Tết về muôn nơi
Khắp các miền quê trên địa bàn tỉnh đang nhộn nhịp không khí tưng bừng chuẩn bị đón Tết Quý Mão 2023. Mọi người, mọi nhà đều háo hức chờ đón Tết cổ truyền.
Những làng quê khởi sắc
Những ngày này, người dân thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) ai nấy đều hân hoan, vui mừng khi 24 tuyến đường trên địa bàn đã được cơ quan chức năng hoàn thành xong việc cắm biển tên đường. Trong đó, tuyến đường dài nhất là đường Phạm Văn Đồng (Quốc lộ 1 qua đoạn thị trấn Mộ Đức) có chiều dài hơn 3,5km.
“Việc cắm biển tên đường góp phần nâng tầm diện mạo thị trấn, tạo thuận lợi cho người dân chúng tôi trong sản xuất, kinh doanh. Tết Quý Mão năm nay là cái Tết đầu tiên, đường phía trước nhà tôi chính thức có tên. Niềm vui này đến ngay thềm Xuân mới, khiến người dân chúng tôi rất phấn khởi và xúc động”, ông Võ Hữu Nhân, ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức), vui mừng bày tỏ.
Trong không khí tươi vui, khí thế chào đón Tết đến, Xuân về, bên cạnh những tuyến phố, công viên, hoa viên được Nhà nước đầu tư kinh phí trang trí, người dân khắp các miền quê trong tỉnh cũng đang góp công sức chăm sóc hoa, cây xanh dọc các tuyến đường để tô điểm thêm hương sắc cho mùa xuân. Tại xã Hành Minh (Nghĩa Hành), tuyến đường liên huyện rợp bóng hoa ban kéo dài gần 1km, đã trở thành cung đường thu hút nhiều du khách. Còn tại xã Đức Hòa (Mộ Đức), sau nhiều tháng được người dân địa phương tích cực trồng và chăm sóc, các loại hoa như dâm bụt, móng tay, giấy... cũng đang bung nở tại 9 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 4km.
Từ ngày giữa tháng Chạp, người dân ở khu dân cư Tân Lập, thôn Điện An 4, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) đã cùng nhau dọn dẹp con đường chung và mang đèn lồng, bóng điện để trang trí, đón chào mùa xuân mới. Với gần 200 chiếc lồng đèn đỏ được treo lên cao, trải dài trên đoạn đường hơn 700m khiến khung cảnh làng quê trở nên tươi tắn, sinh động hơn rất nhiều. Đây cũng là năm thứ 3, người dân ở khu dân cư Tân Lập tổ chức treo lồng đèn đón Tết. Ông Lê Thanh chia sẻ, ý tưởng treo lồng đèn đón Tết xuất phát từ một số thanh niên trong khu dân cư. Vào cuối năm 2020, sau khi bàn bạc, người dân đồng lòng góp tiền mua dây điện, lồng đèn, bóng điện để treo trên tuyến đường chung. Suốt 3 năm qua, đã thành thông lệ, cứ vào ngày 11 tháng Chạp, trước ngày cúng tất niên ở khu dân cư, chúng tôi sẽ cùng nhau lấy lồng đèn, bóng điện ra treo, trang trí trên tuyến đường trước nhà mình. Dù có tốn công sức, tiền bạc một chút nhưng ai cũng thấy vui, phấn khởi vì Tết đến Xuân về, khu dân cư lại rực rỡ, lung linh.
Tết về trên non cao
Những ngày cuối tháng Chạp, không khí Tết đã dần lan tỏa trên khắp các đường làng, ngõ xóm. Tại các huyện miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số hồ hởi phấn khởi tổ chức các hoạt động đón Tết theo hướng văn minh, ấm tình.
