Thách thức mới đối với giáo viên Hàn Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, một nghiên cứu gần đây cho thấy hơn 50% số giáo viên tại các trường có nhiều học sinh nhập cư tại Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc giao tiếp với học sinh do khả năng tiếng Hàn của các em còn hạn chế.

Học sinh tại trường trung học ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Học sinh tại trường trung học ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong báo cáo kết quả nghiên cứu được công bố ngày 22/9, Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc (KEDI) đánh giá việc thiếu sự hỗ trợ về chính sách thường làm trầm trọng thêm vấn đề này, có khả năng làm tăng khối lượng công việc của giáo viên và làm suy giảm chất lượng giáo dục.

Qua khảo sát 342 giáo viên từ 95 trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn Hàn Quốc, có 76,9% số người được hỏi cho biết số lượng học sinh từ các gia đình nước ngoài không nói tiếng Hàn ngày càng tăng là khía cạnh thách thức nhất trong công việc của họ. Ngoài ra, 59,1% cho biết khối lượng công việc tăng cao và kiệt sức do nhu cầu hỗ trợ những học sinh này, trong khi 44,5% chỉ ra rằng thiếu các chính sách và hỗ trợ là một vấn đề quan trọng.

Các trường trong nghiên cứu là những trường có số học sinh xuất thân từ gia đình nhập cư chiếm ít nhất 30% tổng số học sinh. Theo báo cáo kết quả nghiên cứu, tính đến năm 2023, có 350 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hàn Quốc thuộc diện này. Báo cáo nhấn mạnh khó khăn trong giao tiếp không chỉ giới hạn ở học sinh mà còn mở rộng đến cả phụ huynh. Khoảng 42,1% số giáo viên nêu ra những thách thức trong giao tiếp với phụ huynh nhập cư và 36,8% báo cáo thái độ không hợp tác và sự thờ ơ của những phụ huynh này đối với việc giáo dục con cái.

Do đó, các giáo viên nhấn mạnh nhu cầu tiếp cận đa diện để giải quyết những vấn đề trên, theo đó khuyến nghị cung cấp hỗ trợ về hội nhập trường học và học tập cho học sinh có xuất thân là người nhập cư, cung cấp hỗ trợ giáo dục phù hợp cho phụ huynh của các em và triển khai các chương trình giáo dục đa văn hóa cho cả học sinh nhập cư và không nhập cư. Ngoài ra, các giáo viên đề nghị phát triển đào tạo chuyên biệt cho giáo viên trong lĩnh vực này.

Nghiên cứu cho thấy nhu cầu ngày càng tăng về các chiến lược chuẩn bị và ứng phó trong giáo dục khi tổng dân số trong độ tuổi đi học tiếp tục giảm, trong khi số lượng học sinh từ các gia đình nhập cư đều đặn tăng. Để đảm bảo các trường này hoạt động hiệu quả, nghiên cứu kêu gọi thiết lập nền tảng pháp lý cho giáo dục đa văn hóa và thực hiện hỗ trợ pháp lý, thể chế và chính sách cấp quốc gia cho giáo dục đa văn hóa.

Trần Quang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thach-thuc-moi-doi-voi-giao-vien-han-quoc-20240922214932697.htm