Thách thức của giáo dục Việt Nam khi dạy trẻ kỹ năng thế kỷ 21

Dù đã có những cải thiện đáng kể trong công tác dạy học, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong việc giúp học sinh phát triển kỹ năng để gia nhập thị trường lao động.

Ở Việt Nam, người ta ngày càng chú trọng việc tích hợp các kỹ năng của thế kỷ 21 vào chương trình giáo dục để giúp học sinh chuẩn bị đối diện với sự phức tạp của thế giới hiện đại. Và bằng chứng cho việc chúng ta đã đi đúng hướng đang dần xuất hiện.

Chúng ta đã hiểu sai về học sinh Việt Nam

Young Lives là một nghiên cứu dài hạn và độc đáo do Đại học Oxford thực hiện, xoay quanh sự nghèo đói và bất bình đẳng.

Để thực hiện nghiên cứu này, họ đã theo dõi cuộc sống của 12.000 trẻ em ở Ethiopia, Ấn Độ (bang Andhra Pradesh và bang Telangana), Peru và Việt Nam kể từ năm 2001.

Năm 2017, khảo sát của Young Lives cho thấy phần lớn học sinh Việt Nam có trình độ nhất định về kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện cơ bản. Điều này cho thấy một xu hướng tích cực trong việc phát triển năng lực thế kỷ 21.

 Ông Lance G. King là tác giả của nhiều đầu sách, giáo trình về kỹ năng cho học sinh.

Ông Lance G. King là tác giả của nhiều đầu sách, giáo trình về kỹ năng cho học sinh.

"Trái ngược với những lo ngại phổ biến ở Việt Nam, những kết quả này cho thấy học sinh Việt Nam không chỉ là người học vẹt. Lý do là phần lớn học sinh trong khảo sát của chúng tôi ít nhất đều có kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện", các nhà nghiên cứu của Young Lives nhấn mạnh.

Đến năm 2018, vẫn còn quá sớm để chúng ta nhìn thấy lợi ích từ việc tập trung vào tư duy học tập. Ví dụ, trong báo cáo Future of Production năm 2018 được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp ở nửa cuối về chất lượng giáo dục Toán và Khoa học (hạng 68/100), tư duy phản biện trong giảng dạy (hạng 63/100) và sự góp mặt của các nhà khoa học và kỹ sư (hạng 70/100).

Nhìn chung, Việt Nam xếp thứ 70 về nguồn nhân lực và thứ 90 về công nghệ và đổi mới.

Nhưng đến năm 2020, số liệu cho thấy Việt Nam đã đạt được một số kết quả tiến bộ hơn trong việc giáo dục kỹ năng thế kỷ 21.

Trong năm đó, Chỉ số Giáo dục Toàn cầu Tương lai (WEFFI) đã liệt kê các quốc gia cung cấp kỹ năng thế kỷ 21 cho người trẻ.

Với tổng điểm 55,6/100, Việt Nam đứng thứ 31 trong bảng xếp hạng toàn càu của 50 quốc gia phát triển và đang phát triển, tăng 6 bậc so với xếp hạng năm 2019.

WEFFI do Quỹ Giải thưởng Yidan ủy quyền và được The Economist Intelligence Unit thống kê. Tổ chức này đã xem xét hệ thống giáo dục của các quốc gia trong việc trang bị những kỹ năng định hướng tương lai cho thanh, thiếu niên 15-24 tuổi.

Các kỹ năng được trang bị bao gồm tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, hợp tác, lãnh đạo, sáng tạo, khởi nghiệp cùng với kỹ năng công nghệ và kỹ thuật số.

Trong xếp hạng này, Singapore và Nhật Bản là hai quốc gia châu Á duy nhất lọt vào top 10, lần lượt ở vị trí thứ 4 và thứ 4. New Zealand là nước đứng đầu danh sách phát triển kỹ năng thế kỷ 21 cho học sinh.

Giáo dục Việt Nam đã thay đổi

Tại Việt Nam, các trường học đang ngày càng tập trung vào việc triển khai chương trình dạy kỹ năng thế kỷ 21. Điều đó cho thấy các nhà giáo dục đã hiểu được tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng cho trẻ trước sự phức tạp của thế giới hiện đại.

Những kỹ năng này bao gồm rất nhiều năng lực, bao gồm tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, cộng tác, hiểu biết về kỹ thuật số, khả năng thích ứng...

Việc tích hợp những kỹ năng này vào chương trình giáo dục được coi là điều quan trọng để học sinh phát triển trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.

 Chương trình giáo dục phổ thông mới tại Việt Nam đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Ảnh: Phương Lâm.

Chương trình giáo dục phổ thông mới tại Việt Nam đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Ảnh: Phương Lâm.

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc chuyển đổi hệ thống giáo dục để ưu tiên các kỹ năng thế kỷ 21.

Theo đó, một kế hoạch chiến lược đã được chính phủ xây dựng nhằm tạo ra một hệ thống giáo dục hiện đại, phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu hóa và thị trường lao động Việt Nam.

Kế hoạch này nhấn mạnh việc chuyển đổi từ học vẹt sang các chương trình, phương pháp giảng dạy thúc đẩy học tập thực tế, đồng thời thực hành và phát triển các năng lực quan trọng của thế kỷ 21.

Trong những thay đổi gần nhất của hệ thống giáo dục, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã đưa ra những yêu cầu phát triển kỹ năng tư duy bậc cao cho học sinh.

Cụ thể, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng từ năm 2017, bắt đầu triển khai từ năm 2019 đã yêu cầu các trường chuyển từ việc giảng dạy theo nội dung sang cách tiếp cận chương trình giảng dạy dựa trên năng lực.

