Thách thức kinh tế lớn khiến hai ứng viên Trump và Biden đau đầu nếu đắc cử Tổng thống Mỹ
Người chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào tuần sau sẽ phải đối mặt với một thế hệ người Mỹ có thu nhập trung bình và thấp, chật vật tìm việc làm vì khủng hoảng y tế chưa từng có trong hơn 100 năm qua.
Theo hãng tin Reuters, dù ai trong hai ứng viên là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hay đối thủ bên đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 3/11 tới, thì tương lai đối với người Mỹ vẫn rất mơ hồ: một nửa trong số 22 triệu người mất việc do đại dịch chưa có việc làm.
Tốc độ tuyển dụng mới đang chậm lại. Các ca mắc mới COVID-19 – căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của trên 225.000 người Mỹ - đang tăng lên mức kỷ lục mới. Các khách sạn, công ty vận tải và nhà cung cấp thực phẩm cảnh báo sắp có thêm nhiều đợt sa thải nhân viên, trong khi đó thì khoản viện trợ của chính phủ đã hết từ lâu.
Đảm bảo một tương lai cho thế hệ mới “là thách thức quan trọng nhất mà nước Mỹ phải đối mặt trong vài năm, 10 năm, 20 năm tới”, Gene Ludwig - cựu chuyên gia tiền tệ dưới thời Tổng thống Bill Clinton đồng thời là tác giả cuốn sách “Tan biến Giấc mơ Mỹ” nói về những thách thức kinh tế mà người Mỹ có thu nhập trung bình và thấp phải đối mặt – nhận định. “Chúng ta không thể duy trì một xã hội dân chủ mà trong đó, những người thu nhập thấp và trung bình không có hy vọng về giấc mơ Mỹ”.
Hiện các nghị sĩ quốc hội thuộc đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Trump tìm cách đàm phán về dự luật viện trợ COVID-19 trị giá 2.000 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện lên tiếng phản đối khoản chi này và đặt câu hỏi liệu có cần thêm gói kích thích hay không. Có thể phải đến đầu năm 2021, gói kích thích này mới được thông qua.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Chính sách Xã hội & Nghèo đói tại Đại học Columbia, khoản viện trợ trong Đạo luật CARES bổ sung 600 USD/tuần vào trợ cấp thất nghiệp của các tiểu bang đã giúp nhiều người Mỹ thoát khỏi cảnh nghèo vào tháng 4. Tuy nhiên, ngay sau khi gói hỗ trợ hết hiệu lực vào cuối tháng 7, tình trạng nghèo đói lại một lần nữa trên đà gia tăng, với tỷ lệ nghèo trung bình tháng vào tháng 9 chạm mức 16,7%, so với tháng 2 là 15%.
Bà Lisandra Bonilla (46 tuổi) sống tại bang Florida đã bị cho nghỉ việc từ cuối tháng 3. Mặc dù bà có một khoản tiết kiệm tương đối khá trichsh từ khoản trợ cấp thất nghiệp và tìm được một việc làm bán thời gian từ cuối tháng 9, song bà vẫn chật vật để trả các loại hóa đơn hàng tháng. Bà Lisandra lo sợ nếu tình cảnh này tiếp diễn, khoản tiền tiết kiệm của bà sẽ cạn kiệt vào tháng 12.
Ông Donald Harper (55 tuổi) đã phải trải qua trên 50 cuộc phỏng vấn tuyển dụng kể từ khi mất việc vào tháng 3. Từng là một đầu bếp kỳ cựu và quản lý năm nhà hàng tại một khu nghỉ mát ở Orlando, song cơ hội mới chưa mỉm cười với ông.
“Tôi có thể làm bất cứ công việc nào” Harper nói thêm ông đang phải chật vật để trả tiền thực phẩm và điện nước sinh hoạt với 275 USD/tuần trợ cấp thất nghiệp, cũng như còn nợ tiền nhà với giá thuê 1.900 USD/tháng. “Tôi không muốn trở thành người vô gia cư”, ông Harper có hai đứa con 10 tuổi và 13 tuổi.
Mỹ hiện có 2,4 triệu người thất nghiệp “dài hạn”. Những người được liệt vào danh sách này là những người không có việc làm liên tục trong ít nhất 27 tuần. Các nhà kinh tế cho biết những người đang tìm việc có nguy cơ ra khỏi thị trường lao động hoặc nhận công việc trả lương thấp hơn năng lực.
Từ tuần này, bà mẹ đơn thân 3 con Rachel Alvarez (44 tuổi) ở Naples, Florida bắt đầu công việc mới phục vụ tại một nhà hàng. Bà cho biết đây là lần đầu tiên cô làm việc kể từ khi thất nghiệp vào tháng 3. Các nhân viên nhà hàng thường có thêm lợi nhuận từ tiền boa song trong bối cảnh công việc kinh doanh vẫn chậm vì COVID-19, Rachel vẫn không kiếm được nhiều. Bà đã nợ tiền thuê nhà từ tháng 6 và vẫn đang đợi chính quyền quận thông báo về một khoản trợ cấp.