Thách thức kép trước mùa mưa bão

Mùa mưa bão đến vào thời điểm dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, đang đòi hỏi các địa phương vùng thường xảy ra thiên tai gấp rút lên các phương án ứng cứu, sơ tán, cứu trợ bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và thiên tai.

Cơn mưa lớn kéo dài sáng 26/8 khiến nhiều nơi ở TP Hải Phòng ngập lụt nghiêm trọng. Ảnh: Lê Tân

Cơn mưa lớn kéo dài sáng 26/8 khiến nhiều nơi ở TP Hải Phòng ngập lụt nghiêm trọng. Ảnh: Lê Tân

Thiên tai có xu thế ngày càng bất thường

Thiên tai đã gây ngập lụt, sạt lở đất liên tiếp tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ trong những ngày gần đây gây thiệt hại về người và tài sản. Như trận mưa lớn ngày 26/8 khiến toàn bộ bảy quận nội thành TP Hải Phòng ngập sâu từ 0,4-1,2 m khiến mọi hoạt động ngưng trệ. Cơ quan chức năng Hải Phòng xác nhận, đây là trận mưa gây ngập lụt nặng nhất trong 15 năm trở lại đây tại địa phương.

Mưa lớn kèm giông lốc còn gây thiệt hại về người và tài sản tại nhiều địa phương khác. Thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra bốn cơn bão, hai áp thấp nhiệt đới trên Biển Ðông, 88 trận động đất nhẹ, 274 trận mưa đá, giông lốc, sét; 56 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó tám trận lũ ống, lũ quét, 153 vụ sạt lở bờ sông... Tính từ đầu năm đến sáng 26/8/2021, thiên tai đã làm 39 người chết, 64 người bị thương; 221 nhà sập đổ hoàn toàn, 7.570 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 6.008 gia súc, gia cầm bị chết; 69.878 ha lúa, rau màu và 6.580 ha cây trồng bị thiệt hại. Thiên tai cũng làm 7,2 km đê, kè, kênh mương hư hỏng, sạt lở; 10,6km đường giao thông sạt lở; 109.718 m3 đất đá, bê-tông. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 262 tỷ đồng.

Từ nay đến hết năm 2021, theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, thiên tai tiếp tục có xu thế ngày càng bất thường, lưu vực sông Ðà có khả năng xuất hiện lũ lớn vào cuối mùa lũ, nguy cơ rủi ro cao khi các hồ không còn khả năng cắt lũ. Dự báo còn khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Ðông, trong đó, có khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lưu ý đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trên khu vực Biển Ðông. Ðặc biệt là mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10 và 11 ở các tỉnh miền trung, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Trong khi đó, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước đang phải thực hiện giãn cách xã hội và ưu tiên tối đa cho công tác phòng, chống dịch, tạo nên thách thức kép cần giải quyết.

“4 tại chỗ” để bảo đảm an toàn

Chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh vừa căng mình phòng, chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đang lên các phương án cụ thể. Tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố sẽ phân công lực lượng để tham gia vừa chống dịch, vừa chống mưa bão một cách rõ ràng và hợp lý. Một trong những điểm quan trọng trong kế hoạch này là dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm khác, nhất là đối với những vùng dễ bị chia cắt, cô lập khi lũ, lụt xảy ra, đi lại khó khăn.

Còn tại Quảng Nam, Tỉnh ủy đề nghị xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa bão, nhất là phương án dự trữ lương thực, thực phẩm tại chỗ bảo đảm phục vụ người dân khi xảy ra thiên tai và phương án sơ tán dân phù hợp. Các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể với phương châm “4 tại chỗ”.

Ðiểm mới tại nhiều địa phương là đang tích cực kiện toàn đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Như tại Yên Bái, theo ông Phạm Quốc Hưng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, hiện nay 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã thành lập được các đội xung kích và đang phát huy rất tích cực, hiệu quả trong tuyên truyền phòng, chống thiên tai, trực tiếp tham gia ứng phó khi thiên tai xảy ra và khắc phục hậu quả ban đầu. Trong giai đoạn hiện nay, đội xung kích tích cực tuyên truyền người dân phòng, chống Covid-19, tham gia cùng lực lượng chức năng canh phòng, trực chốt và trực tiếp khử khuẩn…

Nói về tầm quan trọng của phương châm “4 tại chỗ” trong tình hình hiện nay, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng, chống thiên tai cho biết thêm, Ban Chỉ đạo đã đưa ra một số hướng dẫn để các địa phương tham khảo. Cụ thể, trong công tác chuẩn bị khu sơ tán, cần xác định nhu cầu sơ tán về số hộ, số người để tiến hành bố trí. Lựa chọn các công trình có sức chống chịu với thiên tai, đủ diện tích giãn cách theo quy định phòng, chống dịch Covid-19, công trình phụ,… thuận tiện cho việc chăm sóc các đối tượng yếu thế và công tác tiếp tế. Về tổ chức di chuyển sơ tán, chú ý bố trí nhóm người vào các khu phải hợp lý, trong đó, lưu ý nếu có F1, có triệu chứng nghi mắc Covid-19 cần cho vào khu cách ly. Với nhóm có nguy cơ thấp, không có triệu chứng của bệnh sẽ di chuyển vào khu sơ tán. Ðồng thời, nên tổ chức di chuyển trước khi thiên tai ập đến, vào ban ngày.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần bảo đảm thông tin phải đi trước một bước, phải nhanh hơn thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và đến được với tất cả mọi người. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, thực tế qua việc khảo sát cho thấy việc người dân nhận được thông tin qua loa truyền thanh di động được lãnh đạo các thôn, ban, ngành đến từng xóm, khu vực tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Cùng đó, với những vùng khó khăn, miền núi, loa phát thanh không thể đến được với toàn thể người dân, có thể cung cấp thông tin tới nhân dân thông qua cán bộ y tế, cán bộ xã, bà con lối xóm bằng hình thức truyền miệng, trực tiếp.

Quang Ánh - Hiếu Dân

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-song-xa-hoi/thach-thuc-kep-truoc-mua-mua-bao-663205/