Thách thức đối với các quỹ đầu tư Mỹ tại thị trường Trung Quốc
Tờ Wall Street Journal vừa đăng bài bình luận về những khó khăn, thách thức với các quỹ đầu tư của Mỹ tại thị trường Trung Quốc.
Bài viết cho hay, BlackRock trở thành công ty quản lý tài sản toàn cầu đầu tiên được phép thành lập và vận hành một quỹ tương hỗ 100% vốn nước ngoài tại Trung Quốc vào năm 2021, chỉ gần một năm sau khi Giám đốc điều hành Larry Fink tuyên bố “Trung Quốc là một trong những cơ hội lớn nhất”. Hai năm sau, quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới này đang phải vật lộn cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc. Theo hãng chuyên cung cấp dữ liệu tài chính Wind, Blackrock xếp hạng 145 trong gần 200 quỹ tương hỗ hoạt động tại Trung Quốc xét theo tiêu chí tổng giá trị tài sản quản lý tại Trung Quốc Đại lục. Thứ hạng của các quỹ tương hỗ của quỹ đầu tư Fidelity International và Neuberger Berman thành lập tại Trung Quốc còn thấp hơn nhiều.
Khởi đầu khó khăn của BlackRock gây quan ngại với nhiều “ông lớn” tài chính khác ở Phố Wall, khi mà những giấc mơ kiếm tiền từ Trung Quốc đang dần xa tầm tay. Dòng vốn của các ngân hàng đầu tư Mỹ chảy vào Trung Quốc chậm lại, khi các doanh nghiệp Trung Quốc dựa nhiều hơn vào các tổ chức tài chính nội địa. Cùng lúc, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại với những thách thức ngày một lớn trong bảo đảm an ninh dữ liệu, khiến giới đầu tư nước ngoài giảm hứng thú đối với các tài sản Trung Quốc.
Năm 2020, Trung Quốc dỡ bỏ rào cản đối với các công ty quản lý tài sản Mỹ trong việc bán cổ phần quỹ tương hỗ cho nhà đầu tư Trung Quốc, xóa bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài trong các công ty chứng khoán liên danh ở Trung Quốc Đại lục. Năm 2022, Morgan Stanley từng đẩy được cổ phần nắm giữ tại công ty chứng khoán liên danh ở Trung Quốc lên mức 94%.
Stephen Roach, cựu Chủ tịch Morgan Stanley phụ trách châu Á nhận định: “Môi trường kinh doanh hiện khắc nghiệt hơn trước. Tôi nghĩ rằng các kế hoạch mở rộng ồ ạt đang bị phanh lại, chỉ duy trì ở mức tối thiểu”.
Theo báo cáo thường niên được Goldman Sachs, Morgan Stanley và JP Morgan công bố, cả ba tập đoàn tài chính Mỹ này đều ghi nhận mức sụt giảm doanh thu trong năm 2022 tại các công ty chứng khoán liên doanh với đối tác Trung Quốc. Ngược lại, các đối thủ Trung Quốc như Citic Securities và China International Capital ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu lần lượt là 6% và 0,3%.
Theo dữ liệu của Wind, liên doanh của Goldman Sachs mới thực hiện bảo lãnh hoặc đồng bảo lãnh 7 thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại thị trường Trung Quốc Đại lục trong cả một thập kỷ qua, riêng năm 2022 là một thương vụ.
Liên danh chứng khoán của JPMorgan tại Trung Quốc mãi tới năm ngoái mới bảo lãnh được 2 thương vụ, còn liên danh của Morgan Stanley chưa mở được đợt IPO nào. Trong khi đó, Citic Securities đã bảo lãnh phát hành cho 57 đợt IPO chỉ riêng trong năm 2022.
Cũng theo Wind, năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 12 tỷ USD cổ phiếu các công ty Trung Quốc, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Họ rút 84 tỷ USD từ thị trường trái phiếu Trung Quốc trong năm 2022 và 20 tỷ USD tính từ đầu tháng 1 tới cuối tháng 7 vừa qua. Nhu cầu của giới đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu, trái phiếu Trung Quốc hồi phục phần nào trong năm nay, nhưng những tháng ngày đầu tư mạnh dường như không còn, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Với các công ty quản lý quỹ tài sản, Trung Quốc từng được coi là một thị trường lớn chưa được khai phá về nguồn tiền gửi tiết kiệm trong dân. Các công ty tài sản có thể bán cổ phần của mình cho những nhà đầu tư tư nhân này. Nhưng những thiết chế tài chính quốc tế nhận thấy rằng rất khó cạnh tranh với các đối thủ lớn ở Trung Quốc Đại lục.
Tháng 9/2021, BlackRock khai trương quỹ đầu tư tương hỗ mang tên New Horizon Mixed Securities Fund và huy động được nguồn vốn 6,68 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 917 triệu USD) từ hơn 110.000 nhà đầu tư tư nhân. Quỹ do BlackRock vận hành này chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu của các công ty có giá trị vốn hóa thị trường ở mức trung bình và lớn.
Tính đến ngày 30/6/2023, giá trị tài sản của New Horizon Mixed Securities Fund sụt giảm 47%, do hoạt động bán lại của nhà đầu tư cũng như mức lợi nhuận âm 30% của tài sản nắm giữ từ khi phát hành hồi năm 2021. Hoạt động của quỹ tệ hơn so với mức sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc, với "hàn thử biểu" là chỉ số CSI 300 quy tụ cổ phiếu của 300 công ty lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến. Cũng trong cùng thời gian này, mức độ mất điểm của CSI 300 chỉ là 16%.
Vanguard, một quỹ đầu tư tài sản lớn khác của Mỹ, lại chọn cách đi khác sau khi đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Trung Quốc. Năm 2021, Vanguard cho dừng công việc chuẩn bị hướng tới khai trương một quỹ tương hỗ ở Trung Quốc Đại lục, sau khi nhận thấy rằng việc thiết lập hiện diện tại Trung Quốc sẽ rất khó khăn và tốn kém. Quỹ vẫn giữ bộ phận dịch vụ tư vấn tự động trong liên doanh với tập đoàn tài chính công nghệ Ant Group.
Nhiều chuyên gia phân tích Phố Wall đã đưa ra dự báo màu hồng về thị trường Trung Quốc ở thời điểm đầu năm 2023, kỳ vọng việc tái mở cửa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi các hạn chế COVID-19 được dỡ bỏ, sẽ kích thích bùng nổ chi tiêu dùng. Thực tế lại khác, loạt dữ liệu kinh tế không mấy sáng sủa đã buộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) phải cắt giảm lãi suất chủ chốt.
Andrew Collier, Giám đốc điều hành hãng nghiên cứu Orient Capital Research tại Hong Kong (Trung Quốc) nhận định, Phố Wall hiện phải đối mặt với nguy cơ địa chính trị khiến các khoản đầu tư này không tương xứng với thời gian bỏ ra và rắc rối gặp phải, đặc biệt là khi các khoản đầu tư đó không tạo ra lợi nhuận./.