Thách thức khủng bố gia tăng trong chính phủ mới tại Afghanistan

Giới chuyên gia phỏng đoán về các thách thức khủng bố gia tăng sau khi Taliban thông báo về việc thành lập chính phủ lâm thời ở Afghanistan.

Taliban thành lập Chính phủ lâm thời mới

Theo CNBC, lực lượng Taliban ở Afghanistan đã thông báo thành lập Chính phủ lâm thời mới, bao gồm những người thể hiện cam kết thực hiện một chế độ Hồi giáo nghiêm ngặt ở quốc gia 40 triệu dân. Nội các mới của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan không có bất kỳ vị trí nào dành cho phụ nữ, thành viên đối lập, nhóm dân tộc thiểu số hoặc tôn giáo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Rất ít chuyên gia có thể dự đoán kịch bản phiến quân Taliban nhanh chóng chiếm Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khỏi cuộc chiến dai dẳng kéo dài trong 20 năm qua. Trước đó, một số đại diện của Taliban từng nói rằng sự trở lại của họ trong chính quyền Afghanistan với mong muốn tăng cường hòa giải với quốc tế và sẽ tuân thủ các quy tắc quốc tế. Đến hiện tại, động thái của Taliban cho thấy sự thất bại về cam kết xây dựng một chính phủ bao trùm với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố trong tương lai. Giới chuyên gia cũng cảnh báo các thách thức về phong trào thánh chiến toàn cầu sau khi Taliban thông báo thành viên nội các mới trong chính quyền Afghanistan.

Trong buổi họp báo tại Thủ đô Kabul vào ngày 7/9, phát ngôn viên Taliban - Zabihullah Mujahid đã thông báo ra mắt chính thức thành phần Chính phủ lâm thời sẽ lãnh đạo Afghanistan trong giai đoạn sắp tới. Danh sách bao gồm 33 thành viên, hầu hết đều là các nhân vật từng gắn bó với Taliban trong suốt nhiều năm qua, hoặc là thuộc các phe cánh lớn trong nội bộ tổ chức này. Các vị trí chủ chốt trong chính quyền mới đều là các nhân vật có quan điểm Hồi giáo cứng rắn.

Mohammad Hassan Akhund, người đứng đầu Rehbari Shura, cơ quan ra quyết định quyền lực của Taliban, sẽ giữ chức Thủ tướng lâm thời trong khi Mullah Abdul Ghani Baradar giữ vị trí Phó thủ tướng lâm thời. Đáng lưu ý, Sirajuddin Haqqani trở thành Quyền Bộ trưởng Nội vụ. Sirajuddin Haqqani được biết đến là lãnh đạo trong Mạng lưới Haqqani có liên quan đến lực lượng khủng bố al-Qaeda. Người này là thủ lĩnh nhóm vũ trang Haqqani, tổ chức mà Mỹ xem là "khủng bố".

Giới chuyên gia nhận định, cam kết trước đó của Taliban về việc xây dựng một Chính phủ bao trùm, mang tính đại diện với tất cả các thành phần ở đất nước Afghanistan dường như khó có thể thực hiện trong bối cảnh Tiểu vương quốc Hồi giáo lấy luật Hồi giáo Shariah làm khuôn khổ.

Khủng bố có bảo trợ của Taliban

Theo CNBC, việc thông báo các thành viên chính phủ lâm thời thay vì chính phủ bao trùm như hứa hẹn cho thấy sự rập khuôn trong mô hình nhà nước trước đây. Trong nội các mới này, không có bất cứ gương mặt nữ nào. Cơ cấu Chính phủ vừa công bố cho thấy sự thống trị của Mạng lưới Haqqani, một nhánh của Taliban có quan hệ rất chặt chẽ với Cơ quan Tình báo quốc phòng Pakistan (ISI).

"Mặc dù đối thủ của Taliban là ISIS-K hay Nhà nước hồi giáo Khorasan nhưng các mối liên quan giữa ISIS-K với Mạng lưới Haqqani vẫn tồn tại", Giám đốc an ninh quốc tế thuộc Quỹ châu Á- Thái Bình Dương Sajjan Gohel nhận định.

Hibatullah Akhundzada, Thủ lĩnh của Taliban vẫn giữ vị trí quyền lực tối cao đối với các vấn đề tôn giáo, chính trị và quân sự của đất nước.

"Chính phủ mới do Taliban chỉ định bao gồm những người có quan điểm Hồi giáo cứng rắn giữ vị trí chủ chốt", ông Peter Michael McKinley – cựu đại sứ Mỹ tại Afghanistan nói trên CNBC.

"Vì vậy, nếu Taliban đang tìm cách gửi thông điệp đến cộng đồng quốc tế với mong muốn tìm kiếm định hướng khác so với giai đoạn từ năm 1996 – 2001 thì động thái này không phải là khởi đầu tốt mà thế giới mong muốn", ông Peter Michael McKinley nhận định.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ quan ngại đối với một số thành viên trong chính quyền mới của Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh nếu Afghanistan không đe dọa đến an ninh các quốc gia khác thì hỗ trợ nhân đạo sẽ nhanh chóng tiếp cận vào quốc gia này.

Ông Nader Nadery, thành viên cấp cao thuộc Nhóm đàm phán hòa bình Afghanistan khẳng định mối lo sợ lớn nhất của cộng đồng quốc tế là "sự hợp nhất quyền lực của tất cả các nhóm khủng bố" dưới sự bảo trợ của Taliban.

Giới quan sát nhận định, hiện tại vẫn chưa rõ các động thái tiếp theo mà Chính phủ mới Taliban sẽ thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, thách thức trước mắt của Afghanistan là cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng cùng với các thách thức lớn về kinh tế. Với một nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ và một chính phủ trước đây cần sự tài trợ đến 80% từ phương Tây thì chắc chắn chính phủ Taliban "sẽ phải có các hành động thiết thực hơn trong thời gian tới" để khắc phục tình trạng của đất nước.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/thach-thuc-khung-bo-gia-tang-trong-chinh-phu-moi-tai-afghanistan-20210909153009734.htm