Thách thức hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden

Trung Quốc được Mỹ xác định là thách thức địa chính trị hàng đầu mà Mỹ phải đối mặt trong năm đầu tiên nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joe Biden.

Trung Quốc - thách thức địa chính trị lớn nhất của Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thông báo về chính sách đối ngoại tương lai của Mỹ - điều được rất nhiều người chờ đợi. Đó là chính sách đối ngoại “vì người dân Mỹ”. Tổng thống Mỹ Joe Biden kỳ vọng Mỹ sẽ dẫn đầu thế giới “bằng ngoại giao chứ không can thiệp quân sự”. Hiện Mỹ đang phải đối mặt với các thách thức “nghiêm trọng” từ nhiều nước như Nga, Iran và Triều Tiên, đồng thời phải giải quyết các cuộc khủng hoảng tại Yemen, Ethiopia, và Myanmar.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, Trung Quốc là quốc gia có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, công nghệ. Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Blinken cho rằng, tại các tổ chức quốc tế, khi Mỹ rút lui ở đâu, Trung Quốc đã lấp đầy ở đó. Chính vì thế, Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc nếu có thể, nhưng cũng sẽ cạnh tranh khi cần thiết, thậm chí là đối thủ nếu bắt buộc phải như vậy. “Chúng tôi sẽ tương tác với Trung Quốc từ vị thế sức mạnh”, ông Blinken khẳng định. Dẫn lời ông Blinken, hãng tin Reuters cho biết, Trung Quốc là quốc gia có “thách thức địa chính trị lớn nhất” của Mỹ trong thế kỷ này.

Trong tương lai, Mỹ không chỉ cần hợp tác với các đối tác và đồng minh, gia tăng quan hệ ngoại giao và can dự tại các tổ chức quốc tế, đồng thời đầu tư cho người lao động, các công ty và công nghệ Mỹ nhằm vượt trội trong cạnh tranh với Trung Quốc.

Tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc nhóm họp bắt đầu từ ngày 5-3, các nghị sĩ đã tập trung thảo luận một loạt vấn đề, trong đó nổi bật là kinh tế và quan hệ đối ngoại. Kế hoạch 5 năm (2021-2025) lần thứ 14 về phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc là trọng tâm của hội nghị. Trong đó, Trung Quốc mong muốn thúc đẩy nghiên cứu công nghệ nhằm cạnh tranh với Mỹ để giành vị trí hàng đầu, trở thành cường quốc công nghệ. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, theo dự thảo Kế hoạch 5 năm của Trung Quốc, nước này sẽ tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, chiếm hơn 7% GDP mỗi năm từ năm 2021 đến năm 2025, nhằm theo đuổi những đột phá lớn trong công nghệ. 7 lĩnh vực công nghệ mà Trung Quốc sẽ tập trung nghiên cứu, trong đó có trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, chất bán dẫn và không gian...

Quan hệ Mỹ - Trung có thể được cải thiện.

Quan hệ Mỹ - Trung có thể được cải thiện.

Tương lai quan hệ Mỹ - Trung

Chính phủ của Tổng thống J.Biden nhấn mạnh, sẽ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc có từ thời người tiền nhiệm Donald Trump nhưng sẽ phối hợp cùng các đồng minh. Đây là một trong những cách thức được cho là khôn ngoan, mềm dẻo hơn so với cựu Tổng thống Trump.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố GDP của quốc gia này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035. Một số người dự báo, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2027-2028. Nhà kinh tế cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế, Robert Scott cho biết, Mỹ không có nhiều lựa chọn trong quan hệ với Trung Quốc để gây áp lực với quốc gia này. Chìa khóa giúp Mỹ vượt qua Trung Quốc chỉ có thể là hạn chế sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc bởi đây là cách Trung Quốc đã làm để gia tăng ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới. “Chắc chắn chúng tôi có thể trừng phạt Trung Quốc trên các đấu trường quốc tế. Mỹ có thể xem xét đặt giới hạn đối với các nhà ngoại giao của họ, hạn chế quyền biểu quyết của họ trên các diễn đàn quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nơi Trung Quốc đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng”, ông Scott nói.

Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ biểu hiện bằng các biện pháp trừng phạt thuế quan lẫn nhau giữa 2 bên. Mỹ hiện không có ý định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của mình. Người có nhiều khả năng trở thành Đại diện thương mại Mỹ, bà Katherine Tai khẳng định, Mỹ sẽ chống lại các rào cản thương mại của Trung Quốc. Như vậy, rõ ràng cả hiện tại và trong các kế hoạch ở tương lai, cả trong lĩnh vực đối ngoại lẫn kinh tế, quan hệ Mỹ với Trung Quốc dù căng thẳng nhưng cũng khó có khả năng được cải thiện “một sớm một chiều”...

Trần Hải

((theo Aljazeera, Reuters, CNBC))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thach-thuc-hang-dau-trong-chinh-sach-doi-ngoai-cua-tong-thong-biden-n187817.html