Tết với những người lính nơi biên cương
Tết, khi những người làm ăn, buôn bán ngược xuôi, người xa xứ trở về cố hương cùng người thân trong gia đình quây quần bên mâm cơm với đầy đủ thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, bánh tét... thì những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng vẫn gác lại hạnh phúc riêng tư, dành trọn thời gian trực chiến bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia.
Ngoài ra, còn phối hợp với công an, quân sự tỉnh, huyện, xã nơi đơn vị đóng quân tuần tra, kiểm soát, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, ma túy, xâm phạm an ninh quốc gia, xuất nhập cảnh trái phép, trốn nã, buôn lậu, vận chuyển hàng cấm... nhằm đảm bảo an ninh, trật tự để người dân vui xuân đón tết trong yên bình.
Được thưởng phép, con sẽ về thăm cha mẹ
Chúng tôi đến biên giới xã Mỹ Quý Tây và Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) vào buổi tinh mơ một ngày cuối năm 2024. Khi những người nông dân còn đang ngon giấc trong thời tiết se lạnh của mùa đông phương Nam thì cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi đây đã hoàn thành bài thể dục buổi sáng, chuẩn bị lót dạ bằng bát cơm nóng rồi bước vào một ngày làm việc mới.
Gạt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt đậm nét thư sinh, Thiếu úy Nguyễn Huy Phúc đon đả chạy ra cổng đón khách. Thiếu úy Phúc sinh ra và lớn lên ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Tháng 10 vừa qua, khi vừa tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Phúc được điều động vào công tác tại Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây. Mặc dù đã xác định tinh thần rằng là người lính thì ngoài việc vượt qua những khó khăn, vất vả, còn phải biết hy sinh bớt những hạnh phúc riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, nhưng là lần đầu tiên ăn Tết xa nhà nên cứ mỗi đêm phối hợp với công an, quân sự địa phương đi tuần tra biên giới, gặp cái se lạnh của gió mùa đông bắc lùa về thì Phúc lại nao nao nhớ cái Tết truyền thống cùng ông bà, cha mẹ tề tựu bên mâm cỗ cúng giao thừa.
“Biết nỗi lòng của em cùng những chiến sĩ trẻ mới nhập ngũ khác, ban chỉ huy đồn ngoài động viên, chia sẻ, còn tổ chức những chương trình thi đấu thể thao, hái hoa dân chủ, thi đua xem ai hoàn thành các bài kỹ chiến thuật chiến đấu trong thời gian ngắn nhất sẽ có thưởng lồng ghép với giáo dục chính trị, tư tưởng... để anh em tham gia để tạm quên đi nỗi nhớ. Xa ông bà, bố mẹ, tình yêu mới chớm nở ở quê thì ai mà không nhớ, nhưng nhờ sự khích lệ của chỉ huy đơn vị cùng những cuộc điện thoại động viên từ bố mẹ, anh chị em nên những người lính trẻ như bọn em hiểu được việc bảo vệ an ninh biên giới cho bà con có cái Tết vui tươi, yên bình là nhiệm vụ hàng đầu, cũng là niềm tự hào của chiến sĩ bộ đội biên phòng... Ông bà, bố mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe, đợi đến mùa hè sang năm khi được thưởng phép con sẽ về thăm... Tình yêu ơi, hãy tin ở anh, hoàn thành nhiện vụ, anh sẽ dành nhiều thời gian để bù đắp...”. Thiếu úy Nguyễn Huy Phúc nhắn nhủ.
Cũng mới chân ướt, chân ráo được điều chuyển ra biên giới, nhưng Thượng úy Lê Anh Huy lại từng có 8 năm chưa được ăn Tết bên gia đình. Quê Huy ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, tốt nghiệp phổ thông trung học, Huy dự thi và trúng tuyển vào Trường Sĩ quan thông tin. Sau 6 năm dùi mài kinh sử ở Trường Biên phòng Liên bang Nga và 2 năm học các lớp huấn luyện nghiệp vụ, tháng 3/2024, anh nhận quyết định điều động vào công tác tại Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. 8 năm xa gia đình, Huy xác định phải tập trung toàn bộ cho việc học tập nên cũng vơi được nỗi nhớ nhà, nhớ Tết quê hương. Nhưng, năm nay, gió mùa đông bắc về sớm nên cứ mỗi chiều trên chốt, nhìn khói lam chiều tỏa ra từ mái bếp nhà dân quyện theo cái se lạnh cứ chậm rãi vờn qua trước mặt thì Huy lại rạo rực, nhớ hồi nhỏ được cùng ông bà, cha mẹ, người thân quây quần bên bên bếp lửa nấu bánh chưng.
