Thách thức bảo tồn di sản đô thị
Hai thập niên qua, công tác bảo tồn di sản đô thị luôn được giới khoa học và công chúng quan tâm. Cũng bởi cùng với sự phát triển, quá trình đô thị hóa, nhiều di sản vật thể và phi vật thể của đô thị bị mai một. Kể cả những di sản, di tích cấp quốc gia.
Chúng ta đều biết, những đô thị như Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bị thay đổi quá nhiều. Hình dáng của phố cổ, biệt thự cổ và những con dốc vắng đã làm nên hồn cốt của hai đô thị du lịch này bị mai một quá nhiều, thậm chí ở Sa Pa chỉ còn rất ít. Nhưng với hai siêu đô thị như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nếu không có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng để di sản được gìn giữ, phát huy giá trị, thì những giá trị cả vật chất và tinh thần ấy cũng sẽ mất dần theo thời gian, tỷ lệ nghịch với những tòa cao ốc, dù di sản ấy đã được công nhận.
Đã có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo liên quan đến công tác bảo tồn. Thậm chí là tọa đàm trong bối cảnh di sản bị xâm phạm hoặc có nguy cơ biến mất. Mới đây, một hội thảo lớn diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, cho thấy vấn đề này tiếp tục được bàn thảo sâu, trở thành một vấn đề lớn. Nhiều nghịch cảnh được nêu ra tại đây như việc phá di sản: dãy nhà xưởng có tuổi thọ trăm năm dọc kênh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé đã hy sinh cho sự hình thành đại lộ Đông Tây, và gần đây nhất là trường hợp di tích lịch sử Ba Son, thương xá Tax và hầu hết những công trình khảo cổ học công nghiệp, các công trình hạ tầng đã trở thành biểu tượng của các khu vực như bùng binh, cầu sắt cổ, tháp nước… cũng bị xâm hại.
Theo TS. Nguyễn Thị Hậu, tại TP. Hồ Chí Minh do áp lực của quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa nên việc cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển đang là một bài toán khó cho các nhà quản lý, đặc biệt thấy rõ trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc.
Giám đốc Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, cho rằng di sản đô thị có giá trị lịch sử, văn hóa, tạo dựng thương hiệu trong suốt quá trình hình thành, phát triển của một đô thị. Di sản ấy còn tạo ra nơi chốn, những dấu tích và cảnh quan gắn bó, ăn sâu vào tâm thức của người dân và du khách.
Mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế chưa bao giờ là một câu chuyện đơn giản. Do rất nhiều yếu tố khiến di sản mất đi, một phần là do khách quan. Cùng đó có nhiều nguyên nhân chủ quan do bảo tồn theo kiểu ăn xổi, sự thiếu hiểu biết của người dân và chính quyền, việc lấn chiếm di tích có giá trị để xây dựng. Muốn bảo tồn được thì phải hiểu di sản. Nhưng vướng mắc lúc này là nước ta vẫn chưa có một danh sách và lý lịch đầy đủ về các di sản, di tích văn hóa - lịch sử - kiến trúc. Phải làm sao xây dựng được hệ thống lý lịch của di tích, để không chỉ nhà khoa học, mà người dân cũng hiểu, từ đó chung tay gìn giữ, bảo tồn.
Nhiều chuyên gia chỉ ra, nếu gắn kết di sản với phát triển đô thị sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở các lợi ích lâu dài và bền vững của cộng đồng, việc phát triển kinh tế đô thị và bảo tồn di sản văn hóa truyền thống có mối quan hệ mật thiết theo hướng hỗ trợ và thúc đẩy nhau phát triển.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, để di sản được bảo tồn tốt thì giá trị của chúng cần được công nhận trên phạm vi rộng. Việc quy hoạch phát triển đô thị, nhất là quy hoạch xây dựng cần phải được làm chặt chẽ hơn, tránh để cao ốc “nuốt” hết tầm nhìn của di tích, di sản. Điều này phụ thuộc vào sự hiểu biết của nhà quản lý trong hoạch định bảo tồn và định hướng cho cộng đồng.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/thach-thuc-bao-ton-di-san-do-thi-94062.html