Thả bóng bay và những nỗi buồn ngày khai giảng

'Thả bóng bay lên trời, bay cao ước mơ của học sinh, giết chết ước mơ của chim và rùa biển' - thông điệp của cô bé lớp 6 - Nguyệt Linh - nhắn gửi.

Nguyệt Linh có mong muốn viết thư gửi đến các trường tại Hà Nội về việc không thả bóng bay trong ngày khai giảng. Nhận thấy ý tưởng của con nhân văn, ý nghĩa với môi trường, gia đình đã ủng hộ và động viên con.

Cô bé tìm địa chỉ email của hiệu trưởng các trường học ở Hà Nội, tự đánh máy và gửi thư đến 40 nơi khác nhau.

Tuy nhiên, đến tối ngày 26/7, bà Lê Nguyệt - mẹ của Nhật Linh - cho hay sau 2 ngày, con nhận được 5 email phản hồi hứa sẽ hạn chế hoặc không thả bóng bay lên trời, thư đến từ các trường Marie Curie, Pascal, Bill Gates, Việt Úc, Jean Piaget. Dư luận đặt ra câu hỏi tại sao lại chỉ có các trường tư thục trả lời, các trường công lập khác thì sao?

Thả ước mơ xanh, đừng thả bóng bay

Mẹ Nhật Linh cho biết bà rất cảm động khi thầy hiệu trưởng trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang đã viết thư cho Linh và nói lễ khai giảng năm nay sẽ mang tên cô bé để lan truyền cảm xúc.

“Có lẽ sẽ rất ít ngôi trường nào lại tình cảm, tôn trọng học trò như vậy” - bà Lê Nguyệt nói. Trên mạng xã hội, nhiều người đặt câu hỏi, nếu Nhật Linh là học sinh trường công lập có lẽ bức thư của em rơi vào… quên lãng.

Bóng bay là hình ảnh quen thuộc trong ngày lễ khai giảng. Ảnh: H.H.

Bóng bay là hình ảnh quen thuộc trong ngày lễ khai giảng. Ảnh: H.H.

Bạn Đinh Nhàn bình luận: "Đọc bức thư của Linh thấy rất khâm phục vì ít học sinh nào tự tin gửi thư cho hiệu trưởng, qua đó có thể thấy học sinh trường dân lập được tự tin thể hiện quan điểm cá nhân và được tôn trọng. Nếu là học sinh trường công, có lẽ bức thư sẽ không được phản hồi, chứ chưa nói đến việc thầy hiệu trưởng đặt tên em cho lễ khai giảng năm học mới là điều không thể có".

Bạn Quang Đăng cho rằng ở các nước phát triển, chuyện hiệu trưởng trả lời, tôn trọng học sinh là điều đương nhiên. Nhưng có lẽ nhiều hiệu trưởng còn quan tâm đến chuyện lớn quá mà không để ý đến "chuyện nhỏ".

Ngay sau khi mạng xã hội đăng tải bức thư của Nguyệt Linh, nhiều người đồng tình, ủng hộ cùng lan tỏa thông điệp với ý nghĩa thả ước mơ, xin đừng thả bóng bay.

Bạn Lê Nguyễn bày tỏ ngày nhỏ, mỗi dịp khai giảng khiến trẻ em háo hức nhất là thả bóng bay khi nhìn thấy màu sắc rực rỡ bay lên trời cao, cùng bao ước mơ, hoài bão. Đứa trẻ nào cũng sẽ nghĩ gió, mây sẽ đưa bóng bay đi xa. Nhưng đến khi đọc được thư của Nguyệt Linh, bạn Lê Nguyễn mới hiểu ra rằng bầu trời không cất giữ được bóng bay, chúng sẽ theo gió, rơi xuống biển, ra ao hồ, làm hại đến bao sinh vật. Vậy thực chất bóng bay không làm nên ước mơ của học sinh mà chỉ là hình thức, làm vật trang trí mà thôi.

Đồng tình với ý kiến này, thành viên Thanh Huyền viết: "Bớt đi một quả bóng bay không góp phần làm tan tành ước mơ của ai nhưng tăng thêm một quả đồng nghĩa với thêm nguy cơ giết đi sinh vật".

Từ bức thư của học sinh lớp 6 trường Marie Curie, cộng đồng mạng cùng kêu gọi các chiến dịch khai giảng không thả bóng bay mà trồng cây, giảm thiểu dùng túi nylon, đồ nhựa. Từ đó, hy vọng lớp trẻ sẽ bảo vệ được Trái Đất và nguồn tài nguyên trong tương lai.

Khai giảng thế nào cho ý nghĩa?

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội, đã thẳng thắn thừa nhận việc thả bóng bay ở lễ khai giảng, nhiều sự kiện ở trường và các nơi khác đã thành thói quen “sang trọng”, nhưng không mấy ai nghĩ đến hệ lụy mà cô học trò nhỏ đề cập trong thư.

Từ câu chuyện này, nhiều người liên tưởng đến những “nỗi buồn” trong ngày khai giảng để làm cho ngày lễ “sang trọng” hơn.

Bức thư của học sinh Nguyễn Nguyệt Linh. Ảnh: NVCC.

Bức thư của học sinh Nguyễn Nguyệt Linh. Ảnh: NVCC.

Trên Facebook, khi lan tỏa bài viết của Nguyệt Linh, nhà báo Trương Anh Ngọc ủng hộ việc đơn giản hóa ngày khai giảng. Ông đề xuất: “Ngày đầu tiên đi học là ngày khai giảng, không thể có chuyện học cả tháng rồi mới khai giảng. Cách khai giảng khi trời nóng, tập đội hình, diễu hành hàng tuần trời chỉ làm khổ thầy cô và học sinh”.

Trong bài viết của mình trước đó, nhà báo bày tỏ không mong muốn nhà trường sẽ tổ chức một lễ khai giảng đơn thuần là vì mục đích hình thức như bao lễ lạt chúng ta đã thấy nhan nhản hàng ngày trên báo hoặc tivi, để các lãnh đạo đọc diễn văn và hứa hẹn thành tích (luôn là thế), để quay phim chụp ảnh là không cần thiết.

Sự ham mê với kiến thức của đám trẻ, tình yêu trường lớp của học sinh không phải ở ngày khai giảng hoành tráng đến đâu, mà ở việc các em được học thế nào, bạn bè và cô giáo cũng như chương trình học ra sao.

Đồng tình với ý kiến trên, nhiều thành viên cho hay lễ khai giảng đã diễn ra lâu nay và bị biến tướng. Học sinh học chính khóa cả tháng trước khai giảng và ngày lễ này chỉ còn là hình thức.

"Để khai giảng ý nghĩa không nên cho học sinh đi học trước. Đồng thời nhà trường cần tổ chức ngày lễ gọn nhẹ, ý nghĩa, phần lễ ít mà hội nhiều để trẻ em được vui chơi trong ngày lễ của mình" - bạn Quỳnh Trang viết.

Bình Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tha-bong-bay-va-nhung-noi-buon-ngay-khai-giang-post971317.html