Thách thức nào đón đợi tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam?
Tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam khó tránh khỏi bị so sánh với hai người tiền nhiệm là Park Hang-seo và Philippe Troussier, trong bối cảnh chất lượng đội tuyển có dấu hiệu sa sút.
Các đội tuyển Việt Nam vừa trải qua 2 nhiệm kỳ HLV mang tính điển hình. Nếu như HLV Park Hang-seo thành công rực rỡ với loạt chiến tích như á quân U23 châu Á, top 4 ASIAD, top 8 Asian Cup, vô địch AFF Cup, cú đúp vàng SEA Games..., thì người kế nhiệm Philippe Troussier lại mang đến sự thất vọng với chuỗi trận bết bát và 0 danh hiệu.
Thành công của thầy Park hay thất bại của đồng nghiệp Troussier giờ trở thành hệ quy chiếu dành cho tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Đi liền với đó là những thách thức.
Thách thức đầu tiên đến từ... bài phát biểu nhậm chức, vốn là cơ hội để tân HLV tự phác họa bản thân cũng như các ý tưởng, mục tiêu đề ra trên cương vị mới.
Trong ngày ra mắt, ông Park không đao to búa lớn nói về tấm vé World Cup như đồng nghiệp Troussier mà nhấn mạnh mục tiêu đưa Việt Nam vào top 100 thế giới. Thực tế cho thấy ông Park nói được làm được, còn ông Troussier làm dở hơn nói.
Lối chơi phòng ngự phản công được quán triệt và luyện tập bài bản giúp ông Park có chu kỳ thành công cùng cả U23 lẫn đội tuyển quốc gia, trong khi HLV Troussier "ép" đội tuyển theo phong cách khá hiện đại nhưng bị cho là áp dụng máy móc, thiếu linh hoạt.
Ông Park tin dùng công thần, việc thử nghiệm nhân tố mới vẫn có nhưng rất hạn chế, và không phải là ở các trận đấu quan trọng của đội tuyển. Ngược lại, ông Troussier sẵn sàng cho cựu binh dự, tin dùng cầu thủ trẻ dù không ít trong số họ đã mắc sai khiến đội nhà trả giá.
Việc đội tuyển Việt Nam giành vé thuyết phục vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 dưới thời thầy Park, nhưng lại dễ dàng đánh mất quyền tự quyết tại vòng loại thứ hai World Cup 2026 dưới thời ông Troussier, cho thấy sự phù hợp, hiệu quả trong chiến thuật mà hai nhà cầm quân áp dụng.
Thêm một thách thức dành cho tân HLV đó là chất lượng - về mặt con người - của cả đội tuyển U23 lẫn đội tuyển quốc gia có dấu hiệu đi xuống. Đa số những cựu binh từng thành công dưới thời ông Park không còn giữ phong độ vốn có, trong khi số ít nhân tố được phát hiện, đào tạo dưới thời ông Troussier lại quá ít và chưa đủ tầm thế chỗ các đàn anh.
Tiếp quản đội tuyển với sự pha trộn cả về nhân sự lẫn phong cách chơi bóng từ hai người tiền nhiệm, chắc chắn vị tân HLV sẽ có nhiều việc phải làm.
Sau khi nhậm chức, tân HLV đội tuyển Việt Nam có khoảng một tháng chuẩn bị cho hai lượt trận cuối vòng loại thứ hai World Cup 2026. Trong bối cảnh đội gần như đã bị loại, tân HLV không phải chịu áp lực thành tích, nhưng màn ra mắt cần thuyết phục người hâm mộ để tạo dựng niềm tin, sự kỳ vọng.
Chiến dịch AFF Cup vào cuối năm được ví như trận chiến chính thức với tân HLV, nơi đội tuyển Việt Nam chịu áp lực vô địch trong bối cảnh Indonesia thăng tiến nhanh chóng còn đương kim vô địch Thái Lan thăng hoa dưới thời HLV Ishii.
Trường hợp người được chọn là ông Kim Sang-sik, yếu tố kinh nghiệm sẽ là thách thức không nhỏ khi HLV người Hàn Quốc mới có vỏn vẹn 3 năm cầm quân ở cấp CLB, chưa từng dẫn dắt một đội tuyển nào.
Cùng với đó, rào cản ngôn ngữ (ông Kim chỉ nói được tiếng Hàn) và vốn hiểu biết văn hóa, đặc thù bóng đá Đông Nam Á cũng sẽ là thách thức không nhỏ với chiến lược gia 48 tuổi này.