Thách thức chính với tân Tổng thư kí NATO
Những thách thức về mối quan hệ với Mỹ, căng thẳng với Liên minh châu Âu, xung đột Nga - Ukraine và áp lực tăng chi tiêu quốc phòng sẽ là phép thử cho khả năng lãnh đạo của tân Tổng Thư kí NATO.
Theo trang tin châu Âu Euronews.com ngày 1/10, ông Mark Rutte, cựu Thủ tướng Hà Lan, vừa nhậm chức Tổng thư ký NATO vào thời điểm tổ chức này đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức cả mới lẫn cũ. Với hơn một thập kỷ kinh nghiệm lãnh đạo Chính phủ Hà Lan, ông Rutte được kỳ vọng sẽ sử dụng kỹ năng quản lý, xây dựng liên minh của mình để giải quyết các vấn đề phức tạp mà NATO đang gặp phải. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu ông có đủ khả năng để đối phó với những thách thức hiện tại và tương lai không.
Một trong những thách thức lớn nhất mà ông Rutte phải đối mặt chính là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11 năm nay, trong đó cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những ứng viên hàng đầu. Việc ông Trump có thể tái đắc cử đã gây ra lo ngại lớn trong NATO, bởi ông đã từng thể hiện thái độ thờ ơ với việc hỗ trợ Ukraine cũng như sự cam kết với liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương. Ông Trump cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các nước châu Âu cần tăng cường chi tiêu quốc phòng, tạo ra những căng thẳng trong liên minh.
Tuy nhiên, điểm sáng cho tân Tổng Thư kí NATO là ông từng có mối quan hệ tốt với cựu Tổng thống Trump khi còn giữ chức Thủ tướng Hà Lan. Nhà phân tích Oana Lungescu nhận định rằng khả năng ông Rutte giữ thái độ cứng rắn nhưng thực tế trong việc hợp tác với ông Trump có thể mang lại lợi ích cho NATO nếu Trump đắc cử. Ông Rutte sẽ phải duy trì được sự ủng hộ của Washington, bất kể ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Một trong những nhiệm vụ khó khăn khác của ông Rutte là điều chỉnh mối quan hệ giữa NATO và Liên minh châu Âu (EU). Dưới thời Tổng thư ký tiền nhiệm Jens Stoltenberg, mối quan hệ giữa hai tổ chức này đã trở nên căng thẳng khi EU tìm cách xây dựng các cấu trúc phòng thủ riêng. Việc bổ nhiệm ủy viên quốc phòng của EU gần đây đã khiến ông Stoltenberg phản ứng mạnh mẽ, lo ngại rằng điều này có thể trùng lặp với vai trò của NATO.
Ông Rutte, với kinh nghiệm từng là thành viên của Hội đồng châu Âu, có thể giúp hàn gắn mối quan hệ giữa hai bên. Một số chuyên gia như Sophia Besch cho rằng nhiệm vụ này của ông Rutte không dễ dàng, bởi NATO và EU vẫn còn nhiều bất đồng về vai trò và trách nhiệm trong lĩnh vực phòng thủ. Tuy nhiên, ông Rutte có thể tận dụng kinh nghiệm chính trị và kỹ năng ngoại giao của mình để khôi phục sự hợp tác giữa hai tổ chức này.
Bên cạnh đó, cuộc chiến ở Ukraine là vấn đề trọng tâm mà NATO phải đối mặt. Dưới sự lãnh đạo của ông Stoltenberg, NATO đã tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev và ông Rutte cũng cam kết sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ Ukraine khi nhậm chức. Tuy nhiên, việc duy trì sự thống nhất trong NATO về vấn đề này sẽ không dễ dàng, đặc biệt khi nhiều nước thành viên ở Đông Âu đang kêu gọi tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ.
Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, NATO đã tăng gấp đôi số lượng quân ở các quốc gia thành viên sườn phía Đông, nhưng các nước này vẫn muốn có thêm lực lượng và vũ khí, đặc biệt là hệ thống phòng không. Đây sẽ là một bài toán khó mà ông Rutte phải giải quyết, khi các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có thể không sẵn sàng tăng thêm chi phí và quân sự cho sườn phía Đông NATO.
Vấn đề ưu tiên nữa của ông Rutte là đảm bảo các nước thành viên NATO đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng. Hiện tại, chỉ có 23 trong số 32 quốc gia thành viên đạt mục tiêu chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, con số này có thể cần tăng lên 2,5% để đảm bảo an ninh trước các thách thức từ Nga và sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Với khả năng lãnh đạo và kinh nghiệm trong việc quản lý các liên minh phức tạp, ông Rutte được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đồng thuận trong NATO về vấn đề chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, ông cũng phải đối mặt với sự phân hóa giữa các nước thành viên, khi một số quốc gia có thể không muốn tăng thêm ngân sách cho quân sự.