Thách thức đối với ngành dệt may Indonesia
Tờ Fibre2 Fashion mới đây đăng bài viết nhận định, ngành dệt may Indonesia đã trải qua một năm 2024 đầy thử thách.
Nhiều nhà máy phải đóng cửa, công nhân bị sa thải, xuất khẩu giảm và cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng nhập khẩu Trung Quốc. Một mặt, kinh tế toàn cầu suy yếu đã làm giảm nhu cầu về quần áo và các sản phẩm dệt may khác. Mặt khác, làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ tràn vào Indonesia
đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất nước này.
Khó khăn đã bủa vây cả “gã khổng lồ” Sritex. Công ty đã phải sa thải 1/3 lực lượng lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2024, 10 công ty đã sa thải khoảng 14.000 nhân công. Đặc biệt ở Pekalongan, một trung tâm sản xuất dệt may lịch sử nổi tiếng với các loại vải batik phức tạp, các nhà máy từng nhộn nhịp của thành phố hiện phải hoạt động với công suất giảm hoặc đóng cửa hoàn toàn, chồng chất tình trạng sa thải nhân viên.
Tình trạng này không chỉ diễn ra trong năm 2024. Các báo cáo cho biết, kể từ năm 2019, 36 công ty dệt may quy mô vừa và lớn của Indonesia đã đóng cửa, trong khi 31 công ty khác cắt giảm quy mô hoạt động. Xu hướng này được cho là đã trở nên trầm trọng hơn do các chính sách khu vực thương mại tự do và các hiệp định song phương của Indonesia với các quốc gia sản xuất dệt may khác.
Do chi phí cơ sở hạ tầng và hậu cần ở Indonesia còn nhiều vấn đề, nhiều nhà máy của các thương hiệu may mặc toàn cầu đã chuyển đến các quốc gia khác. Sức mua của người tiêu dùng thấp và đồng rupiah suy yếu đã khiến nguyên liệu thô nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Ngành dệt may của Indonesia cũng chứng kiến tình trạng sụt giảm việc làm trong năm 2024. Lực lượng lao động giảm khoảng 3% từ 3,98 triệu người vào năm 2023 xuống còn 3,87 triệu người vào năm 2024. Theo thống kê, khoảng 30 nhà máy dệt may đã đóng cửa ở Bandung và Surakarta, khiến gần 11.000 người bị sa thải trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2024. Để so sánh, con số tương ứng của năm 2023 là 7.200 người.
Ngành dệt may của Indonesia cũng đối mặt với khó khăn nghiêm trọng về tình trạng hàng nhập khẩu bất hợp pháp. Hiệp hội các nhà sản xuất sợi và sợi Filament Indonesia (APSyFI) kể từ tháng 7/2024 đã liên tục đưa ra cảnh báo đỏ đối với ngành dệt may và những khó khăn trong tương lai. Hàng hóa nhập khẩu bất hợp pháp đã tác động lớn đến ngành dệt may khi mà hàng nghìn nhân viên đã bị sa thải và các nhà máy đóng cửa.
Để ngăn chặn tác động của nhập khẩu bất hợp pháp, Chính phủ Indonesia đã chủ động đưa ra các biện pháp bảo hộ, bao gồm tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu và giám sát chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu bất hợp pháp. Bộ Thương mại đã công bố kế hoạch áp thuế vào tháng 6/2024, có thể lên tới 200% đối với nhiều loại hàng nhập khẩu của Trung Quốc, nhắm vào các mặt hàng như quần áo, thép và dệt may.
Chính phủ Indonesia tin rằng những mặt hàng này đang được bán dưới giá thành sản xuất, từ đó làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước. Tháng 8/2024, Indonesia đã gia hạn thêm ba năm thuế tự vệ đối với hàng dệt may, thảm và các loại vải nhập khẩu. Điều này được thực hiện nhằm bảo vệ và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành dệt may trong nước.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thach-thuc-doi-voi-nganh-det-may-indonesia/359008.html