Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc: Mọi việc phải đi từ gốc giá trị
Từng có nhiều dấu ấn về giáo dục khi đạt giải Nhất giáo viên Ứng dụng CNTT trong giảng dạy của Bộ giáo dục & Đào tạo năm 2015, tạo lan tỏa tích cực với dự án 'Học văn để sống', với lớp học Hoa táo…, thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc, một thành viên trẻ trong nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn bậc THCS (bộ sách Chân trời sáng tạo) đã chia sẻ nhiều điều thú vị xung quanh câu chuyện văn chương và giáo dục.
- Hiện nay có đến ba nhóm làm Sách giáo khoa (SGK), phá vỡ thế độc quyền trước đây. Vậy những người làm sách sẽ gặp khó khăn hay thuận lợi nhiều hơn?
- Thuận lợi đầu tiên là các nhóm tác giả được chủ động tiếp cận chương trình. Mỗi bộ SGK có tinh thần, triết lí riêng, thể hiện ngay từ cái tên của bộ sách. Do đó, SGK sẽ đa dạng hơn về ngữ liệu, về cách tiếp cận (dĩ nhiên vẫn dựa trên chuẩn chung - chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, chương trình tổng thể).
Thuận lợi thứ hai, so với chương trình 2006, việc thay đổi SGK của GDPT 2018 có chương trình chi tiết cụ thể hóa chương trình cần đạt, có đường phát triển năng lực, tạo một khung chung nên vẫn có sự thống nhất ở đầu ra và tiến trình phát triển năng lực của học sinh có thể thấy rõ ràng trong từng năm học. Trên tiến trình đó, đường năng luực của học sinh ở 4 trục chính là đọc, viết, nói, nghe cũng được phát triển lên. Lần này, tác giả SGK có một chuẩn đầu ra chung để xây dựng chương trình, mọi thứ không bị mơ hồ nên đa dạng mà vẫn thống nhất được những yêu cầu cần đạt ở chương trình.
Thứ ba nữa, đợt viết sách này, tiếng nói của những người trực tiếp dạy chương trình được chú trọng hơn. Rất nhiều bộ sách có sự tham gia của giáo viên viết sách, tạo nên sự kết nối chặt chẽ hơn giữa người biên soạn và người dạy. Để những người trực tiếp dạy có cơ hội tham gia làm sách giáo khoa sẽ giúp cho quá trình thiết kế sách gần với nhà trường, học sinh hơn. Trước đây những người làm SGK không tham gia giảng dạy và người đi dạy thì không có thông tin gì về việc làm sách cho đến khi sách ra đời. Rõ ràng việc có nhiều bộ sách, có sự tham gia của giáo viên phổ thông trong quá trình viết sách sẽ tạo nên sự đa dạng cho nội dung những bộ sách.
Thuận lợi thứ 4, khi các tác giả viết sách giáo khoa chung một nhóm hỗ trợ qua lại lẫn nhau, chung một tinh thần, triết lí cho bộ sách, cộng tác với nhau trong tiến trình làm sách tạo ra sự gắn kết trong đội ngũ tác giả viết sách. Sự gắn kết ấy là cơ hội để các tác giả cùng học hỏi, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong quá trình thực hiện cuốn sách.
- Vậy những khó khăn trong quá trình làm sách là gì?
- Chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là về tư duy để xây dựng chương trình, các tác giả vẫn chưa được đào tạo bài bản. Dù Nhà xuất bản và Bộ có những chương trình tập huấn cho các tác giả, tuy nhiên quá trình làm đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, có những kỹ năng cần phải có một nền tảng thời gian trước đó để phát triển chứ không thể có trong một thời gian hạn định được. Khó khăn thứ hai là về tiến độ làm sách. Thời gian cũng là một sức ép với các tác giả. Để đảm bảo được chất lượng sách trong thời gian như hiện nay đòi hỏi các tác giả nỗ lực đầu tư rất nhiều về công sức lẫn thời gian.