Nghiên cứu đã nhấn mạnh tính hiệu quả của phương pháp học tập theo dự án (PBL) trong việc phát triển các kỹ năng thế kỷ 21 của học sinh Việt Nam.

Những phương pháp khuyến khích học tập tích cực, giải quyết vấn đề và hợp tác ngày càng được đưa vào hệ thống giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn những thách thức, bao gồm việc đào tạo thêm cho giáo viên để việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học thực sự có hiệu quả.

Khái niệm "học mà chơi, chơi mà học" (LtP) cũng đang được quảng bá như một cách để phát triển nhiều kỹ năng cho trẻ tiểu học, bao gồm các kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội, kỹ năng cảm xúc, thể chất và khả năng sáng tạo.

Cách tiếp cận này được Bộ GD&ĐT Việt Nam hỗ trợ như một phần của chương trình giảng dạy dựa trên năng lực cho bậc tiểu học.

Học cần đi đôi với hành

Năm 2000, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quyết định sử dụng tên Mùa hè xanh cho các chương trình hè dành cho tất cả học sinh.

Chương trình này được tổ chức bởi các đoàn thanh niên (bao gồm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và hội sinh viên) tại mỗi trường đại học trong thời gian nghỉ hè.

Thông qua các hoạt động cộng đồng, mục tiêu cuối cùng của mùa hè xanh chính là nâng cao nhận thức của học sinh về xã hội, cải thiện ý thức và khả năng sáng tạo của các em.

Chiến dịch cũng muốn liên kết học với hành, lý thuyết với thực tế, đồng thời liên kết trường học với xã hội trong việc nêu gương về các sáng kiến ngoại khóa, góp phần nâng cao kỹ năng thế kỷ 21.

Việc tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông trong giáo dục cũng được coi là phần quan trọng trong việc bồi dưỡng các kỹ năng thế kỷ 21.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặc dù Việt Nam đạt được tiến bộ đáng kể trong việc tích hợp công nghệ thông tin vào giáo dục, ngành giáo dục vẫn cần thêm những nỗ lực không ngừng nghỉ để đảm bảo giáo viên có những kỹ năng và nguồn lực cần thiết để sử dụng công nghệ hiệu quả trong công tác giảng dạy.

 Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trước mắt để dạy học sinh tất cả kỹ năng thế kỷ 21. Ảnh: Duy Hiệu.

Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trước mắt để dạy học sinh tất cả kỹ năng thế kỷ 21. Ảnh: Duy Hiệu.

Vẫn còn thách thức

Dù có đủ sáng kiến này đến sáng kiến khác, Việt Nam vẫn còn những thách thức trong việc thực hiện đủ chương trình ưu tiên kỹ năng thế kỷ 21.

Những thách thức đó bao gồm cải thiện cơ sở vật chất trường học, dành nhiều thời gian và cơ hội đào tạo giáo viên, sẵn sàng học hỏi và áp dụng phương pháp mới do giáo viên đề xuất.

Ví dụ, trong báo cáo Towards Better Skills Development in the Vietnam 2018 General Education Curriculum của Trung tâm Giáo dục Toàn cầu NORRAG, tổ chức này nêu rằng một số thách thức mà họ phát hiện khi Việt Nam triển khai chương trình giáo dục phổ thông chính là thiếu cơ sở vật chất ở trường học, không đủ thời gian và cơ hội để đào tạo giáo viên về chương trình dạy học mới, không đủ thời gian thực hiện và giáo viên cũng không đủ sẵn sàng trong việc học và áp dụng phương pháp mới và cả vấn đề về sự đa dạng của sách giáo khoa giữa các tỉnh thành.

Quan điểm này được Ngân hàng Thế giới (WB) ủng hộ thông qua báo cáo Taking Stock hàng năm. Trong đó, WB phân tích các xu hướng kinh tế vĩ mô gần đây của Việt Nam và các dự báo về triển vọng kinh tế trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn.

Thông qua đó, báo cáo đề cập đến một vấn đề về tổ chức rất quan trọng, cần có sự can thiệp của cơ quan chức năng. Đó chính là cuộc cải tổ toàn diện về việc cải thiện giáo dục đại học và cao đẳng.

"Chủ đề này rất quan trọng. Việt Nam sẽ cần lực lượng lao động có tay nghề cao để chuyển đổi thành nền kinh tế co thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Nếu Việt Nam muốn chuyển đổi mô hình kinh tế sang nền kinh tế năng động, định hướng bằng tri thức, năng suất, kỹ thuật số và kiên cường, Việt Nam cần một lực lương lao động có kỹ năng thế kỷ 21 để phát triển", báo cáo nêu.

Báo cáo cũng lập luận rằng việc chuyển đổi hệ thống giáo dục đại học sẽ là chìa khóa để nâng cao năng suất tại Việt Nam và giúp đất nước đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và là quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Tóm lại, Việt Nam đang tích cực hướng tới việc tích hợp các kỹ năng thế kỷ 21 vào chương trình giáo dục thông qua các sáng kiến của chính phủ, ví dụ học tập theo dự án, tích hợp công nghệ thông tin và các chiến lượng đổi mới giảng dạy như học mà chơi, chơi mà học.

Dù đã đạt được nhiều tiến bộ, Việt Nam vẫn cần thêm những nỗ lực không ngừng để vượt qua thử thách và đảm bảo tất cả học sinh đều được trang bị những kỹ năng cần thiết để thành công trong thế kỷ 21.

TS Lance G. King

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thach-thuc-cua-giao-duc-viet-nam-khi-day-tre-ky-nang-the-ky-21-post1470377.html