Thách thức hậu Brexit
Sau khi Anh rời 'mái nhà chung' Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, hai bên sẽ bắt đầu đàm phán chính thức về mối quan hệ tương lai vào đầu tháng 3 tới. Tuy nhiên, những bất đồng về quan điểm giữa London và Brussels làm dấy lên mối lo ngại rằng tiến trình đàm phán này sẽ vô cùng khó khăn.
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier mới đây cho biết, khối này và Anh sẽ bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên về quan hệ song phương tại Brussels (Bỉ) từ ngày 2 đến 5-3. Tiếp sau đó, hai bên sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ hai với nội dung nghị sự gồm thương mại, an ninh, chính sách đối ngoại và nhiều lĩnh vực khác tại thủ đô London của Anh vào cuối tháng 3. Theo ông Michel Barnier, EU sẵn sàng cung cấp quyền tiếp cận siêu ưu đãi cho Anh vào thị trường 450 triệu dân của khối này với điều kiện, London phải chấp nhận bảo đảm điều kiện cạnh tranh công bằng. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU cũng khẳng định, sẽ không tìm cách kết thúc đàm phán “bằng bất cứ giá nào” bởi với khung thời gian rất hạn chế, hai bên sẽ không thể hoàn tất mọi yêu cầu. Ông cảnh báo tiến trình thương lượng sẽ phức tạp, khắt khe và vô cùng khó khăn nếu cả hai bên không có tiếng nói chung.
Kể từ khi chính thức rời EU vào ngày 31-1 sau 47 năm gắn bó, Anh đã bước vào giai đoạn chuyển tiếp, kéo dài cho đến ngày 31-12 tới. Trong khoảng thời gian 11 tháng này, Anh và EU cần tiến hành đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận xác định mối quan hệ trong tương lai, đặc biệt là về vấn đề thương mại. Dù cùng có chung mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại nhưng trên thực tế, cả EU và Anh đều có tầm nhìn rất khác nhau khi đưa ra những ưu tiên đàm phán của riêng mình. Cụ thể, EU yêu cầu nước Anh phải tuân thủ các quy định của khối này nhằm bảo đảm cạnh tranh công bằng nếu London muốn tiến tới một thỏa thuận không thuế quan, không hạn ngạch như tham vọng của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ông Michel Barnier nêu rõ bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Anh cũng đều phải bảo đảm "sân chơi công bằng" trong lĩnh vực tiêu chuẩn môi trường, trợ cấp nhà nước, thuế quan cũng như hoạt động đánh bắt cá. Trong khi đó, Anh tuyên bố sẽ không chấp nhận sự giám sát của EU đối với nền kinh tế nước này để đổi lấy mối quan hệ thương mại chặt chẽ thời kỳ hậu Brexit. Người đứng đầu Chính phủ Anh Boris Johnson khẳng định, không chấp nhận những điều kiện mà EU đưa ra, đồng thời nhấn mạnh một thỏa thuận thương mại tự do không cần thiết phải bao gồm việc chấp nhận các quy định của EU về chính sách cạnh tranh, trợ cấp, bảo vệ xã hội, môi trường hay bất cứ điều gì tương tự. Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Anh David Frost khẳng định, sau khi rời EU, Anh là một quốc gia độc lập, có quyền tự xây dựng các luật lệ cho mình và sẽ không có ý nghĩa gì nếu Anh đã ra khỏi EU mà vẫn phải gắn chặt với các luật lệ của khối này. Ngoài ra, xứ sở sương mù đang muốn có một thỏa thuận thương mại giống như EU đã ký với Canada vốn dỡ bỏ hầu hết thuế quan đối với các hàng hóa trong hoạt động thương mại giữa hai bên. Tuy nhiên, ông Michel Barnier tuyên bố, London không thể có một thỏa thuận thương mại giống như EU đã ký với Canada, bởi sự gần gũi về địa lý giữa Anh với EU và về khối lượng thương mại lớn hơn nhiều so với trao đổi giữa EU và Canada.
Nếu không đạt được thỏa thuận thương mại thì cả Anh và EU đều bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của các nhà kinh tế Liên hợp quốc (LHQ) tại Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) diễn ra gần đây ở Geneve (Thụy Sĩ), mỗi năm, Anh có thể mất 32 tỷ USD kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang các nước thuộc EU nếu không đạt được thỏa thuận thương mại song phương với khối này. Báo cáo nêu rõ, thị trường EU chiếm tới 46% hàng hóa xuất khẩu của Anh. Do đó, việc Anh không có được một thỏa thuận với EU sẽ tác động mạnh đến kinh tế của nước này. Cụ thể, mức thiệt hại 32 tỷ USD nêu trên tương ứng 14% giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Anh sang EU. Trong đó, một nửa thiệt hại bắt nguồn từ các biện pháp thuế quan mà hai bên có thể áp dụng và một nửa do các biện pháp phi thuế quan ảnh hưởng đến giao thương như các quy định về y tế, môi trường và tiêu chuẩn đóng gói hàng hóa. Không chỉ Anh, một số nước EU cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi không có thỏa thuận thương mại với Anh. Ireland là quốc gia chịu tổn thất nhất với hàng hóa xuất khẩu có thể giảm tới 10% nếu kịch bản không thỏa thuận xảy ra.
Giới quan sát nhận định, cuộc đàm phán về quan hệ tương lai giữa Anh và EU có thể gặp nhiều trắc trở như quá trình đàm phán Brexit kéo dài 3 năm qua vốn tốn nhiều giấy mực của truyền thông thế giới. Hơn thế nữa, những quan điểm trái chiều của hai bên cho thấy, không có gì bảo đảm rằng London và Brussels có thể đạt được thỏa thuận cần thiết, nhằm giúp xác định một cách rõ ràng quan hệ giữa hai bên sau năm 2020 trong giai đoạn chuyển tiếp 11 tháng ngắn ngủi.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/thach-thuc-hau-brexit-611097