Thách thức lớn thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng
Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến phức tạp như hiện nay đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác thu hồi tài sản tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ năm 2021 đến nay, tổng số tiền phải thi hành án trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh đều tăng, năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, con số thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra theo tinh thần của Nghị quyết số 96/2019/NQ-QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội.
Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến phức tạp như hiện nay đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác thu hồi tài sản.
Hàng nghìn tỷ đồng phải thi hành án
Theo Cục Thi hành Án Dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng năm 2023, số việc phải thi hành án tham nhũng, kinh tế của đơn vị là 468/4879 việc của toàn quốc. Số tiền phải thi hành án hơn 74.000 tỷ đồng, kết quả thu hồi hiện đạt hơn 17.000 tỷ đồng, chiếm tương ứng 76,87% và 87,15% của toàn quốc.
Tổng số vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo (Ban Chỉ đạo) tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 là 40 vụ án.
Cục Thi hành án dân sự Thành phố thi hành xong 3 vụ án gồm: Vụ án VN Pharma, vụ Vũ Huy Hoàng, vụ Phan Văn Anh Vũ do Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội ủy thác.
Việc thu hồi tài sản chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra theo tinh thần của Nghị quyết số 96/2019/NQ-QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân, của Tòa án Nhân dân và công tác thi hành án, khi Nghị quyết yêu cầu kết quả thu hồi trên 60% tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Thời gian tới, việc đưa vụ án Vạn Thịnh Phát với 86 bị can và hơn 42.000 bị hại, số tiền phải thu hồi ước tính hơn 400.000 tỷ đồng ra xét xử thì sẽ có hàng nghìn tài sản được cơ quan điều tra kê biên để đảm bảo thi hành án.
Theo ông Trần Đình Hoàng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ 2 Cục Thi hành Án Dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, việc đưa vụ án Vạn Thịnh Phát với 86 bị can và hơn 42.000 bị hại, số tiền phải thu hồi ước tính hơn 400.000 tỷ đồng ra xét xử thì sẽ có hàng nghìn tài sản được cơ quan điều tra kê biên để đảm bảo thi hành án. Đây là thách thức rất lớn với Cục Thi hành án dân sự Thành phố khi hiện nay, Phòng Nghiệp vụ 2 - đơn vị chủ lực trong tổ chức thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế chỉ có 24 Chấp hành viên tổ chức thi hành án. Phòng Nghiệp vụ 2 phải theo dõi và xử lý hơn 700 tài sản là bất động sản và nhiều cổ phần, cổ phiếu, vốn góp.
Ông Trần Đình Hoàng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ 2 Cục Thi hành Án Dân sự Thành phố, nhận định nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế chưa đạt như mong muốn.
Tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phần lớn có số lượng bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhiều dẫn đến số người phải thi hành án nhiều, số tài sản bị chiếm đoạt lớn, đặc biệt lớn.
Tuy nhiên, tài sản tuyên duy trì kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tài sản xác minh được trong giai đoạn thi hành án để đảm bảo thi hành án không nhiều do các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng thường xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện để điều tra, truy tố, xét xử.
Đến thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện, đối tượng thực hiện tẩu tán tài sản hoặc tài sản chiếm đoạt đã bị các đối tượng sử dụng thực hiện giao dịch đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau.
Số tiền thu được sau khi cơ quan thi hành án tiến hành thủ tục phát mãi tài sản, thu giữ, xử lý tài khoản bị phong tỏa chưa cao dẫn đến cơ quan thi hành án đã xử lý hết tài sản của người phải thi hành án nhưng số tiền phải thu hồi còn nhiều.
Tài sản phải thu hồi rất lớn nhưng đương sự không có tài sản hoặc có tài sản bảo đảm, giá trị rất nhỏ so với nghĩa vụ phải thi hành như trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như (Vietinbank).
Đối với việc kê biên xử lý tài sản là vốn góp, việc xác định giá trị doanh nghiệp để thực hiện xử lý phần vốn góp chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, chưa quy định rõ đơn vị thẩm định giá tài sản của doanh nghiệp, giá trị còn lại của doanh nghiệp và giá trị phần vốn góp của người phải thi hành án.
Theo ông Ngô Phạm Việt, Trưởng Phòng Kiểm sát giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ (Phòng 3), Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, quá trình giải quyết các vụ án này đang phụ thuộc nhiều vào kết quả giám định xác định sai phạm và định giá để xác định thiệt hại. Tuy nhiên, công tác này hiện rất chậm và có tình trạng sợ trách nhiệm nên kết luận chung chung, không rõ sai phạm, hậu quả.
Sửa đổi quy định pháp luật theo hướng nào?
Để thực hiện hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian tới, việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan là rất cần thiết, nhất là cần có cách tiếp cận mới xử lý tài sản kê biên, phong tỏa trong trường hợp này tránh thiệt hại cho Nhà nước và cho người phạm tội khi họ bị kết tội sau này.
Ông Ngô Phạm Việt, Trưởng phòng 3, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố, kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung các biện pháp đảm bảo thu hồi tài sản như: cấm chuyển dịch quyền về tài sản, cấm thay đổi hiện trạng tài sản, các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự vào pháp luật tố tụng hình sự.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cần chủ trì phối hợp với cơ quan liên ngành Trung ương xây dựng thông tư liên tịch về công tác định giá tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng theo hướng có thể thu thập giá thị trường của tài sản tương tự hoặc giá bán tài sản sau đó để xác định được giá trị tài sản và thiệt hại của vụ án.
Ở góc tiếp cận khác, Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiếu (giảng viên Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng hướng tiếp cận việc thu hồi tài sản của những vụ án tham nhũng dưới góc độ là tài sản do phạm tội mà có, thực tế khó để có thể cải thiện việc thu hồi lại những tài sản trong các vụ án dạng này.
Với nguyên tắc tôn trọng quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam là thành viên và Hiến pháp năm 2013, việc kiến nghị phong tỏa, kê biên tài sản ngay từ giai đoạn tiền khởi tố là không khả thi.
Vì vậy, cần chuyển biến tư duy từ việc quy định là thu hồi các tài sản thông qua hoạt động tố tụng (hình sự) sang hoạt động mang tính chất tiền tố tụng, ít nặng nề nhưng nhanh chóng và hiệu quả hơn, Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiếu cho biết.
Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiếu cho biết thêm ở Australia, khi thanh tra, kiểm tra các tài sản tăng một cách đột biến mà chủ sở hữu không chứng minh được, có thể kê biên, tịch thu, đặc biệt các tài sản của quan chức.
Theo Điều 4 Luật Kê biên tài sản phạm tội của bang Western Australia-Australia quy định, trong những tài sản có thể bị kê biên có “Tài sản có giá trị tương đương với số tiền vượt quá giá trị tài sản hợp pháp của một người (tài sản không rõ nguồn gốc).”
Về thủ tục, Điều 11 của Luật này quy định, Văn phòng Viện Kiểm sát có thể nộp đơn đến tòa án yêu cầu một tuyên bố tài sản không rõ nguồn gốc đối với một người. Như vậy, họ đưa những tài sản mới bị nghi ngờ vào diện có thể bị cấm chuyển dịch hoặc kê biên. Điều này, tuy không tốn nhiều công sức nhưng có tính răn đe và tạo chuyển biến rất lớn nếu được áp dụng ở nước ta, Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiếu nhận định./.