Thách thức lớn nhất của AI không phải chip, mà là điện

Rào cản thực sự để đạt được siêu trí tuệ không phải là sức mạnh tính toán hay nguồn vốn, mà là điện năng...

Cựu Giám đốc điều hành Google, ông Eric Schmidt, cho rằng cần lên kế hoạch trước để đảm bảo có đủ năng lượng đáp ứng những cơ hội và thách thức mà AI mang lại

Cựu Giám đốc điều hành Google, ông Eric Schmidt, cho rằng cần lên kế hoạch trước để đảm bảo có đủ năng lượng đáp ứng những cơ hội và thách thức mà AI mang lại

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi mạnh mẽ các ngành công nghiệp như tài chính và dịch vụ khách hàng, các gã khổng lồ công nghệ tại Thung lũng Silicon đang hướng tới một mục tiêu tham vọng hơn: siêu trí tuệ (superintelligence).

KHAN HIẾM NĂNG LƯỢNG

Đây là giai đoạn tiếp theo của AI, nơi các công ty đặt mục tiêu vượt qua tổng hợp năng lực nhận thức của toàn thể nhân loại. Mặc dù siêu trí tuệ vẫn chưa trở thành hiện thực, nhưng nó đã thu hút hàng tỷ đô la đầu tư và làm dấy lên một mối lo ngại ngày càng lớn: sự khan hiếm năng lượng.

Mới đây, cựu Giám đốc điều hành Google, ông Eric Schmidt, đã chỉ ra rằng rào cản thực sự để đạt được siêu trí tuệ không phải là sức mạnh tính toán hay nguồn vốn, mà là điện năng. “Giới hạn tự nhiên của AI không phải là chip, mà là điện”, ông Schmidt khẳng định. “Hoa Kỳ hiện được dự báo sẽ cần thêm 92 gigawatt điện để hỗ trợ cuộc cách mạng AI”.

Con số này tương đương với việc xây dựng khoảng 92 nhà máy điện hạt nhân mới, một nhiệm vụ vô cùng khó khăn khi quốc gia này chỉ xây được hai nhà máy trong ba thập kỷ qua.

Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh các gã khổng lồ công nghệ như OpenAI, Meta và Microsoft đang chạy đua để phát triển các hệ thống AI chuyên sâu trong các lĩnh vực như luật, y học, kỹ thuật và nghiên cứu. Theo dự đoán của ông Schmidt, những thành tựu này có thể được hiện thực hóa trong vòng năm năm tới.

MỘT BƯỚC ĐỘT PHÁ VỀ NĂNG LƯỢNG LÀ ĐIỀU CẦN THIẾT CHO TƯƠNG LAI CỦA AI

Cơ hội và thách thức từ siêu trí tuệ là rất lớn. Khi Phố Wall đổ xô đầu tư vào AI, bị hấp dẫn bởi tiềm năng tự động hóa công việc, tăng năng suất và mở ra những khám phá mới, siêu trí tuệ được xem là mục tiêu tối thượng. Cuộc đua đạt được nó ngày càng khốc liệt, với các công ty không chỉ cạnh tranh để thu hút nhân tài AI hàng đầu mà còn tìm cách đảm bảo các hợp đồng năng lượng khổng lồ để duy trì lợi thế.

Ví dụ, Microsoft đã ký một thỏa thuận mua điện kéo dài 20 năm với Constellation Energy để khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island, vốn đã bị đóng cửa từ năm 2019, với mục tiêu đưa vào hoạt động trở lại vào năm 2028. Báo cáo môi trường mới nhất của Microsoft cũng tiết lộ một chi phí khác của việc sử dụng AI hiện tại: mức tiêu thụ nước để làm mát máy chủ và duy trì hoạt động của các trung tâm dữ liệu đã tăng 34%, tương đương 1,7 tỷ gallon nước trong một năm.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, đến năm 2027, khối lượng công việc của AI có thể tiêu thụ tới 6,6 tỷ mét khối nước, đủ để cung cấp cho toàn bộ Canada trong hơn một năm.

Ngay cả ông Sam Altman, Giám đốc điều hành của OpenAI, cũng đã thừa nhận thách thức về năng lượng. “Một bước đột phá về năng lượng là điều cần thiết cho tương lai của AI”, ông nói vào năm ngoái. Bản thân ông Altman đã đầu tư vào Helion, một công ty khởi nghiệp về năng lượng hạt nhân tổng hợp, với mục tiêu xây dựng một nhà máy thí điểm vào năm 2028.

Các nhà lập pháp cũng đang chú ý đến vấn đề này. Vào tháng 5, Microsoft và AMD đã kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng mới để tránh gây quá tải cho lưới điện quốc gia.

Tuy nhiên, tác động môi trường của AI đang làm dấy lên lo ngại trong các tổ chức bảo vệ khí hậu. Tổ chức Greenpeace cảnh báo rằng, nếu không có kế hoạch nghiêm túc, sự phát triển của AI có thể làm chệch hướng các mục tiêu khí hậu quốc gia và toàn cầu – những mục tiêu mà phần lớn các quốc gia hiện đã không đạt được.

“Chúng ta không biết AI sẽ mang lại điều gì, và chắc chắn càng không biết siêu trí tuệ sẽ đem đến những gì”, ông Schmidt chia sẻ trong một bài đăng trên LinkedIn. “Nhưng chúng ta biết rằng nó đang đến rất nhanh. Chúng ta cần lên kế hoạch trước để đảm bảo có đủ năng lượng cần thiết để đáp ứng những cơ hội và thách thức mà AI mang lại”.

Nói cách khác, xây dựng “bộ não” cho AI thôi là chưa đủ. Thế giới còn phải tìm cách cung cấp năng lượng để vận hành chúng.

Thanh Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thach-thuc-lon-nhat-cua-ai-khong-phai-chip-ma-la-dien.htm