“Nhớ nhà, nhớ Tết quê hương lắm, nhất là khi cha mẹ, người thân nhắn nhủ, mong mỏi con trai sau nhiều năm xa nhà cố gắng dành thời gian để có một lần được tề tựu cùng nhau vui xuân, đón Tết. Để bậc sinh thành hiểu việc bảo vệ an ninh biên giới, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự mang lại bình yên cuộc sống cho bà con nhân dân nơi biên cương là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả và phải được đặt lên hàng đầu nên mỗi khi xuống ca trực chiến, em lại gọi điện giải thích từng chút một. Khi tư tưởng đã thông, các cụ không những vơi đi nỗi lòng, mà còn động viên ngược lại giúp em tự tin, vững vàng, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ và sẽ dành thời gian báo hiếu đấng sinh thành vào thời điểm được thưởng phép...”. Thượng úy Lê Anh Huy chia sẻ.
Hẹn em và con, sau tết anh về
Không chỉ những người lính trẻ mà cả những sĩ quan biên phòng với hàng chục năm bám biên, nhà chỉ cách nơi đóng quân dăm ba chục cây số, nhưng cũng chưa bao giờ được quây quần cùng cha mẹ, vợ, con đón Giao thừa.
Thiếu tá Trần Ngọc Dương, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây là một trường hợp như vậy. Sau 10 năm ổn định công tác, giáp Tết 2019, anh xây dựng gia đình với một cô gái ở thị xã Kiến Tường. Đám cưới xong được vài ngày thì hết phép nên Dương phải trở lại đơn vị phục vụ công tác. Nghĩ đơn vị chỉ cách nhà chừng 50 cây số nên vợ chắc rằng anh sẽ về cùng trang trí nhà cửa, gói bánh tét, sắm mâm quả, nhưng chờ đến chiều 30 Tết vẫn không thấy bóng dáng chồng đâu, chị gọi điện phụng phịu: “Anh không nhớ là vợ đang chờ ở nhà à?”. Biết vợ buồn nên vừa xuống ca trực, Dương lập tức gọi điện giải thích, động viên. Hiểu được lấy chồng bộ đội thì ngoài làm vợ, làm mẹ, phải kiêm thêm làm chồng nên chị đã vui vẻ quán xuyến tất cả mọi công việc nhà, chăm sóc con cái để chồng yên tâm phục vụ công tác. Cho đến nay, đã 15 năm chưa một lần được đón Giao thừa bên cha mẹ, vợ con, nhưng anh luôn cảm thấy hạnh phúc bởi trong từng ấy năm, bà con nhân dân nơi đơn vị anh đóng quân luôn vui xuân, đón Tết trong yên bình và xem các anh như những người con ruột thịt, thường xuyên dành tặng những phần quà, tấm bánh để các anh vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Cũng theo Thiếu tá Dương, không chỉ bản thân, mà hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều hiếm khi được đón Tết cùng gia đình, dù nhà gần cũng phải tập chung ăn, nghỉ ngay tại đơn vị. Ngoài các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, kiểm tra, kiểm soát đối với người xuất nhập cảnh ôn luyện các kỹ năng, kỹ chiến thuật nhằm đảm bảo sẵn sàng phục vụ chiến đấu, đơn vị còn phối hợp với công an địa phương tuần tra phòng, chống tội phạm trên toàn tuyến biên giới hằng đêm và tăng gia sản xuất từ trồng rau, củ đến nuôi gà, heo, bò, cá để cải thiện bữa ăn thêm chất dinh dưỡng. Với tinh thần, trách nhiệm, sự cảnh giác cao, từ đầu năm đến nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây đã ngăn chặn 19 vụ phạm pháp các loại.
