Thạch An nỗ lực giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, huyện Thạch An triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững. Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đầu tư kết cấu hạ tầng… phục vụ sản xuất.

Được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, đầu năm 2023, gia đình bà Vũ Thị Biên, xóm Nà Tục, xã Đức Xuân đầu tư xây mới căn nhà cấp 4 kiên cố. Ngoài làm nhà ở, gia đình bà còn được hỗ trợ bò và lợn nái sinh sản từ CTMTQG giảm nghèo bền vững. Bà Biên chia sẻ: Có nhà ở ổn định, gia đình tôi yên tâm sản xuất, điều kiện sống được cải thiện. Hiện lợn nái đẻ được 7 con, bò phát triển tốt. Năm nay, gia đình tôi đã thoát nghèo.

Nhằm cải thiện sinh kế, nâng cao tiêu chí thu nhập, các địa phương đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ sản xuất cho người dân. Ông Nông Huy Công, xóm Pác Khoang, xã Đức Xuân cho biết: Gia đình tôi được hỗ trợ 1,6 tấn phân bón, trị giá gần 9 triệu đồng để bón cho 2 ha cây hồi. Được tăng cường bón phân và hướng dẫn khâu chăm sóc, làm cỏ, phòng trừ dịch bệnh, cách thu hái, bảo quản sản phẩm… nên cây hồi phát triển tốt, cho năng suất, sản lượng cao. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại, ngoài diện tích được hỗ trợ, gia đình chủ động mua phân bón cho hơn 1 ha hồi còn lại. Năm được mùa, gia đình thu gần 5 tấn hoa hồi, với giá bán 40 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình thu trên 120 triệu đồng.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) triển khai hỗ trợ nguồn lực cho người dân phát triển sản xuất gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Thu Hường, xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân chia sẻ: Phát huy thế mạnh địa phương về sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây trồng đặc trưng, đặc hữu. Gia đình tôi mở cơ sở sản xuất, chế biến thạch. Tiếp cận Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), gia đình tôi được tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm… Năm 2022, sản phẩm thạch đen của gia đình đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, lượng tiêu thụ đạt từ 500 - 900 hộp/ngày, chủ yếu cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng trị. Ngoài thạch đen, cơ sở còn kết nối giới thiệu, bán các sản phẩm lạp sườn, thịt trâu khô, thịt hun khói, bánh khảo, khẩu sli, măng, miến… tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nông Huy Công, xóm Pác Khoang, Đức Xuân (Thạch An) chăm sóc vườn hồi.

Ông Nông Huy Công, xóm Pác Khoang, Đức Xuân (Thạch An) chăm sóc vườn hồi.

Bám sát kế hoạch của tỉnh, trong năm 2023, huyện chỉ đạo thực hiện hiệu quả các CTMTQG, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phấn đấu giảm hộ nghèo trên 5% đi đôi với việc đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế cho người dân. Chủ tịch UBND huyện Thạch An Nông Thế Phúc cho biết: Trên cơ sở nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững được giao, UBND huyện tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, trong đó tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đến ngày 5/12/2023, huyện giải ngân vốn đầu tư đạt 90% kế hoạch; giải ngân vốn sự nghiệp đạt 47,74% kế hoạch; giảm 512 hộ nghèo, đạt 6,31%; giảm 103 hộ cận nghèo, đạt 1,26%.

CTMTQG xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc, bình quân tiêu chí NTM toàn huyện đạt 12,5 tiêu chí/xã. Có 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt 15 tiêu chí; 10 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Có 1 xã đạt 7 tiêu chí và 21 xóm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021 - 2025.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2024, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh triển khai tốt các chương trình MTQG ở địa phương; ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện nhiều mô hình, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững; tăng cường huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, xã, thị trấn khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thiện hồ sơ trình; mua sắm vật tư, con giống cấp phát cho nhân dân. Thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để có sự điều chỉnh kịp thời.

Đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự tham gia, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cũng như lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình khác tạo nguồn lực đủ mạnh thực hiện thành công CTMTQG xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thái Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thach-an-no-luc-giam-ngheo-xay-dung-nong-thon-moi-3166554.html