Thách thức đối với 'Lá chắn thép' của Israel
Cuộc xung đột kéo dài 12 ngày giữa Iran và Israel mới đây đã để lộ những 'gót chân Asin' đáng lo ngại trong hệ thống phòng thủ vốn được ca ngợi là bậc nhất thế giới của Israel.
Từ lâu, Israel tự hào sở hữu “lá chắn thép” với kiến trúc phòng không đa tầng-nổi tiếng với những cái tên như Vòm Sắt (Iron Dome), David’s Sling hay Arrow 3. Thế nhưng, bằng chiến thuật linh hoạt, Iran đã tìm ra và khai thác những lỗ hổng tưởng chừng không tồn tại trong hệ thống này để xuyên thủng.
Theo The Wall Street Journal, dữ liệu thực địa cho thấy Iran đã liên tục điều chỉnh nhịp độ, quy mô, thời gian và địa điểm phóng tên lửa trong cuộc xung đột vừa qua với Israel. Ban đầu là các loạt tên lửa lớn vào ban đêm, sau đó chuyển sang các đợt bắn nhỏ, tản mạn vào ban ngày, nhắm tới nhiều mục tiêu trải rộng. Tehran tiếp tục thử thách hệ thống đánh chặn của Israel bằng cách thay đổi kiểu bắn, nhắm vào các thành phố ở xa nhau và thay đổi khoảng thời gian giữa các cuộc tấn công. Chiến thuật này buộc hệ thống phòng thủ Israel phải phân tán nguồn lực, kéo giãn khả năng phản ứng và Iran phần nào đã chia tách hệ thống phòng thủ đa tầng của Israel.

Vụ phóng tên lửa đánh chặn Arrow tại Israel, tháng 6-2025. Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel
Phân tích dữ liệu từ các nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Israel và Mỹ cho thấy vào thời gian diễn ra cuộc xung đột, Iran bắn ít tên lửa hơn, nhưng tỷ lệ thành công lại tăng lên đáng kể. Theo dữ liệu từ Viện Do Thái về An ninh quốc gia Mỹ (Jinsa) có trụ sở tại Washington D.C, trong nửa đầu cuộc xung đột, 8% tên lửa của Iran đã lọt qua hệ thống phòng thủ của Israel. Đến nửa sau của cuộc chiến, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi, lên 16%. Trong đó, đợt tấn công thành công nhất của Iran diễn ra vào ngày 22-6, hai ngày trước khi cuộc chiến dừng lại, khi 10 trong số 27 tên lửa bắn trúng Israel. Phó giám đốc chính sách đối ngoại của Jinsa, Ari Cicurel, cho biết dữ liệu này cho thấy Iran đã điều chỉnh thành công "cách thức, thời điểm và mục tiêu" bắn. Quân đội Israel từ chối bình luận về số liệu của Jinsa, ngoài việc cho biết họ không chia sẻ thông tin cụ thể về tỷ lệ đánh chặn.
Theo phân tích của Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia Israel (INSS), tỷ lệ đánh chặn của Israel đã giảm trong suốt cuộc chiến, từ 90 đến 95% xuống còn 86% sau lệnh ngừng bắn vào ngày 24-6. Các chuyên gia tên lửa cho biết, khi cuộc xung đột kéo dài, số lượng tên lửa đánh chặn giảm dần và chi phí cao cũng buộc Israel phải bảo tồn nguồn lực và chỉ nhắm vào các tên lửa từ Iran gây ra mối đe dọa lớn nhất. Chi phí vận hành hệ thống phòng không của Israel luôn là bài toán đau đầu. Mỗi tên lửa đánh chặn Vòm Sắt tốn hàng chục nghìn USD, còn Arrow 3 và THAAD đắt hơn nhiều lần. Trong khi đó, chi phí cho một tên lửa tấn công thường rẻ hơn đáng kể. Khi đối phương kéo dài cuộc chiến, buộc Israel phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên nên đã để lộ những lỗ hổng trong hệ thống.
Các thông tin trên buộc các chuyên gia an ninh toàn cầu phải nhìn nhận lại một thực tế, đó là không có hệ thống nào là bất khả xâm phạm. Israel vận hành một trong những kiến trúc phòng không đa tầng tinh vi nhất hiện nay, kết hợp công nghệ nội địa và Mỹ: Từ Arrow 3 đánh chặn ngoài khí quyển, Arrow 2 trong khí quyển, THAAD và SM-3 của Mỹ bảo vệ tầng cao, cho đến David’s Sling và Iron Dome xử lý tầm trung và tầm gần. Lớp phòng thủ Iron Dome có chức năng bảo vệ chống lại tên lửa tầm ngắn, tên lửa đạn đạo và pháo cối trong phạm vi 120km. Hệ thống này ưu tiên đánh chặn các mối đe dọa hướng đến khu vực đông dân cư hoặc các địa điểm chiến lược, đồng thời có khả năng đánh chặn cả thiết bị bay không người lái.
Chính mô hình “phòng thủ nhiều lớp” này đã làm nên tên tuổi của hệ thống phòng không mà Israel sở hữu, thậm chí trở thành hình mẫu mà nhiều quốc gia-kể cả Mỹ-đang học tập. Mỹ đang rót hàng tỷ USD để phát triển hệ thống phòng thủ “Vòm Vàng”, đầu tiên có tên gọi là “Vòm Sắt cho nước Mỹ” trị giá 175 tỷ USD.
Ông Patel-kỹ sư máy tính tốt nghiệp Technion và thạc sĩ quản trị kinh doanh từ Đại học Tel Aviv, đã gắn bó gần 30 năm với các hệ thống phòng thủ, đặc biệt là từ những ngày đầu của chương trình Arrow cho biết, Israel không chủ quan mà “luôn nhìn về phía trước”. Các mối đe dọa như tên lửa siêu thanh hay ICBM với tốc độ cao, hành trình khó đoán buộc Israel phải nâng cấp không ngừng hệ thống phòng không. Hãng Rafael hiện đang phát triển một hệ thống đánh chặn dành riêng cho mối đe dọa này. Trong khi đó, các hệ thống Arrow 4 và Arrow 5 đang được phát triển song song-với Arrow 4 sẽ thay thế Arrow 2, còn Arrow 5 sẽ bổ sung cho Arrow 3.