Tết vui, cùng bay theo ròng rọc chuối xuất khẩu
Tết này 250 gia đình công nhân trang trại chuối ở Vụ Bổn- xã vùng nghèo sâu Tây Nguyên ăn tết vui tươi đầm ấm, vì đã có mức lương 'lý tưởng' và giao thông thuận lợi hơn mọi xuân trước.
Ngày giáp tết, ông Hồ Thái Bình-Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần KD Green Farm đưa ông Mai Đình Thọ-Phó bí thư huyện ủy Krông Pắk và phóng viên Tiền Phong đi thực tế dự án trồng chuối xuất khẩu.
Xưa nay vẫn bị mang tiếng là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, Vụ Bổn- một trong những xã nghèo vùng sâu của huyện Krông Pắk hầu hết cư dân là đồng bào di cư tự do người Cao Lan, Tày, Nùng, Xê Đăng, Vân Kiều, Dao, Mông… quanh năm chật vật gánh nặng mưu sinh.
Cuộc sống của 250 hộ nghèo ở xã này đã thay đổi từ khi dự án của Công ty Cổ phần KD Green Farm triển khai thành công, với giống chuối Cavendish Nam Mỹ. Giữa vườn chuối xum xuê hoa trái, Phó tổng giám đốc Hồ Thái Bình cho biết đây là dòng chuối tốt nhất về chống chịu dịch bệnh, hương vị thơm ngon, mỗi buồng quả nặng bình quân 15-18kg. Đợt đầu, từ tháng 4/2019 đến ngày cuối năm riêng thị trường Trung quốc Công ty đã xuất khẩu thuận lợi 3.700 tấn chuối. Hiện đang chuẩn bị xuất khẩu đợt 2 theo đường chính ngạch.
Hàng trăm công nhân đang làm việc khi trò chuyện với phóng viên, ai cũng vui vẻ. Rất nhiều phần việc khác nhau trong trang trại chuối hiện đại rộng mênh mông này. Công nhân trong vườn thì chọn chuối đủ độ già để cắt, quấn nilon tránh sây xước, treo chuối vào móc của hệ thống ròng rọc tổng chiều dài lên tới 15 km. Mỗi “toa” đều có một công nhân cùng “bay” theo chuối để bảo đảm đường chuyền thông suốt khi chạy về nhà sơ chế.
Tại khu sơ chế, buồng chuối được cắt thành từng nải, qua 4 bể rửa, phân loại, kiểm tra, cân đủ 13 kg chuối cho mỗi thùng, hong khô, xếp xốp, bao lót đóng gói cẩn thận trước khi chuyển vào kho lạnh bảo quản. 250 nông dân địa phương đã được nhận vào làm việc tại đây với mức lương từ 4,7- 5,3 triệu đồng/người/tháng. Một nhóm nữ công nhân đang vui vẻ cơm trưa cho biết mức thu nhập này ở xã vùng sâu là rất tốt, “đủ giúp gia đình chúng tôi có cuộc sống ổn định”.
Ông Mai Đình Thọ-Phó bí thư huyện ủy huyện Krông Pắk đặc biệt khâm phục ý chí kiên cường, vượt mọi trở ngại để xây dựng thành công dự án nông nghiệp hiện đại ở xã vùng sâu này của bà Lê Thị Mỹ Hạnh- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KD Green Farm. “Một phụ nữ đẹp người Hà Nội, vào tận buôn Kré ăn ở dài ngày với đồng bào và anh em công nhân, xử lý tốt đủ mọi thách thức, rất đáng nể”- Ông Thọ nói.
“Đủ mọi thách thức” là thế nào? Bà Lê Thị Mỹ Hạnh cho biết: Giai đoạn đầu quá nhiều khó khăn, đã có thành viên rút vốn vì không tin dự án có thể thành công. “Điện phải tự kéo, nước phải tự lấy, đường phải tự làm. Bơ vơ, hoang mang, tự xoay xở. Giờ thì tuyệt vời luôn.”
Thử thách lớn nhất, khó nhất là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm với chất lượng cao cấp, bền vững, giá cả phù hợp cho người tiêu dùng, chúng tôi đã làm được. Mới xuất khẩu một vụ, hàng công ty đã bị làm nhái, chúng tôi vừa đấu tranh thành công ở Quảng Tây , giờ đến Thượng Hải. Dự kiến sẽ thu hồi được vốn từ vụ thu hoạch thứ tư. Trong 153 container xuất khẩu vụ một, có 1 con đi Sing, 1 con đi Hàn, còn lại đều xuất qua Trung Quốc, tất cả chính ngạch. Hiện đơn hàng nhiều và rất lớn, Công ty chưa đáp ứng nổi nên sắp tới sẽ tăng nhanh diện tích từ 100ha lên 500ha.”- Bà Mỹ Hạnh hào hứng chia sẻ.
Ông Lê Viết Nhượng-Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn khẳng định đây là "dự án thành công tuyệt vời" cho xã nghèo có 14 dân tộc, hơn 18 nghìn dân toàn đồng bào di cư tự do, tới nay vẫn còn 9 thôn buôn đặc biệt khó khăn. "Nhờ dự án chuối xuất khẩu, tết này 250 hộ nông dân ăn tết vui vẻ, ấm no hơn mọi tết trước"-Ông Nhượng phấn khởi cho biết.