Sáng sớm 25 tháng Chạp, người dân Gò Tranh Giữa, thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) trong trang phục truyền thống, tề tựu đông đủ tại nhà văn hóa thôn để thực hiện các nghi lễ đón Tết của đồng bào dân tộc Hrê. Công việc chuẩn bị được tất cả các thành viên trong thôn san sẻ và hỗ trợ với nhau, càng làm cho không khí đón Tết thêm nhộn nhịp, đầm ấm. Ở bìa rừng, những người già, người có uy tín trong thôn trang trọng thực hiện những nghi thức cúng rừng, cầu mong Thần Rừng che chở cho người dân năm mới làm ăn khấm khá. Trong bếp, phụ nữ vừa hàn huyên chuyện trò, vừa tem trầu, gói bánh tét lá dong đôi. Ngoài sân, cánh đàn ông lại tất bật mổ heo và chuẩn bị những mâm cỗ cúng thần linh và tổ tiên. Trẻ em xúng xính quần áo đẹp, chơi các trò dân gian.
Bà Đinh Thị Vinh cho biết, những giáp Tết, tiết trời se lạnh, người dân ở Gò Tranh Giữa thường quây quần bên bếp lửa để gói bánh, luộc bánh và chuyện trò rôm rả. Những niềm vui, nỗi buồn trong năm cũ cũng được người dân chia sẻ, động viên, tình làng nghĩa xóm vì thế cũng xích lại gần nhau hơn. Năm vừa rồi keo được giá, chăn nuôi cũng mang lại thu nhập không nhỏ nên Tết năm nay, nhiều hộ gia đình ở Gò Tranh Giữa vui hơn, sắm Tết đủ đầy và sung túc hơn. Trước ngày 25 tháng Chạp, người dân trong thôn cũng bảo ban nhau dọn vệ sinh môi trường, trang trí nhà cửa, sắm chậu cúc vàng để năm mới “rước” được nhiều điều tốt và niềm vui vào nhà.
Còn tại thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ), "nàng Xuân" cũng đang gõ cửa mọi nhà, đến gần với mọi người. Khắp các tuyến đường làng, ngõ xóm rực rỡ cờ hoa, vườn nhà sạch sẽ, cờ Tổ quốc bay phấp phới. Gác lại việc lao động, sản xuất, người dân trong thôn cũng xúng xính trong trang phục thổ cẩm truyền thống, rực rỡ sắc màu để quây quần gói bánh lá dong, hàn huyên bên ché rượu cần. Ông Phạm Văn Bách, ở thôn Làng Teng cho biết, uống rượu cần là phong tục truyền thống của người Hrê nơi đây. Ché rượu cần vì thế cũng được xem là linh hồn của người Hrê trong mỗi dịp lễ, Tết. Vì vậy, người Hrê tự tay làm ra những ché rượu cần thơm ngon, đặc biệt với vị ngọt, vị đắng quyện vào nhau, để khi khách uống vào "không biết chán, chẳng biết say".
Trong không khí sôi nổi, náo nhiệt trước thềm xuân mới, người dân thôn Làng Teng cùng ngồi bên nhau, cùng lắng nghe những làn điệu dân ca, hòa nhịp cùng tiếng chiêng Ba rộn rã, cùng động viên và bảo ban nhau quyết tâm gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, cùng làm kinh tế giỏi để cuộc sống ấm no hơn. Những cái siết tay thật chặt càng tăng thêm tình đoàn kết, để cùng nhau bước sang một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc.
Để giúp người dân yên tâm, phấn khởi vui Xuân, đón Tết, chính quyền các địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân. Đồng thời, huy động các nguồn lực để chăm lo cho người dân có cái Tết đủ đầy, trọn vẹn. Hàng chục nghìn suất quà của các cấp chính quyền, nhà hảo tâm đã trao tận tay các hộ gia đình người có công, gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Những suất quà tuy nhỏ, nhưng ấm tình trọn vị xuân.
Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết chia sẻ, với phương châm không để người dân nào thiếu thốn khi Tết đến, Xuân về, ngay từ trước tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người già neo đơn, trẻ em mồ côi... Cùng với đó là chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, lực lượng vũ trang thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an ninh để đảm bảo người dân trên địa bàn huyện đón Tết cổ truyền trọn vẹn, an toàn.
Ngư dân tạ ơn biển
Hòa cùng khí thế chào đón tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngư dân khắp các làng chài trên địa bàn tỉnh cũng tất bật trang trí nhà cửa, đường sá để đón Tết theo cách khá độc đáo. Với ngư dân làng chài, Tết cổ truyền là dịp vui nhất trong năm, bởi đây là quãng thời gian họ có mặt ở đất liền dài ngày nhất sau gần một năm ngược xuôi, tất bật với những chuyến vươn khơi đánh bắt hải sản.
Tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn), ngư dân Nguyễn Thanh Nam tranh thủ lau chùi chiếc tàu gỗ mô hình, vui mừng bộc bạch, ngư dân chúng tôi xem biển cả như máu thịt, nên những đồ trang trí trong nhà của chúng tôi thường liên quan đến biển, đến thuyền. Chiếc tàu gỗ mô hình này tôi đặt thợ làm mô phỏng theo chiếc tàu cá của gia đình. Còn san hô, vỏ ốc biển đang trưng trong tủ là sản vật mà tôi và các con có được sau những chuyến đánh bắt hải sản ở ngư trường Trường Sa. Ba ngày Tết, tôi không cần trang trí cầu kỳ, chỉ cần những thứ mộc mạc, dân dã, gắn bó mật thiết với nghề của gia đình mình như vậy thôi là đã đủ ấm cúng rồi.
Những ngày cuối năm, ngư dân ở các xã ven biển và huyện đảo Lý Sơn tất bật tổ chức cúng thuyền và cúng tạ tại các lăng vạn. Ngư dân xem đây là một trong những "thủ tục" không thể thiếu, để tạ ơn thần linh và tri ân "người bạn" thuyền sau một năm lênh đênh trên biển.
Vừa trở về sau chuyến biển cuối cùng của năm, ngư dân Huỳnh Luận, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) liền mua 2 chậu hoa cúc và chuẩn bị các lễ vật như gà luộc, trái cây, bánh tráng... để tổ chức cúng tàu. "Nhà ở Phổ Quang, còn tàu thì neo đậu tại cảng Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), nhưng tôi cùng các anh em trên tàu vẫn sắp xếp thời gian để cùng có mặt đông đủ tại cảng Tịnh Hòa, cùng dọn dẹp sạch sẽ tàu và tổ chức cúng tàu. Ngư dân chúng tôi xem tàu là nhà, nên trước thềm năm mới, chúng tôi cùng dọn dẹp, cúng tạ tươm tất, để cảm ơn tàu - ngôi nhà đã che chở cho mấy anh em trước nắng gió, sóng nước", ngư dân Luận bộc bạch.
Trong khi đó, những ngày cuối năm, bên cạnh việc tổ chức cúng tàu cuối năm, ngư dân Lý Sơn còn chuẩn bị lễ vật, tề tựu về lăng vạn An Phú. Theo Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải Nguyễn Quốc Chinh, từ ngày 26 - 29 tháng Chạp Nhâm Dần, ngư dân địa phương chuẩn bị lễ vật để cúng lăng vạn An Phú. Đây là cách để ngư dân bày tỏ lòng thành kính, tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ, chở che ngư dân đánh bắt hải sản suôn sẻ, thuận buồm. Nét đẹp văn hóa này được ngư dân địa phương thành kính duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác. Quanh năm bôn ba trên biển, ngư dân tin rằng, việc cúng tạ ơn vào dịp cuối năm sẽ giúp ngư dân tránh được sóng gió, hiểm nguy trên biển.
Nhộn nhịp chợ quê
Ở các chợ quê, không khí mua sắm vào những ngày cuối tháng Chạp nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Từ các sản phẩm quần áo, giày dép, chén dĩa cho đến gà, vịt, hoa quả đều được bày bán phong phú, đa dạng. Nhiều người dân quê cũng tranh thủ mang những sản phẩm “cây nhà lá vườn” ra chợ bán, vừa kiếm thêm chút tiền sắm Tết, vừa để gặp bà con, hàn huyên những câu chuyện cuối năm. “Tôi trồng gần một sào rau cải, rau thơm, trong nhà dùng không hết nên mang một ít ra chợ bán. Những ngày này, rau bán được giá hơn ngày thường. Cứ bán được mớ rau thì tôi lại có thêm chút tiền mua sắm thêm một số thứ trong gia đình. Nhưng vui nhất là được gặp mọi người, nhất là bà con ở xa về quê ăn Tết”, bà Nguyễn Thị Tám, ở thôn 3, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), bộc bạch.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/6101/202301/tet-ve-muon-noi-3154464/