Thách thức không nhỏ từ vùng cao

Kỳ 1: Sinh nhiều con: Thực trạng và nguyên nhân

Nâng cao chất lượng dân số:

Những người mẹ trẻ tay bồng, tay bế

Chị Sùng Thị Nú, sinh năm 1989, người dân tộc Mông ở tổ 1 phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa) lấy chồng năm 22 tuổi. 8 năm sau ngày cưới, chị sinh 4 con gái. Chị Nú cho biết: Chồng nói phải có con trai mới thôi nên cai sữa đứa thứ 4 này xong, mình lại sinh tiếp.

Nhiều phụ nữ người Mông ở tổ 1, phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa) sinh con thứ 3 trở lên.

Nhiều phụ nữ người Mông ở tổ 1, phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa) sinh con thứ 3 trở lên.

Chị Sùng Thị Nú chỉ là 1 trong 14 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên ở phường Hàm Rồng trong năm 2019. Mặc dù đã giảm 13 trường hợp so với năm 2018, nhưng riêng tổ 1 vẫn có 9 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, tăng 3 trường hợp so với năm 2018. Đây là địa phương có tỷ lệ người dân tộc Mông chiếm 90%.

Còn tại xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà), trong số 130 trẻ sinh trong năm 2019, có 31 trẻ là con thứ 3 trở lên. Xã có 8 dân tộc, trong đó đồng bào Mông, Dao và Nùng chiếm đa số; các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên chủ yếu là người Mông.

Cuối năm 2019, chị Giàng Thị Say, sinh năm 1991, người dân tộc Mông ở thôn Phìn Giàng A, xã Cốc Ly vừa sinh thêm đứa con trai thứ 5. Chị Say cho biết: Tôi muốn có một đứa con gái nhưng sinh đứa này vẫn là con trai.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều gia đình sinh con thứ 3 trở lên. Theo đánh giá của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, năm 2019, Lào Cai có 11.697 trẻ mới sinh, trong đó có 1.544 trẻ là con thứ 3 trở lên, chiếm 13,22%, giảm 0,52% so với năm 2018 (13,74%). Đặc biệt, số trẻ là con thứ 4 trở lên trên địa bàn tỉnh năm vừa qua là 428 trẻ, chiếm hơn 27%. Các địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao là: Bắc Hà (19,72%), Bảo Yên (16,38%), Mường Khương (13,61%), thị xã Sa Pa (14,40%)… Số phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên là người dân tộc Mông chiếm 51,66%.

Chưa hiểu đúng quy định của Nhà nước

Trước đây, Nhà nước cấm sinh con thứ 3 đối với cán bộ, công chức, viên chức và khuyến khích người dân dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Sỹ Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh: Để đạt chất lượng dân số như mong muốn thì cần đạt tỷ lệ sinh 2,1 trẻ/phụ nữ. Có nghĩa là vẫn có những phụ nữ sinh 3 con, nhưng tùy từng trường hợp và địa phương cụ thể, Nhà nước có quy định rõ ràng về vấn đề này.
Theo Quy định 05 ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị, có các trường hợp sinh con thứ 3 không bị coi là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình như: Cặp vợ chồng sinh con thứ 3 nếu cả 2 hoặc 1 trong 2 người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cặp vợ chồng sinh lần thứ 3 trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có 1 con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi; cặp vợ chồng đã sinh 1 con hoặc 2 con, nếu 1 trong 2 người đã có con riêng (con đẻ); phụ nữ chưa kết hôn sinh 1 hoặc 2 con trở lên trong cùng 1 lần sinh…

Như vậy, tùy từng hoàn cảnh, từng địa phương, phụ nữ có thể sinh thêm con thứ 3 nhưng việc sinh con thứ 4, thứ 5 trở lên trong khi các con trước vẫn khỏe mạnh bình thường là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Tư tưởng cổ hủ, lạc hậu

Trường hợp của chị Bàn Thị Thu, sinh năm 1987, người dân tộc Dao, ở thôn Lùng Xa 1, xã Cốc Ly: Chồng chị đã có 1 con gái riêng; vợ chồng cũng đã có 3 con chung, các con đều khỏe mạnh bình thường, nhưng vẫn sinh thêm con thứ 5. Anh Bồng Văn Trung (chồng chị Bàn Thị Thu) chia sẻ: “Tôi là con trai trưởng. Theo phong tục, tôi cần có con trai để sau này còn thờ cúng tổ tiên nên vợ chồng tôi mới cố đẻ thêm”.

Hoặc gia đình chị Giàng Thị Say, sinh năm 1991, người dân tộc Mông ở thôn Phìn Giàng A, xã Cốc Ly. Mặc dù đã có 4 con trai nhưng vì tư tưởng muốn có con gái cho “có nếp, có tẻ” nên anh chị vẫn cố sinh thêm con thứ 5. Còn gia đình chị Sùng Thị Mẩy, sinh năm 1986, người dân tộc Nùng ở thôn Nậm Ké, xã Cốc Ly muốn có nhiều con chỉ đơn giản là vì thích nhà đông con để sau này có người làm việc.

Những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức người dân, dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn gia tăng ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lâm Văn Din, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cốc Ly cho biết: Cũng có những trường hợp do sinh hoạt vợ chồng không dùng biện pháp tránh thai an toàn nên có thai mà không biết, khi đến Trạm Y tế kiểm tra sức khỏe mới phát hiện ra...

Nhiều khó khăn trong công tác dân số

Bà Lưu Thị Ngân Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã Sa Pa cho biết: Đối với Sa Pa, việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng chính sách về dân số gặp khá nhiều khó khăn vì địa phương có nhiều khu vực đặc trưng. Ví dụ như khu vực người dân theo đạo có quan niệm sinh đẻ là chuyện tự nhiên nên không muốn can thiệp nhiều; khu vực trung tâm, các khu du lịch, buôn bán, người dân có điều kiện kinh tế nên không quan tâm nhiều đến việc vi phạm chính sách dân số; khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số có mặt bằng nhận thức hạn chế nên việc tuyên truyền không đạt hiệu quả.

Chị Giàng Thị Sung, cô đỡ y tế tổ 1, phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa) cho biết: Cũng có trường hợp vì biết bản thân vi phạm chính sách dân số nên không dám đến cơ sở y tế để sinh mà tự sinh ở nhà và chỉ gọi cô đỡ y tế thôn, bản khi việc sinh nở gặp vấn đề. Việc tuyên truyền và chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé vì thế mà gặp khó khăn.

Việc thiếu y tế thôn, bản cũng là một thách thức lớn trong khi đây là lực lượng tuyên truyền viên tích cực, gần dân nhất.

Bà Dương Thị Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà cho biết: Huyện có 135/160 cộng tác viên dân số kiêm y tế thôn, bản. Huyện vừa cử 14 người đi đào tạo về cô đỡ y tế thôn, bản theo chương trình, dự án của tỉnh nhưng không biết có giữ được họ hay không vì công việc rất vất vả, vừa làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân, vừa tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh môi trường nông thôn… trong khi phụ cấp ít khiến họ không thiết tha với công việc.

Hoàng Thương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/thach-thuc-khong-nho-tu-vung-cao-z5n20200326142811585.htm