Thách thức lớn với CHDC Công-gô
CHDC Công-gô đang căng mình chống chọi dịch bệnh kép, khi Ebola còn chưa được dập tắt, dịch Covid-19 lại diễn biến phức tạp. Bạo lực sắc tộc, kinh tế khó khăn và hệ thống y tế nghèo nàn đang đặt ra nhiều thách thức với giới lãnh đạo quốc gia châu Phi này trong các nỗ lực phòng, chống dịch bệnh.
CHDC Công-gô đang căng mình chống chọi dịch bệnh kép, khi Ebola còn chưa được dập tắt, dịch Covid-19 lại diễn biến phức tạp. Bạo lực sắc tộc, kinh tế khó khăn và hệ thống y tế nghèo nàn đang đặt ra nhiều thách thức với giới lãnh đạo quốc gia châu Phi này trong các nỗ lực phòng, chống dịch bệnh.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gia hạn tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Ebola tại CHDC Công-gô, sau khi Bộ Y tế quốc gia Trung Phi này tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm và chết vì vi-rút Ebola, tại thành phố Bê-ni thuộc tỉnh Bắc Ki-vu. Ủy ban khẩn cấp của WHO xác định, thời điểm hiện tại, dù nguy cơ lây lan thấp trên phạm vi toàn cầu, song dịch Ebola vẫn là “trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng”, cần có sự phối hợp, hỗ trợ quốc tế để ứng phó hiệu quả.
Ðợt bùng phát năm 2018 ở miền đông CHDC Công-gô và lan ra các khu vực khác đã khiến hơn 3.450 người mắc vi-rút Ebola, trong đó có hơn 2.250 người chết, chủ yếu ở CHDC Công-gô. Vắc-xin hiện được coi là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn và kiểm soát vi-rút này lây lan. WHO kêu gọi cung cấp thêm vắc-xin để hỗ trợ CHDC Công-gô đối phó dịch bệnh. Ðiều kiện để được công bố hết dịch là không phát hiện trường hợp nhiễm nào trong 42 ngày (gấp đôi thời gian ủ bệnh).
Ngoài Ebola, CHDC Công-gô còn đối mặt dịch sởi, dịch tả, và gần đây là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo theo nguy cơ về cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ðó là lý do giới chức y tế thế giới cảnh báo, quốc gia Trung Phi này hiện phải đối mặt không chỉ “thách thức kép” về dịch bệnh. Tại thời điểm châu Phi ghi nhận hơn 25 nghìn ca dương tính với Covid-19, CHDC Công-gô có hơn 350 ca mắc. Những con số này vẫn tiếp tục tăng nhanh, đặt ra những thách thức đối với cả “lục địa đen” nói chung và CHDC Công-gô nói riêng, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng trong khu vực thiếu hụt, hệ thống y tế nghèo nàn và xung đột vẫn tiếp diễn.
Ðể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo vì Covid-19, giới chức CHDC Công-gô và các tổ chức quốc tế nhanh chóng triển khai các biện pháp về dịch tễ và giãn cách xã hội. Trong khi giới chức CHDC Công-gô gấp rút chuẩn bị cho các địa phương những phương thức phản ứng khẩn cấp đối phó Covid-19, cơ quan cứu trợ quốc tế đã hỗ trợ các chương trình an ninh lương thực trong cộng đồng. Dịch Ebola bùng phát trước đây đã cho thấy tầm quan trọng của việc thông tin chính xác đến người dân. Kể từ ngày 18-3 vừa qua, nhằm hạn chế Covid-19 lây lan, CHDC Công-gô đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời đình chỉ tất cả các chuyến bay quốc tế, đóng cửa các nhà hàng và trường học. Các cuộc tụ họp tôn giáo, cũng như các hoạt động thể thao bị tạm ngừng.
Giới chuyên gia nhận định, các quốc gia đang phát triển, nhất là những nước nghèo, dễ bị tổn thương hơn so với các nước phát triển, không chỉ vì những hậu quả về y tế của đại dịch Covid-19 gây ra, mà còn do cả tình trạng mất an ninh do phản ứng đối với dịch bệnh. Lý do là, ở nhiều nước nghèo, đa số người lao động không thể làm việc từ xa, vì họ chủ yếu làm việc tay chân và cuộc sống phụ thuộc thu nhập hằng ngày. Các biện pháp giãn cách xã hội có thể đe dọa cuộc sống của họ. Do đó, chỉ có thể thông qua sự lãnh đạo mạnh mẽ và các quyết sách đúng đắn, các chính phủ ở châu Phi mới có thể bảo vệ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Cũng theo giới chuyên gia, châu Phi nói chung, CHDC Công-gô nói riêng, không thể chỉ dựa vào các khoản viện trợ quốc tế để chiến thắng dịch bệnh. Ðể đẩy lùi dịch bệnh, cần một phản ứng chung của nhiều quốc gia, gồm sự điều phối về các biện pháp, như hạn chế đi lại và các quy định cách ly. Song, chỉ kiềm chế dịch Covid-19 vẫn là chưa đủ. Các quốc gia cần nhanh chóng tăng cường hệ thống y tế để bảo vệ sức khỏe người dân trước các nguy cơ dịch bệnh trong tương lai.