễ mộc dục,... Ngoài ra, du khách còn được xem múa, hát bóng rỗi. Tất cả góp phần làm cho lễ hội có cả sự trang nghiêm và không khí sôi nổi của những buổi sinh hoạt cộng đồng”.
Một mùa lễ hội đầu xuân ở Long An lại đến! Điều này góp phần tạo không khí vui tươi cho những ngày tết thêm trọn vẹn, ý nghĩa./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/tet-ve-long-an-du-le-hoi-a88995.html