Thách thức làm mẹ xứ nóng
Theo cảnh báo từ Hiệp hội Toàn cầu về Giáo dục Sức khỏe và Khí hậu (Global Consortium on Climate and Health Education – GCCHE), cứ mỗi 1 độ C nóng lên, tỷ lệ sinh non và thai chết lưu lại tăng 5%.
Tại Nam Á, nơi nhiệt độ mùa hè hiện lên đến 50 độ C, sức khỏe bà mẹ, đặc biệt là người nghèo đang là vấn đề nghiêm trọng.
Vùng đất khắc nghiệt
Ngày nay, nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1,2 độ C so với thời tiền công nghiệp (trước năm 1850). Các đợt nắng nóng liên tục xuất hiện và kéo dài, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Nam Á.
Theo báo cáo từ Phân bố Thời tiết Thế giới (World Weather Attribution), vào tháng 4/2022, Ấn Độ và Pakistan đã phải trải qua đợt nắng nóng cực đoan nhất. Tại 2 quốc gia này, nguy cơ sóng nhiệt do biến đổi khí hậu cao gấp 30 lần. Dự kiến, các đợt nắng nóng cực độ còn tiếp tục xuất hiện, gia tăng.
Ở Jacobabad (Pakistan) - một trong các thành phố nóng nhất thế giới, người dân lan truyền câu nói: “Muốn biết địa ngục như thế nào ư, chỉ cần vơ lấy một cái chăn là hiểu”. Ngày 14/5/2022, đài khí tượng thủy văn Jacobabad xác nhận, nhiệt độ trong khu vực chạm mức 51 độ C. Cộng với gió nóng và mưa nhiệt đới, Jacobabad không khác nào tấm chăn ngâm nước nóng.
Đối với con người nói chung, nhiệt độ 35 độ C đã là giới hạn. Đối với bà mẹ mang thai, cứ với mỗi 1 độ C nóng lên, tỷ lệ sinh non và thai chết lưu tăng 5%. Tại khu vực Nam Á, phụ nữ mang thai và có con nhỏ đang là những nạn nhân tuyến đầu của nóng lên toàn cầu.
Gánh nặng sức khỏe
Trên cánh đồng dưa ở Jacobabad, Sonari (20 tuổi) với cái bụng bầu to vượt mặt cặm cụi vạch tìm và hái những quả dưa chín vàng trong cái nắng như thiêu như đốt.
Bên cạnh chị, Waderi (17 tuổi) - người hàng xóm mới sinh con trong đợt sóng nhiệt vượt 50 độ C hồi tháng 5 cũng đã phải ra đồng. Không có người trông con, Waderi đặt đứa trẻ sơ sinh dưới bóng râm của cây cổ thụ cạnh ruộng, vừa hái dưa vừa để ý trông chừng.
“Nắng nóng là vấn đề vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe phụ nữ mang thai”, Cecilia Sorensen – Giám đốc GCCHE cho biết. Tại Nam Á, Sonari và Waderi chỉ là 2 trong hàng triệu chị em mang thai, mới sinh con trong nghèo khó. Họ không chỉ phải chịu đựng nóng nực mà còn vẫn phải lao động cực nhọc vì miếng cơm manh áo thường nhật.
Mỗi ngày, Sonari bắt đầu ra đồng từ 6 giờ sáng, cố gắng làm được nhiều việc nhất trước khi trời trở nên nắng gay gắt. Buổi trưa, chị phải nhóm bếp lửa, nấu ăn.
Trong điều kiện khí hậu vốn bức bối, nấu ăn bằng bếp củi hoặc lò than càng khiến xung quanh thêm nóng nực. Nó tác động tiêu cực trực tiếp lên sức khỏe của Sonari, khiến chị căng thẳng và mệt mỏi trầm trọng, đồng thời gián tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi.
Dẫu vậy, Sonari vẫn phải chịu đựng và, khi chiều bớt nắng, chị lại lần nữa ra đồng, làm lụng đến tối. Nóng bức và vất vả khiến toàn bộ cơ thể Sonari mệt lử, còn Waderi thì xây xẩm mặt mày mỗi lúc cho con bú.
Cũng trong ngày 14/5 vừa qua, trong cơn sóng nhiệt 51 độ C, Nazia – bà mẹ 5 con ở Jacobabad đã ngất xỉu khi đang nấu ăn trong bếp, chị được đưa đến bệnh viện ngay lập tức nhưng không qua khỏi.
Thân nhân Nazia cho biết đã đưa thi thể chị về quê an táng. Tuy nhiên, họ không biết phải làm thế nào với đứa con nhỏ nhất mới được 1 tuổi, vẫn đang bú mẹ của Nazia.
Thiếu điện, nước
Đói nghèo là tình trạng phổ biến trong khu vực nóng nực Nam Á. Theo báo cáo kinh tế, hơn 33% cư dân tại đây còn đang trong tình trạng dưới nghèo. Ở 3 quốc gia nghèo nhất, Afghanistan, Nepal và Pakistan, GDP bình quân/người mỗi năm chỉ lần lượt là 544 USD (khoảng 12,6 triệu đồng), 972 USD (khoảng 22,6 triệu đồng) và 1.555 USD (khoảng 36 triệu đồng).
Nắng nóng gây thiếu nước, giảm thu nhập và kéo theo thiếu điện. Tại những địa điểm nóng nhất, tình trạng cắt nước, cúp điện diễn ra thường xuyên. Các bà mẹ mang thai và cho con bú buộc phải chịu đựng điều kiện sinh hoạt tồi tệ nhất.
Ở Jacobabad, hầu hết cư dân phụ thuộc vào nước phải mua. Thành phố 200 nghìn dân này chỉ có vài chục máy bơm tư nhân, bán nước bằng cách đóng thùng 20 lít, giao cho xe chở hàng chạy tới từng nhà. Chỉ riêng chi phí nước đã “ngốn” mất của các hộ từ 1/5 - 1/8 tổng thu nhập vốn đã ít ỏi.
Raznia - mẹ bé Tamanna 6 tháng tuổi không dám lãng phí một giọt nước. Chỉ khi trời gắt gỏng quá mức, khiến Tamanna không ngừng khóc, chị mới đành rót một chút nước quý giá lên người con, sau đó ngồi quạt cho bé dịu cơn bức bối.
Trên toàn Pakistan, thiếu nước lên tới 60%. Mặc dù quốc gia này sử dụng nhiệt điện là chính, họ thường xuyên thiếu nhiên liệu, dẫn tới cúp điện liên miên. Không có điện, các cơ sở cấp nước cũng phải dừng hoạt động. Vì họ không thể bơm nước vào hệ thống đường ống cung cấp, ngay cả những vùng giàu có cũng không tránh nổi khan hiếm nước nôi.
“Vào những ngày vừa nắng nóng vừa mất điện, cúp nước, chúng tôi chỉ còn biết cầu Chúa cho mình vượt qua kiếp nạn này”, Rubina than phiền. “Biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng đến hạnh phúc của phụ nữ, đặc biệt là các chị em nghèo, thiếu nhân quyền tại các vùng nông thôn và khu ổ chuột thành thị”, Sherry Rehman – bộ trưởng Biến đổi Khí hậu (Climate Change) Pakistan phản ánh.
Theo Japantimes
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thach-thuc-lam-me-xu-nong-post599400.html