Thách thức lớn

Tại thủ đô Kabul của Afghanistan vừa xảy ra vụ tiến công khủng bố đẫm máu làm 63 người chết và gần 200 người bị thương. Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận là thủ phạm.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Taliban và Mỹ đang nỗ lực thương lượng một thỏa thuận để Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, đổi lại Taliban cam kết tiến hành đối thoại an ninh và hòa bình với Chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, an ninh bất ổn vẫn là thách thức lớn đối với Afghanistan.

Hai ngày sau vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào một đám cưới tại khu vực cộng đồng Ha-da-ra có người Hồi giáo dòng Si-ít sinh sống, ở phía tây thủ đô Kabul, khiến hàng trăm người chết và bị thương, ngày 19-8, Tổng thống Afghanistan A.Ga-ni đã cam kết xóa sổ tất cả nơi trú ẩn của IS tại nước này. Tuyên bố của Tổng thống Ga-ni được đưa ra trong bối cảnh Afghanistan kỷ niệm 100 năm Ngày Ðộc lập. Tổng thống Afghanistan A.Ga-ni lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất vụ tiến công này. Ông Ga-ni quyết định triệu tập cuộc họp an ninh đặc biệt để rà soát và ngăn ngừa, không để tái diễn những vụ tiến công tương tự.

Cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ IS, những kẻ gây ra vụ đánh bom thảm khốc tại thủ đô Afghanistan kể trên và gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình các nạn nhân vô tội. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres lên án mạnh mẽ những kẻ đứng sau vụ đánh bom khủng bố kinh hoàng ở Kabul, đồng thời bày tỏ “sự cảm thông sâu sắc nhất đối với gia đình các nạn nhân, cũng như Chính phủ và nhân dân Afghanistan”. Nhiều quốc gia, trong đó có Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait… đã ra tuyên bố chỉ trích kịch liệt vụ đánh bom, khẳng định chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa chung đối với toàn khu vực và do đó phải bị đánh bại.

Trên tài khoản Twitter, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ J.Bolton cho biết, Washington lên án “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất” vụ tiến công khủng bố nhằm vào hội trường tổ chức đám cưới ở thủ đô Kabul của Afghanistan. Ông khẳng định, Mỹ “luôn đồng hành với Chính phủ và người dân Afghanistan”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ M.Óc-ta-gớt cũng ra tuyên bố về vụ tiến công nêu trên, khẳng định: “Mỹ lên án vụ tiến công hèn hạ (của IS) nhằm vào một đám cưới ở Kabul. Người dân Afghanistan xứng đáng được hưởng một tương lai không khủng bố. Vì vậy đã đến lúc toàn bộ người dân Afghanistan cần tham gia tiến trình hòa bình và xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại mối đe dọa (IS)”.

Bất chấp bạo lực liên tiếp xảy ra tại Afghanistan, trong đó có vụ đánh bom tại thủ đô Kabul kể trên, Tổng thống Mỹ D.Trump hoan nghênh tiến bộ trong đàm phán thỏa thuận hòa bình tại Afghanistan, cho biết các cuộc đối thoại riêng rẽ của giới chức Washington với cả phong trào Hồi giáo Taliban và Chính phủ Afghanistan đều diễn ra tốt đẹp. Ông D.Trump cho biết, Washington đang duy trì mọi vấn đề “trong tầm kiểm soát”, nhấn mạnh triển vọng về một thỏa thuận hòa bình tại Afghanistan đang ngày càng hiện hữu, theo đó Mỹ sẽ rút quân khỏi chiến trường này, sau gần 18 năm tham chiến tại đây.

Cũng trong tuyên bố trên, Tổng thống D.Trump để ngỏ việc Mỹ rút quân theo lộ trình, trước mắt có thể giảm 1.000 quân so với mức 14.000 quân hiện nay.

Nhiều người tỏ ý hoài nghi liệu một thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt gần 18 năm qua có mang lại hòa bình cho người dân Afghanistan hay không. Trong khi đó, đại diện Mỹ tham gia đàm phán với Taliban nhấn mạnh tiến trình hòa bình cần được đẩy nhanh, nhằm giúp Afghanistan đánh bại IS.

Mới đây, quan chức Mỹ và đại diện lực lượng Taliban đã kết thúc vòng đàm phán thứ tám tại Ðô-ha (Ca-ta) về một thỏa thuận hướng tới chấm dứt cuộc chiến tranh tại Afghanistan. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban không đủ để chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan. Vì, trên thực tế, Taliban cần đạt được thỏa thuận với Chính phủ Afghanistan được Washington hậu thuẫn để chấm dứt cuộc chiến này. Thế nhưng, cho đến nay, Taliban vẫn bác bỏ khả năng đàm phán trực tiếp với Chính phủ Afghanistan.

An ninh bất ổn vẫn là thách thức lớn đối với Afghanistan. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2018 là năm đẫm máu nhất tại Afghanistan, khi có ít nhất 3.804 dân thường chết trong các vụ bạo lực, trong đó có 927 trẻ em. Trong bảy tháng đầu năm 2019, các cuộc giao tranh tại đây đã làm hơn 217.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, khiến vấn đề cứu trợ nhân đạo trở nên cấp bách trên cả nước.

ÐỨC THÀNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41269802-thach-thuc-lon.html