Thách thức nước sạch nông thôn
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, việc bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân nông thôn Lâm Đồng đang trở thành thách thức lớn, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và đầu tư bền vững.

Công trình nước sạch tập trung nông thôn ở xã Nhân Cơ bị hư hỏng ngưng hoạt động nhiều năm nay.
Trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nguồn nước mặt, nước ngầm ở nhiều địa phương của Lâm Đồng có xu hướng ngày càng khan hiếm. Mùa khô hạn, vấn đề bảo đảm nước sạch cho người dân là điều không hề dễ.
Theo ông Phạm Văn Đoán, thôn E Sano, xã Krông Nô, những năm gần đây, mùa khô diễn ra ngày càng khốc liệt, khi nắng nóng ngày càng cao, nhiệt độ một số thời điểm lên mức kỷ lục là 38 độ C. Nắng nóng càng làm cho nguồn nước ngầm giếng khoan của gia đình nhanh chóng cạn kiệt. Ông đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để nạo, vét giếng, năm 2024 phải khoan thêm giếng nhưng cao điểm mùa khô nhiều thời điểm vẫn thiếu nước sinh hoạt.
Số liệu của ngành chức năng, cao điểm mùa khô vào tháng 4/2024 có 500 hộ dân tại các xã như Nâm Nung, Krông Nô, Đắk Sắk, Quảng Trực thiếu nước sinh hoạt.

Để đạt tiêu chuẩn nước sạch đơn vị quản lý cần có vốn để đầu tư máy móc, công nghệ xử lý.
Nguồn nước khan hiếm trong khi nhiều công trình cấp nước tập trung nông thôn bị hư hỏng, xuống cấp. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 615 công trình cấp nước tập trung nông thôn, nhưng số lượng không hoạt động là 290 công trình.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, đơn vị đã được giao quản lý vận hành 114 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Trong số đó, hiện chỉ có 59 công trình hoạt động bền vững, hàng chục công trình ngưng hoạt động trước thời điểm bàn giao. Dù đã có nhiều nỗ lực để nâng cao số hộ được cấp nước nhưng có thể nói đơn vị còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khan hiếm nguồn nước ngầm. Đó là chưa kể, nguồn vốn còn ít ỏi để thực hiện các hoạt động đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa máy móc, công nghệ xử lý, nâng cao chất lượng nước.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, đến tháng 6/2025, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 97,62%. Tỉnh phấn đấu, đến cuối năm, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt trên 56%. Nhìn về con số thì tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch mà tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đến cuối năm vẫn thấp hơn so với con số bình quân chung của cả nước.

Nước sạch vừa là nhu cầu vừa thể hiện mức sống của người dân nông thôn.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 và dự kiến chương trình giai đoạn 2026-2030 đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn về nước sinh hoạt cho người dân. Cụ thể, trước đây nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn thường dùng cụm từ “nước hợp vệ sinh” nhưng nay chương trình dùng cụm từ “nước sạch” để nhấn mạnh vào chất lượng nguồn nước phải bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn.
Theo ông Lê Trọng Yên, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nâng cao tỷ lệ hộ dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch là một nội dung trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tỉnh sẽ lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa, đầu tư các công trình cấp nước tập trung nông thôn. Hoạt động đầu tư, nâng cấp, sửa chữa sẽ được chú trọng ưu tiên vào các vùng có nguy cơ cao về hạn hán, thiếu hụt nước, vùng sâu, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.
Tỉnh triển khai tốt các chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, vùng khó khăn để bà con đầu tư sử dụng nước sạch. Việc theo dõi, đánh giá chất lượng nguồn nước đạt các quy chuẩn cũng được tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn coi trọng.
Ngoài sự nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể, người dân bằng sự chủ động của mình đẩy mạnh việc sử dụng nước sạch nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, đến tháng 6/2025, cả nước đã đạt mục tiêu về tỷ lệ dân số nông thôn được tiếp cận bền vững nước sạch đạt quy chuẩn của giai đoạn 2021-2025. Việt Nam có khoảng 58% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, tăng khoảng 7% so với năm 2020.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/thach-thuc-nuoc-sach-nong-thon-382709.html