- “Lớp học Hoa táo” của cô giáo Minh Ngọc khiến tôi nhớ tới câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ…
- Đúng là lớp học Hoa táo được gợi cảm hứng từ câu thơ của Lưu Quang Vũ: “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước lại trong veo đến thế…”. Tôi luôn muốn chuyển tải thông điệp yêu thương cuộc sống qua môn Văn, qua lớp học của tôi.
Quan điểm của tôi về việc học - học hay sống cũng là quay về để thiết lập những giá trị. Mỗi lớp học là sự trao đi một giá trị nào đó. Giá trị là gốc rễ, thậm chí là tiêu chí để mình lựa chọn làm hay không làm một điều gì đó, tại sao mình không đi con đường này mà lại đi con đường khác? Thực ra đó là phương hướng cho chúng ta lựa chọn. Thực ra, cuộc sống là kết nối của những sự lựa chọn. Cho nên, từ gốc giá trị đó mới hình thành nên năng lực, kỹ năng tựa như thân, cành. Và những gì có thể thấy như điểm, số, thành tích, sản phẩm của học sinh nó như quả. Lá, cành hay quả đều là những phần rất dễ nhìn thấy. Điều quan trọng nhất, để đi đến thành tựu phải là quá trình mà người học cần hiểu được và trả lời được câu hỏi Tại sao? Tại sao mình phải học? Tại sao giáo viên phải phát triển chuyên môn?
Xét cho đến cùng, con người mình làm mọi thứ trước hết phải vì mình đã. Trước khi nghĩ chuyện tôi phát triển chuyên môn vì học sinh của tôi, bản thân tôi nghĩ phải phát triển chuyên môn vì tôi coi chuyên môn như thước đo, chứng nhận của tôi trong nghề giáo, đó là niềm tự tin của tôi trong nghề - đấy là trước hết vì tôi đã chứ? Cũng như việc tôi mở lớp học Hoa táo, trước hết là vì muốn hướng tới những nguyện vọng của mình.
Một khi mọi chuyện đều đi từ gốc, hiểu rõ và trân trọng gốc rễ ấy thì thành quả của nó trước sau gì cũng sẽ tới. Chỉ có điều nó sẽ tới sớm hay muộn, theo kiểu tức thời hay là một tiến trình bền vững? Đa số chúng ta hay tập trung vào những yếu tố bên ngoài, những thành tựu dễ thấy nhưng thực sự nó sẽ quay về bên trong. Nếu không quay về bên trong thì lại phải đặt câu hỏi Tại sao? Động lực nào làm công việc này? Tại sao phải làm việc ấy?
- Là cô giáo thế hệ 8x, chị có bị áp lực với thành công?
Những thành công tôi đạt được trong môi trường giáo dục ở Sài Gòn không phải bỗng dưng mình đạt được. Đằng sau đó là một hệ thống, những thành quả mà cá nhân tôi hay các thầy cô có thể đạt được là tác động của cả một hệ thống tiến bộ. Do đó những cái tôi có thể làm thành công ở Sài Gòn chưa chắc dã thành công ở một vùng đất khác. Và kể cả ở Sài Gòn, không phải trường nào cũng có những kết quả như nhau trong giảng dạy, học tập. Cụ thể, nếu tôi không dạy ở trường Đinh Thiện Lý, chưa chắc dự án “Học văn để sống” đã thành công.
Những cái tôi đã làm được, nếu được coi là có giá trị thì phần nhiều đang là vinh quang trong quá khứ mà tôi không muốn “ăn mày quá khứ”. Do đó, hiện tại tôi cảm nhận được nhiều khó khăn. Trước hết, rõ thấy nhất là tư duy quản lý khác tư duy chuyên môn. Từ trước đến nay tôi chỉ làm chuyên môn nhưng hiện nay lại nhận nhiệm vụ quản lý. Đó là thử thách đối với tôi. Sự kì vọng của nhà trường và bản thân dành cho nhau vừa là động lực, đồng thời cũng là thử thách nữa. Tôi không có thói quen nói trước những điều mình sẽ làm mà tập trung vào công việc trước đã. Làm xong rồi nói, làm ổn mới chia sẻ vốn dĩ là tính cách của tôi từ trước đến giờ.
- Cảm ơn chị đã chia sẻ.