Thách thức lớn của FED
Nước Mỹ đang trải qua cơn hoảng loạn trước đại dịch Covid-19 khi các ca nhiễm tăng lên từng giờ và thành phố Niu Oóc, một điểm nóng của đại dịch, vừa ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, bên cạnh mối lo tính mạng của người dân, một thách thức lớn với nước Mỹ là 'sức khỏe' nền kinh tế bị tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh, trong khi các giải pháp tài chính của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa mang lại sự yên tâm.
Bình luận quốc tế
Những ngày gần đây, dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng tại hơn 40 bang và thủ đô Washington của Mỹ. Thị trưởng New York B.Blasio phải ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 12-3 để ứng phó với đại dịch. Cơ quan Y tế bang Ohio cho biết, Covid-19 đang lây lan nhanh chóng tại bang này, đồng thời cảnh báo ít nhất 100 nghìn người dân của bang sẽ bị nhiễm. Theo thông tin cập nhật, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ xác nhận, nước này đã có 1.264 trường hợp nhiễm, số người bị chết là 36.
Đại dịch Covid-19 không chỉ diễn biến phức tạp và đe dọa tính mạng của người dân Mỹ, mà còn “thổi bay” hàng tỷ USD trên các sàn chứng khoán những ngày qua và đặt nền kinh tế số một thế giới trước thách thức lớn. Hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán phố Uôn đã tê liệt ngày 12-3 (giờ Mỹ) sau khi các mã chứng khoán nước này lao dốc. Hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ đã phải gián đoạn sau khi chỉ số S&P 500 giảm tới 7% xuống mức 2.549,05 điểm, kích hoạt cơ chế tự động tạm ngưng thị trường trong vòng 15 phút. Chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm sâu. Trước đó, từ cuối tháng 2, chứng khoán Mỹ đã có nhiều phen “đỏ sàn” lịch sử bởi lo ngại tác động tiêu cực của dịch Covid-19 với nền kinh tế Mỹ và thế giới. Nhưng, phiên giảm điểm kỷ lục trong “ngày đen tối” hôm 12-3 phản ánh mối lo ngại đang gia tăng của thị trường về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, sau khi Tổng thống Mỹ Đ.Trăm tuyên bố cấm tất cả các hoạt động đi lại từ châu Âu, ngoại trừ Anh, tới Mỹ trong vòng một tháng để chống dịch.
Ngoài tín hiệu tiêu cực từ thị trường chứng khoán, mối lo kinh tế Mỹ lâm vào khó khăn vì dịch Covid-19 lan rộng cũng được phản ánh trong một báo cáo mà FED vừa công bố. Theo đó, dịch bệnh đang gây gián đoạn hoạt động đi lại và khả năng tiếp cận hàng hóa đối với ngành công nghiệp Mỹ. FED khuyến cáo các doanh nghiệp Mỹ rằng, “tình hình có thể tồi tệ hơn” và các nhà sản xuất lo ngại sự gián đoạn này sẽ tiếp tục gia tăng. Trong những tuần gần đây, FED đã theo sát diễn biến thị trường cũng như diễn biến của dịch bệnh để đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn đà giảm tốc của nền kinh tế Mỹ. Trước đà “lao dốc” của thị trường chứng khoán, Chủ tịch FED J.Powell tuyên bố, sẽ sử dụng công cụ và hành động phù hợp nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Từ đầu tháng 3, cơ quan này quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp nhằm ứng phó với nguy cơ dịch tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Theo đó, ủy ban hoạch định chính sách của FED đã cắt giảm lãi suất 0,5%, xuống còn biên độ từ 1 đến 1,25%. Đây là mức giảm lãi suất lớn nhất của FED kể từ năm 2008. Ngay trong ngày mà chứng khoán Mỹ “đỏ lửa” hôm 12-3, chi nhánh của FED tại Niu Oóc thông báo sẽ chi 1.500 tỷ USD để mua các tài sản tài chính trong nỗ lực lớn nhằm bơm tiền vào thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, các động thái nêu trên dường như chưa đủ sức trấn an thị trường. Giới phân tích và các nhà đầu tư hiện vẫn hoài nghi về tác dụng của việc FED hạ lãi suất trong bối cảnh cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra có thể đe dọa đến nguồn cung và nhu cầu trong nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế quan ngại, liệu “liều thuốc hạ lãi suất” của FED có thể sớm vực dậy tăng trưởng kinh tế hay không, trong bối cảnh các nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất do chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng hạn chế tiêu tiền do lo ngại dịch bệnh... Bên cạnh đó, một khi tâm lý hoảng loạn trên thị trường chứng khoán gia tăng, có thể dẫn đến những “cơn lũ bán tháo” cổ phiếu trong các phiên giao dịch tới. Điều này sẽ là “đại họa” với kinh tế Mỹ.
Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng khoảng 2 đến 3% trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến “mây đen u ám” bao phủ triển vọng tăng trưởng. Đưa nền kinh tế số một thế giới vượt qua khó khăn hiện nay cũng như ngăn chặn “cơn lũ bán tháo” trên thị trường chứng khoán đang là thách thức lớn của FED trong bối cảnh các biện pháp mà cơ quan này đã triển khai chưa khiến các nhà đầu tư yên tâm.