Điển hình là phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Biên phòng và Công an tỉnh Long An triệt phá 6 đường dây vận chuyển trái phép ma túy xuyên biên giới, bắt 7 đối tượng cầm đầu, thu giữ 13.878,4786 gam ma túy; bắt 7 vụ với 7 đối tượng vận chuyển trái phép 142,3 kg pháo nổ, 1 súng phóng điện, 2 đầu đạn, 1 súng quân dụng với 7 viên đạn qua biên giới đưa vào nội địa, ngoài ra còn ngăn chặn hàng chục vụ buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép và trốn nã... Ngoài các mặt công tác, Đồn còn nhận phụng dưỡng cho bà Phan Thị Đặt, 80 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa.
Cũng có hơn chục năm chưa một lần đón Tết trọn vẹn bên gia đình, Thiếu tá Trương Đông Phi, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây chia sẻ. Anh sinh ra và lớn lên ở thị Xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Xã của anh nằm dọc tuyến đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia nên từ nhỏ anh thường ra đồn biên phòng chơi, cũng có khi lén lẽo đẽo theo sau tổ công tác phối hợp giữa công an, biên phòng, quân sự đi tuần tra phòng, chống tội phạm. Ngắm nhìn các anh khoác súng trên vai với phong thái uy nghi, bước đi rầm rập khiến các đối tượng tội phạm, kè xấu nhìn thấy từ xa cũng phải khiếp sợ thì Phi rất yêu thích.
Hình tượng ấy đã ngự trị trong Phi suốt quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường và đến cuối năm lớp 12, khi nhà trường thông báo đăng ký nguyện vọng thi đại học thì anh lập tức chọn Học viện Quân sự và sau khi tốt nghiệp, anh tình nguyện xin về đồn biên phòng công tác để thỏa ước mơ được khoác súng trên vai tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới và phòng, chống tội phạm để người dân được sống trong yên bình.
Khi công tác đã ổn định, Phi lập gia đình với một cô giáo viên, nhưng ngay từ cái Tết đầu tiên, anh đã giao toàn bộ công việc vừ chăm sóc cha mẹ già cho đến cơm, canh cúng tổ tiên cho vợ rồi biền biệt trên đồn chỉ cách nhà 1 giờ chạy xe gắn máy đến tận chiều mùng 5 Tết mới tranh thủ ghé về thăm gia đình khiến cho chị rất buồn. Để vợ hiểu tính chất công việc của chồng, Phi tranh thủ thời gian ngắn ngủi để giải thích, động viên cho đến lúc gà gáy, khi chị chìm vào giấc ngủ thì anh lại vội vã lên đường về đơn vị... “Vừa lên đến đồn thì vợ gọi điện thoại. Tưởng giận luôn, ai dè vợ cười giòn tan rồi vui vẻ bảo rằng em đã thông suốt rồi và rất tự hào có chồng là bộ đội biên phòng, anh cứ dành thời gian tập trung cho công tác thật tốt đi, nhất là các dịp lễ, Tết mà không phải bận tâm gì cả, việc chăm sóc cha mẹ, nhà cửa thì sau những giờ lên lớp, em sẽ tranh thủ về chăm lo...”.
Có được sự cảm thông của vợ cùng nguồn động viên của cha mẹ và ban chỉ huy đơn vị, Phi rất yên lòng và toàn tâm, toàn ý hoàn thành tốt công tác, góp phần đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, mang lại bình yên cho quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong năm 2024, Phi cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã thực hiện 672 lượt tuần tra bảo vệ biên giới, bảo vệ cột mốc, trong đó có 156 lần phối hợp với công an, quân sự của 3 xã Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Bình và Bình Hòa Hưng tuần tra phòng, chống tội phạm; phối hợp với công an, quân sự huyện Đức Huệ thực hiện 95 lượt tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự trên đường “tuần tra biên giới”; ngoài ra, còn thực hiện 546 lượt chốt chặn các đường mòn, lối mở để kịp thời đấu tranh với các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán trái phép chất ma túy, vật liệu nổ, vàng, ngoại tệ...
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/tet-voi-nhung-nguoi-linh-noi-bien-cuong-i754208/