Thách thức của OCB
Tập trung cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, OCB chấp nhận huy động vốn giá cao trong khi tỷ lệ CASA ở mức thấp nhất ngành. Những khó khăn trên sẽ tác động đáng kể đến tham vọng tăng trưởng của ngân hàng trong giai đoạn 2020 - 2025.
Sau nhiều năm trì hoãn ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) hôm nay (28/1) chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE). Theo đó, hơn 1 tỷ cổ phiếu OCB đã được đưa vào giao dịch với giá tham chiếu là 22.900 đồng/cp.
Mặc dù vậy, OCB không gặp may khi niêm yết đúng vào ngày thị trường chứng khoán giảm điểm kỷ lục do bùng phát đợt dịch mới. Hơn 80 ca nhiễm mới trong buổi sáng 28/1 khiến thị trường giảm hơn 75 điểm, các cổ phiếu đồng loạt giảm sàn và không có dư mua.
Cổ phiếu OCB cũng không ngoại lệ, thậm chí, do biên độ trong ngày đầu tiên giao dịch là 20% khiến OCB giảm mạnh hơn các mã khác trên thị trường. Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên, OCB giảm sàn xuống còn 18.350 đồng/cổ phiếu.
Ông Trịnh Văn Tuấn và gia đình là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá cổ phiếu OCB giảm sàn. Hiện ông Tuấn và gia đình đang nắm giữ 16,18% vốn tại OCB, tương ứng tài sản đã bốc hơi hơn 800 tỷ đồng chỉ trong phiên giao dịch đầu tiên.
Tạm bỏ qua yếu tố thị trường, quyết định lên sàn của OCB đi cùng với nhiều tham vọng của ban lãnh đạo ngân hàng. Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, ngân hàng này luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Trong 5 năm trở lại đây, OCB giữ vị trí số 1 tốc độ tăng trưởng kép về tổng tài sản đạt 25%, tăng từ 49.447 tỷ lên 152.687 tỷ đồng. Cùng thời gian này, vốn điều lệ ngân hàng cũng tăng hơn 2 lần từ 4.000 tỷ lên 10.959 tỷ đồng.
Lợi nhuận ngân hàng cũng tăng trưởng cao, từ mức lợi nhuận dưới 500 tỷ trong giai đoạn 2011 – 2015, đến nay OCB đã đạt lợi nhuận trước thuế 4.420 tỷ đồng trong năm 2020. Ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép về lợi nhuận là 75%. Năm 2017, OCB là ngân hàng đầu tiên hoàn tất việc triển khai Basel II tại Việt Nam.
Chia sẻ về tầm nhìn cho giai đoạn 5 năm tới 2021-2025, Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn kỳ vọng ngân hàng tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận, tổng tài sản và vốn điều lệ. Ban lãnh đạo đặt mục tiêu tổng tài sản ngân hàng sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2019 vào năm 2025 với tăng trưởng tín dụng và huy động hàng năm dự kiến đạt 20%.
Mặc dù vậy, tham vọng trong tương lai của OCB đi kèm với nhiều thách thức lớn. Báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, OCB dường như đã vượt qua được giới hạn quy mô nhỏ để ghi nhận tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) thuộc nhóm cao nhất ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, diễn biến này có sự phụ thuộc lớn vào giao dịch trái phiếu Chính phủ từ những năm 2018. Cụ thể, theo VCSC, ROE trong 9 tháng 2020 của OCB có thể giảm 650 điểm cơ bản còn 13,1% nêu như loại trừ các khoản thu nhập từ kinh doanh chứng khoán đầu tư.
Báo cáo này cũng chỉ ra, hoạt động ngân hàng hiện phụ thuộc quá nhiều vào nhóm khách hàng phân khúc SME nhỏ. Nguồn huy động của OCB hiện phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp SME và doanh nghiệp lớn (chiếm 41,8% tổng huy động), điều này làm gia tăng chi phí vốn của ngân hàng. Ngân hàng cũng khó giảm chi phí vốn khi tỷ lệ CASA hiện ở mức rất thấp, chỉ đạt 11,7% so với ngưỡng bình quân ngành là 17,3% tính đến cuối quý 3/2020.
Tỷ lệ nợ xấu của OCB cũng cao do danh mục cho vay tập trung nhiều vào nhóm các doanh nghiệp SME nhỏ. Tỷ lệ nợ xấu quý 3/2020 của OCB đạt 2,15%, tăng nhẹ từ mức 1,84% tính đến cuối 2019, ở mức cao so với các ngân hàng truyền thống và chỉ xếp sau ngân hàng có lĩnh vực cho vay nhiều rủi ro là VPBank.
Điểm sáng trong hoạt động của OCB đó là thu nhập từ phí vẫn còn dư địa tăng trưởng, với việc tiếp tục đầu tư vào fintech và hợp tác độc quyền với Generali để phân phối bancasurrance kể từ năm 2019.
VCSC nhận định, hoạt động của OCB trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào khả năng tăng vốn của ngân hàng, cũng như bối cảnh vĩ mô của Việt Nam có tạo điều kiện thuận lợi cho phân khúc SME phát triển hay không.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thach-thuc-cua-ocb-1611821234929.htm