Thách thức của Canada trên con đường trở thành siêu cường kinh tế

Trong khi Canada có thể vượt xa sự mong đợi về độ phổ biến trong lĩnh vực âm nhạc toàn cầu, thì đất nước này lại bị 'áp đảo' về mặt kinh tế trên trường quốc tế, so với tiềm năng to lớn có sẵn.

Ngân hàng Trung ương Canada (BoC). Ảnh: Reuters

Ngân hàng Trung ương Canada (BoC). Ảnh: Reuters

Theo tờ Financial Times, Canada hiếm khi được đưa tin trên toàn cầu. Nếu có, thông tin thường liên quan đến thành tích của các nghệ sĩ giải trí của nước này, như ca sĩ Justin Bieber, Céline Dion và Drake. Đối với một đất nước có khoảng 40 triệu dân, gần bằng dân số bang California (Mỹ), đó không phải là một kết quả tồi khi xét trên mức độ “người nổi tiếng”. Điều đáng nói là trong khi Canada có thể vượt xa sự mong đợi về độ phổ biến trong lĩnh vực âm nhạc toàn cầu, thì đất nước này lại bị “áp đảo” về mặt kinh tế trên trường quốc tế, so với tiềm năng to lớn có sẵn.

Tính theo diện tích đất, Canada là quốc gia lớn thứ hai trên toàn cầu với đường bờ biển dài nhất thế giới. Được bao bọc bởi các đại dương, bao gồm cả Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, Canada có lợi thế thương mại to lớn, bên cạnh khả năng tiếp cận Bắc Cực, một vùng đất tiềm năng chưa được khai thác ở phía bắc. Canada là nước xuất khẩu năng lượng ròng, sở hữu trữ lượng dầu đã được xác nhận là lớn thứ ba thế giới và là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ năm thế giới. Không những vậy, đây còn là quốc gia có trữ lượng lớn các khoáng chất quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Và hơn nữa, Canada còn là quốc gia láng giềng, tiếp giáp với Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Xét theo bất kỳ khía cạnh nào, vị trí địa lý của Canada cho thấy đây có thể là một siêu cường kinh tế. Nhưng rất ít ý kiến nhận định về nước này theo cách như vậy. Đánh giá theo sức mua tương đương, nền kinh tế Canada xếp hạng thứ 15 trên toàn cầu về quy mô, sau Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Mexico. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Canada đến năm 2060 sẽ ở mức thấp nhất trong số các quốc gia tiên tiến.

Thực tế, Canada đã “bùng nổ” vào đầu thế kỷ XX khi các khu định cư phát triển, quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ và liên tiếp nhiều khoản đầu tư nước ngoài từ Anh và Mỹ đổ vào nước này. Năm 1904, Thủ tướng Canada Wilfrid Laurier tuyên bố “thế kỷ XX sẽ là thế kỷ của Canada và sự phát triển của Canada”. Tuy nhiên, sự mở rộng sau Chiến tranh thế giới thứ hai (WWII) đã nhường chỗ cho thời kỳ lạm phát cao, thâm hụt ngân sách gia tăng và giá hàng hóa thấp. Kinh tế Canada đã lâm vào sự “trượt dốc” khó có thể “hãm phanh”. Báo cáo Thế giới năm 2050 của công ty kiểm toán PwC dự báo thứ hạng kinh tế toàn cầu của Canada sẽ tụt xuống vị trí thứ 22 vào giữa thế kỷ này. Trong đó, năng suất kém là trung tâm của những thách thức tăng trưởng mà nước này đang gặp phải.

Trung bình, trong một giờ, một công nhân Canada chỉ sản xuất được hơn 70% những gì người Mỹ có thể làm được – thấp hơn năng suất tại Khu vực đồng euro (Eurozone) và thậm chí cả ở Vương quốc Anh, dựa trên dữ liệu năm 2022. Nhiều người đã kỳ vọng nền kinh tế giàu tài nguyên của Bắc Mỹ sẽ được hưởng lợi khi quá trình toàn cầu hóa trở nên mạnh mẽ, nhưng năng suất lao động của Canada đã suy giảm kể từ năm 2000. Một dấu hiệu tích cực là Canada đã nỗ lực theo đuổi các thỏa thuận thương mại tự do. Nước này hiện là thành viên thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) duy nhất có các thỏa thuận thương mại đang còn hiệu lực với tất cả các thành viên G7 khác. Nhưng Canada đã không thể tận dụng được điều đó. Phó giám đốc khu vực Bắc Mỹ Stephen Brown tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, cho biết: “Hai trong số những động lực tăng trưởng kinh tế chính trước đây của Canada, bao gồm tài nguyên thiên nhiên và sản xuất, đã gặp khó khăn trong việc mở rộng trong những năm gần đây, do sự kết hợp giữa bối cảnh pháp lý phức tạp hơn và sự cạnh tranh gia tăng từ nước ngoài”.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm về năng suất và thịnh vượng của trường đại học kinh tế HEC Montreal cho rằng ngành công nghiệp Canada không đủ mạnh để cạnh tranh toàn cầu. Thật vậy, diện tích rộng lớn, địa hình miền núi và luật pháp cấp tỉnh của đất nước có thể cản trở sự cạnh tranh, đầu tư và đổi mới giữa các công ty trong nước. Hội đồng Kinh doanh tỉnh Alberta ước tính các rào cản thương mại tương đương với mức thuế 6,9% đánh vào hàng hóa. Các biện pháp bảo hộ hàng đầu thường dành ưu đãi cho ngành công nghiệp nội địa Canada.

Ngoài ra, Canada còn là một trong những quốc gia có mật độ dân số thấp nhất thế giới. Tỷ lệ sinh của nước này đang giảm mạnh, dẫn đến không đủ lao động để tận dụng tiềm năng kinh tế của đất nước. Các ưu tiên của chính phủ cũng có thể khác với các ưu tiên của các nước khác. Canada xếp hạng cao về các chỉ số y tế, giáo dục và mức độ hài lòng với cuộc sống. Các thành phố hàng đầu, như Calgary, Vancouver và Toronto, được coi là những thành phố tốt nhất để sống trên thế giới. Và Canada luôn được xếp hạng là một trong số những điểm đến hàng đầu cho người di cư. Sự hấp dẫn của Canada như một nơi để sống và sự cởi mở đối với người nhập cư có nghĩa là nước này có cơ hội để giải quyết các vấn đề về nhân khẩu học. Năm ngoái, Canada đã đạt được tốc độ tăng dân số hàng năm cao nhất trong hơn 60 năm, một phần nhờ nỗ lực của chính phủ trong việc thu hút người nhập cư.

Quá trình chuyển đổi khí hậu cũng đang làm tăng nhu cầu về nguồn tài nguyên đồng và niken khổng lồ. Sự tan chảy của thềm băng Bắc Cực sẽ mở ra những cơ hội giao thương mới cho miền bắc Canada. Tuy nhiên, tiềm năng kinh tế to lớn của Canada vẫn còn chưa được khai phá đầy đủ. Vì vậy, thật khó để có thể thuyết phục thế giới tin rằng Canada sẽ trở thành một siêu cường kinh tế trong tương lai./.

Viết Tuân (P/v TTXVN tại Ottawa)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thach-thuc-cua-canada-tren-con-duong-tro-thanh-sieu-cuong-kinh-te/305655.html