Thách thức lớn với vị thế trung lập của Thụy Sĩ
Vị thế trung lập 'huyền thoại' của Thụy Sĩ sắp phải đối mặt với phép thử lớn nhất trong nhiều thập kỷ, với việc Bộ Quốc phòng nước này đang nghiêng về chính sách an ninh xích lại gần hơn với NATO.
Hãng tin Reuters mới đây dẫn lời bà Paelvi Pulli, người đứng đầu chính sách an ninh của Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ, cho biết bộ này đang lập một báo cáo về các lựa chọn an ninh trong đó có những cuộc tập trận chung với các nước NATO và "tích trữ" bom, đạn.
"Cuối cùng, có thể có những thay đổi trong cách giải thích về tính trung lập", bà Pulli nói trong một cuộc phỏng vấn. Theo bà Pulli, các lựa chọn khác bao gồm những cuộc họp cấp cao và thường xuyên giữa các chỉ huy và chính trị gia của Thụy Sĩ và NATO.
Về phần mình, trong chuyến công du tới Washington tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Viola Amherd cho biết nước này nên hợp tác chặt chẽ hơn với Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, nhưng không tham gia với tư cách thành viên.
Việc tiếp cận gần hơn với NATO sẽ đánh dấu sự từ bỏ truyền thống không đứng về bên nào, vốn được duy trì thận trọng mà những người ủng hộ cho rằng đã giúp Thụy Sĩ thịnh vượng trong hòa bình và đóng vai trò trung gian đặc biệt, kể cả trong thời kỳ phương Tây đối đầu với Liên Xô.
Báo cáo trên dự kiến được hoàn thành vào cuối tháng 9 năm nay và sẽ được chuyển đến Nội các Thụy Sĩ để xem xét. Báo cáo cũng sẽ được trình lên Quốc hội để thảo luận và làm cơ sở cho các quyết định về định hướng chính sách an ninh của Thụy Sĩ trong tương lai.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ sẽ đóng góp vào một nghiên cứu rộng hơn đang được Bộ Ngoại giao nước này soạn thảo. Dự án đó sẽ xem xét việc áp dụng các lệnh trừng phạt, xuất khẩu vũ khí, đạn dược và mối quan hệ với NATO từ góc độ trung lập, thông báo của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nêu rõ.
Thụy Sĩ đã không tham chiến trong các cuộc chiến tranh quốc tế kể từ năm 1815, khi nước này thông qua chế độ trung lập tại Hội nghị Vienna. Công ước La Hay 1907 khẳng định Thụy Sĩ sẽ không tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang quốc tế, ủng hộ các bên tham chiến với quân đội hoặc vũ khí, hay cho phép các bên tham chiến sử dụng lãnh thổ của mình.
Tính trung lập của Thụy Sĩ được cập nhật lần gần đây nhất vào đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, nhằm mở ra một chính sách đối ngoại dựa trên sự hợp tác với các nước khác trong các lĩnh vực như viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Tuy nhiên, xung đột ở Ukraine đã làm hồi sinh cuộc tranh luận, hiện tập trung vào việc Chính phủ quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga nhưng không cho phép chuyển giao vũ khí, đạn dược do Thụy Sĩ sản xuất sang Ukraine. Bà Pulli chia sẻ: “Có rất nhiều sự băn khoăn khi Thụy Sĩ không thể đóng góp nhiều hơn để giúp Ukraine".
Trong những năm gần đây, Thụy Sĩ cũng đã thiết lập một số quan hệ với NATO. Năm ngoái, nước này quyết định mua máy bay chiến đấu F-35A của tập đoàn Lockheed Martin mà một số thành viên NATO đã mua hoặc đang sử dụng.
Thụy Sĩ "không thể tham gia bất kỳ liên minh nào vì tính trung lập. Nhưng chúng tôi có thể làm việc cùng nhau và các hệ thống chúng tôi đang mua là cơ sở tốt cho điều đó", Bộ trưởng Quốc phòng Amherd nói với đài truyền hình SRF.
Quân đội Thụy Sĩ hiện ủng hộ sự hợp tác nhiều hơn với NATO như một cách để củng cố quốc phòng, trong khi dư luận trong nước đã sự thay đổi lớn kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy hơn một nửa số người được hỏi (56%) ủng hộ việc gia tăng quan hệ với NATO, cao hơn nhiều so với mức trung bình 37% trong những năm gần đây.
Việc ủng hộ gia nhập NATO vẫn là một quan điểm thiểu số, nhưng đã tăng lên đáng kể. Cuộc thăm dò vào tháng 4/2022 của công ty Sotomo (Thụy Sĩ) cho thấy 33% người được hỏi ủng hộ việc tham gia liên minh quân sự này, cao hơn so với quan điểm kéo dài trước đó là 21% trong một nghiên cứu độc lập của trường đại học ETH ở Zurich.
Tuy nhiên, Peter Keller, Tổng thư ký Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP) nói với Reuters rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn với NATO không phù hợp với sự trung lập. SVP cũng là một phần của liên minh cầm quyền và là đảng lớn nhất trong Hạ viện Thụy Sĩ.
Phản ứng về các động thái gần đây của Thụy Sĩ, Vladimir Khokhlov, phát ngôn viên của Đại sứ quán Nga tại Bern, cho biết các biện pháp như vậy sẽ dẫn đến sự thay đổi chính sách triệt để đối với Thụy Sĩ. Ông Khokhlov lưu ý Moskva sẽ "không thể lờ đi việc từ bỏ trung lập của Thụy Sĩ, điều này sẽ dẫn đến hậu quả", nhưng không cung cấp thêm chi tiết.