Thách thức lớn nhất trong chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững
Theo đại diện Tập đoàn Nestlé, yếu tố quyết định cho sự thành công của việc chuyển sang nông nghiệp bền vững là sự tin tưởng từ người nông dân.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, xung đột, hay đại dịch, việc chuyển đổi sang hệ thống lương thực – thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, và bền vững, sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng thực phẩm không chỉ cho gần 100 triệu người Việt Nam, mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới.
Phát triển các cụm ngành kinh tế nông nghiệp được đánh giá sẽ giúp thúc đẩy sự chuyển đổi.
Kinh nghiệm từ Nestlé cho thấy việc phát triển cụm liên kết này cần lấy người nông dân làm trọng tâm, và thách thức lớn nhất chính là có được niềm tin từ người nông dân.
Nhận định này được ông Chris Hogg, Phó chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và truyền thông khu vực châu Á, châu Đại dương, và châu Phi của Tập đoàn Nestlé, đưa ra trong sự kiện “Cụm công nghiệp hướng tới hệ thống lương thực thực phẩm bền vững tại Việt Nam” mới đây.
Cụ thể, ông cho biết, kinh nghiệm triển khai nông nghiệp tái sinh ở các nước cho thấy thách thức lớn nhất khi áp dụng các phương thức canh tác mới tại các nông trại chính là sự tin tưởng của người nông dân – yếu tố quyết định cho sự thành công của việc chuyển đổi.
“Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả thực sự, chứ không chỉ là khẩu hiệu, chúng ta cần đặt người nông dân và người lao động tại các nông trại làm trọng tâm khi thiết kế các chương trình, và cần đảm bảo các chương trình này đem lại lợi ích cho cộng đồng cũng như hành tinh”, vị lãnh đạo của Nestlé nhấn mạnh.
Theo đó, Nestlé đã thực hiện thí điểm ở quy mô nhỏ để đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng, để tạo tác động tích cực thực sự, từ đó có được sự tin tưởng của người nông dân.
Đồng thời, áp dụng phương thức “đào tạo người đào tạo”, trong đó mỗi nhóm 50 – 100 người nông dân sẽ cử ra một đại diện để tham gia chương trình huấn luyện của Nestlé. Đại diện này sau đó sẽ đào tạo lại cho các thành viên của nhóm nông dân.
Ngoài ra, ông cho biết có nhiều thách thức khác trong chuyển đổi mô hình nông nghiệp sang hướng bền vững, như rất khó thuyết phục người nông dân thay đổi thói quen canh tác đã có từ nhiều thế hệ. Đơn cử, người nông dân không tin rằng giảm sử dụng phân vô cơ giúp cải thiện chất lượng đất, từ đó tăng sản lượng cây trồng.
Tại Việt Nam, chương trình Nescafé Plan đã chứng minh được điều này khi giúp người nông dân giảm được 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học/thuốc trừ sâu, nhưng vẫn đảm bảo được năng suất cây trồng.
Lãnh đạo Nestlé nhận định việc hợp tác đa phương sẽ giúp chính phủ, các tổ chức, người dân, và khối tư nhân hiểu về nông nghiệp tái sinh. Từ đó, người nông dân có thể được tư vấn và hướng dẫn đúng cách, và có thể nhân rộng mô hình nông nghiệp tái sinh.
Đơn cử, Nescafé Plan được Nestlé triển khai tại Việt Nam thông qua mô hình hợp tác công tư thông qua phối hợp thực hiện cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông các tỉnh Tây Nguyên, và Viện Khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây nguyên (WASI).
Nestlé đang hỗ trợ người nông nhân ở các nước chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm tái sinh, trong đó có Việt Nam, nhằm bảo vệ và góp phần phục hồi môi trường, cải thiện sinh kế của người nông dân và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng và người tiêu dùng.
Để thúc đẩy chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm tái sinh, Nestlé thực hiện nhiều chương trình thúc đẩy nông nghiệp tái sinh trong chăn nuôi và trồng trọt. Nestlé cam kết đến năm 2030, 50% thành phần chính trong sản phẩm của Tập đoàn phải đến từ nguồn nông nghiệp tái sinh.
Đối với lĩnh vực cà phê, Nestlé mới đây đã công bố chương trình Nescafé Plan 2030, nhằm hỗ trợ sự chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh, đồng thời góp phần hiện thực hóa cam kết của Nestlé về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero). Việt Nam là một trong 7 thị trường chính mà Nestlé đang triển khai Nescafé Plan 2030.